1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Chủ tịch nước: “Không ai từ bỏ chủ quyền quốc gia”

(Dân trí) - Tiếp xúc Chủ tịch nước cùng đoàn Đại biểu Quốc hội, bên cạnh các chất vấn về đời sống, xã hội, nhiều cử tri TP.HCM bày tỏ mong muốn được biết thông tin về tình hình biển đảo, ứng phó của Việt Nam và đã được Chủ tịch nước giải đáp cặn kẽ.

Chiều 26/4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu số 1 đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri Quận 1, TPHCM để lắng nghe ý kiến đóng góp cũng như tâm tư nguyện vọng của đông đảo bà con cử tri.

Cử tri Tạ Quang Hưng (P.Tân Định) phản ánh đến đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc giải quyết khiếu nại của người dân thì cần phải theo dõi, đôn đốc, giải quyết đến cùng chứ không chỉ nhận đơn rồi làm phiếu chuyển cho các bộ phận có liên quan là xong.
 
Cử tri Nguyễn Thị Nguyệt (P.Cô Giang) đề nghị cần có những biện pháp đẩy mạnh giáo dục, phát triển thể thao, văn hóa. Cần xây dựng nếp gia đình vì đó là cái nôi hình thành nhân cách trẻ thơ. Còn thể thao là để phòng bệnh, giải tỏa áp lực cho ngành y tế. Đồng thời, thể thao góp phần cải tạo nòi giống. “Nhìn chị em phụ nữ trong các khu chế xuất nhỏ quá mà thấy tội nghiệp. Do vậy, cần phải phát triển thể thao, dinh dưỡng để cải tạo giống nòi”, cử tri Nguyệt đề nghị.
 
Chủ tịch nước cùng tổ ĐBQH tiếp xúc cử tri quận 1
Chủ tịch nước cùng tổ ĐBQH tiếp xúc cử tri quận 1

Cử tri Đỗ Khánh Hoa (Liên đoàn Lao đông Quận 1) bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền sớm có hướng dẫn về chế độ nghỉ thai sản 6 tháng cho lao động nữ. “Ngành giáo dục quy định trẻ con từ 18 tháng trở lên mới được gửi nhà trẻ, trong khi lao động nữ được nghỉ 6 tháng là phải đi làm lại. Nên thay đổi thời gian nhận giữ trẻ từ 7 tháng tuổi cho phù hợp chứ chờ đến 18 tháng thì khoảng thời gian từ 7-17 tháng tuổi không biết gửi con ở đâu mà đi làm”, cử tri Hoa nói.

Cử tri Lê Văn Minh (P.Cầu Ông Lãnh) trình bày 3 bức xúc của mình về tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp và hệ thống tài chính. Ba vấn đề này phải mổ xẻ ở Quốc hội kỳ này quyết liệt, dài hơi hơn. Các vấn đề giảm lạm phát, tồn tại về nợ công, nợ của các ngân hàng cần giải quyết. Cử tri Minh đề nghị Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch để doanh nghiệp yên tâm. Tiếp tục cải cách kinh tế theo cơ chế thị trường, tránh các can thiệp hành chánh…

Cử tri Huỳnh Công Thành (P.Cô Giang) cho rằng trong bộ máy nhà nước còn tồn tại 3 loại cán bộ: “Nói nhiều, làm ít, báo cáo hay, làm dở; ham chức ham quyền và giỏi ăn giỏi nói, giỏi gói mang về”. Cử tri Thành kiến nghị nên chặn đứng “vấn nạn” này.
 
Chủ tịch nước: Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm
Chủ tịch nước: "Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm"

Bên cạnh các vấn đề dân sinh, xã hội, các cử tri đặc biệt quan tâm đến vấn đề chủ quyền biển đảo, tình hình khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản của ngư dân ở Biển Đông… cũng như chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong vấn đề này.

Cử tri Phạm Văn Chuyên (P.Tân Định) đề nghị các ĐBQH nói rõ quan điểm về Biển Đông. Cử tri Nguyễn Xuân Đáng (P.Tân Định) chất vấn: “Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố trước Quốc hội và nhân dân rằng nếu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải thì sẽ chống lại. Còn phản ứng của ta yếu quá. Chủ tịch nước nói ngư dân cứ đánh bắt cá nơi có chủ quyền nhưng vấn đề đảm bảo an toàn cho ngư dân như thế nào?...”.

Cử tri Đáng cũng bày tỏ băn khoăn khi các dự án bô-xít ở Tây Nguyên, nhiều công nhân là công dân loại 3, 4 (có tiền án, tiền sự - PV) của Trung Quốc đưa sang và việc Trung Quốc trang bị, viện trợ vũ khí cho Campuchia… “Tấm lòng của lãnh đạo Campuchia có khi nào với Việt Nam nhẹ hơn Trung Quốc?”.

Cử tri Trần Minh Quang (P.Bến Thành) đề nghị không khoan nhượng với các hành vi xâm lấn chủ quyền ở Biển Đông. Cử tri Quang cũng cho rằng tiêu cực, tham nhũng quá lớn làm mất lòng dân mà không có điều tra, xác minh rõ ràng.
 
“Nợ xấu từ đâu, ai gánh nợ xấu?. Đề nghị Đoàn ĐBQH điều tra làm rõ vấn đề này chứ đừng đánh thuế tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng như đề xuất của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM. Làm như thế là ăn hiếp người dân”.
 
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định lập trường trước sau như một của Việt Nam về chủ quyền biển đảo. Không bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình và cũng không có bảo vệ chủ quyền chỉ bằng nói miệng. Hiện có một số tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, chủ trương của Việt Nam là đấu tranh hòa hiếu, hòa bình thông qua hệ thống luật quốc nội và quốc tế về biển.
 
“Làm như vậy không phải là nhu nhược, từ bỏ chủ quyền mà đây là lập trường được các nước ASEAN và thế giới đồng lòng. Tôi hiểu, bà con cử tri lo thì đúng nhưng phải nên bình tâm. Không ai từ bỏ chủ quyền quốc gia cả”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
 
Chủ tịch nước ân cần thăm hỏi bà con cử tri
Chủ tịch nước ân cần thăm hỏi bà con cử tri

Chủ tịch nước cho biết, lịch sử chứng minh vùng biển Đông thuộc của chúng ta. Tổ tiên chúng ta đã đánh bắt ở các đảo và Việt Nam cũng đã nộp hồ sơ chủ quyền biển đảo lên Liên Hiệp Quốc. Việt Nam là quốc gia độc lập, có chủ quyền. Việc mua sắm vũ khí là để phòng thủ, trang bị cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Làm như vậy, không có nghĩa là đánh ai hay chạy đua vũ trang mà là hoạt động bình thường.

Vấn đề khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản, du lịch biển như thế nào trong Biển Đông đều được Đảng, Nhà nước nắm rõ. Không có tình trạng để ngư dân ra biển một mình. Chủ tịch nước cũng khen ngợi ngư dân làm đối ngoại tốt và cương quyết giữ vững chủ quyền.
 
Các tập đoàn lớn trên thế giới vẫn hợp tác với Việt Nam trong khai thác tài nguyên biển Đông. “Chúng ta không tranh chấp với ai. Biển của ta, ta giữ, ta khai thác. Các đối tác đến với Việt Nam, làm ăn theo pháp luật Việt Nam thì Việt Nam hết sức hoan nghênh”, Chủ tịch nước nói.

Liên quan đến vấn đề đối ngoại với các nước Đông Dương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định tình cảm giữa 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia là cực kỳ sâu đậm. “Việt Nam hết sức tôn trọng đường lối đối ngoại của nước bạn. Không vì bạn bè có đường lối rộng mở mà mình suy nghĩ khác”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Công Quang