Chủ tịch nước: "Luật sư phải độc lập, tôn trọng sự thật khách quan!"
(Dân trí) - "Luật sư có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước".
Đó là phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, tại Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III, ngày 26/12.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của giới luật sư Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.
Theo Chủ tịch nước, những năm qua, đội ngũ luật sư trong cả nước đã nỗ lực hoạt động, cống hiến, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Niềm tin của công dân, của cộng đồng và xã hội đối với đội ngũ luật sư ngày càng được củng cố và tăng cường.
Sự trưởng thành, lớn mạnh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ qua đã cho thấy liên đoàn ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đoàn luật sư, các luật sư trong cả nước. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước, cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp với giới luật sư Việt Nam, góp phần đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng nghề luật sư ở nước ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tỷ lệ luật sư trên số dân vẫn ở mức thấp so với các nước phát triển trên thế giới. Chất lượng hành nghề luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động tranh tụng và yêu cầu dịch vụ tư vấn pháp luật trong nước và quốc tế; phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của một bộ phận nhỏ luật sư chưa cao, chưa chuyên nghiệp… Vì vậy, hơn bao giờ hết, luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động.
"Luật sư có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước"- Chủ tịch nước nhấn mạnh và yêu cầu mỗi luật sư phải tự giác, gương mẫu tuân thủ pháp luật, đồng thời phải thực hiện trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc tích cực tham gia hoạt động tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật và các hoạt động xã hội khác.
Đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ cơ bản, quan trọng và thường xuyên là phối hợp cùng với cơ quan quản lý nhà nước về luật sư để quyết tâm thực hiện được mục tiêu xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ ngang tầm các luật sư trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tôn trọng và bảo vệ lợi ích nhà nước, quốc gia, dân tộc.
Để các luật sư của nước ta có thể thành công trên sân nhà và gặt hái kết quả khi bước vào sân chơi chung của quốc tế, Chủ tịch nước đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam có biện pháp xây dựng các nhóm luật sư chuyên môn sâu để tiếp tục tham gia tích cực vào công tác xây dựng pháp luật, công tác rà soát thủ tục hành chính, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho người dân. Phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, đào tạo đội ngũ luật sư chuyên môn trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nghiên cứu xây dựng và đề xuất với Chính phủ về chính sách thu hút luật sư tham gia sâu hơn vào các vụ kiện quốc tế liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam…
Tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch nước, ông Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - khẳng định, Liên đoàn và đội ngũ luật sư sẽ nghiên cứu đầy đủ những nội dung chỉ đạo của Chủ tịch nước để đề ra những nhiệm vụ trọng tâm và chương trình hành động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời gian sắp tới.
"Đội ngũ Luật sư Việt Nam nguyện phấn đầu và thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, theo đúng tinh thần của Chủ tịch nước đã chỉ đạo để góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, không phụ lòng tin, sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với Liên đoàn Luật sư Việt Nam" - ông Thịnh nói.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh cũng cám ơn sự tin tưởng của đại hội đã bầu ông tiếp tục giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Ông Thịnh khẳng định đây là vinh dự cũng là trách nhiệm nặng nề nên ông mong muốn Liên đoàn tiếp tục đoàn kết, nỗ lực để xây dựng đội ngũ luật sư ngày càng phát triển. Cá nhân ông sẽ cố gắng, phấn đấu hết mình để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển vững mạnh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời gian tới.
Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc đã bầu ra 31 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III trên tổng số 94 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc (trong đó có 63 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc đương nhiên là Chủ nhiệm của 63 Đoàn Luật sư). Hội đồng Luật sư toàn quốc đã bầu ra 21 ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn; bầu Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III là luật sư Đỗ Ngọc Thịnh.
Hội đồng Luật sư toàn quốc đã bầu ra các Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, gồm các luật sư: Phan Trung Hoài; Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Lưu Tiến Dũng, Nguyễn Hải Nam, Đào Ngọc Chuyền.