1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch MTTQ VN: Cần hỗ trợ ngư dân có tàu gỗ thoát nghèo

(Dân trí) - Dù có chương trình hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt, vẫn còn hơn 100.000 tàu gỗ nhỏ của ngư dân đang hoạt động. Vì thế cần hỗ trợ ngư dân thoát nghèo, đi đôi với đóng tàu sắt cần đồng bộ hóa hạ tầng hậu cần.

Cuối ngày 10/6, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Hội Nghề cá Việt Nam.

Xây dựng nghề cá nhân dân hiện đại

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, công tác khai thác trên biển gặp nhiều khó khăn do công nghệ đánh bắt, dịch vụ hậu cần còn yếu và ảnh hưởng bởi các vụ tàu Trung Quốc xâm lực, cản trở ngư dân.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam (Ảnh: T.N)
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam (Ảnh: T.N)

Theo ông Thắng, ông cha ta đã có Hoàng Sa, Trường Sa mấy trăm năm nay và sống bằng nghề cá. Nhiệm vụ hiện nay là làm sao đưa nghề cá hiện đại phát triển. Mặc dù vốn tín dụng cho thủy sản yếu, đặc biệt là khai thác cá biển, nhưng đến nay ngư dân đã đóng trên 120.000 tàu cá chứng tỏ nội lực của ngư dân lớn.

"Phải chuyển từ nghề cá nhân dân lạc hậu sang nghề cá nhân dân hiện đai. Phải là ngề cá nhân dân hiện đại để làm chủ biển đảo. Chỉ có nghề cá nhân dân mới có thể làm điều này", ông Thắng khẳng định.

Ông cũng cho biết, đầu tư cho sản xuất trên biển bao gồm chi phí đóng tàu, mua trang thiết bị và vốn lưu động. Nếu chỉ có đầu tư cho đóng tàu sắt thì không làm thay đổi hoạt động của nghề cá mà cần có chi phí mua trang thiết bị mới phù hợp với quy mô tàu lớn. Phải làm sao hỗ trợ cho ngư dân có nguồn vốn lưu động để duy trì hoạt động của tàu.

Mặc dù có chương trình hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu sắt nhưng chi phí đóng 1 chiếc tàu sắt lên tới 6-7 tỷ đồng, trong đó ngư dân phải thế chấp tới 85% nên đa số ngư dân không đủ khả năng. Hiện nay doanh nghiệp đứng ra vay vốn để đóng tàu rồi cho ngư dân thuê lại nhưng giá thuê vẫn rất cao. Vinashin đóng tàu cho ngư dân thuê với giá 200 triệu, nhưng giá này ngư dân vẫn chưa thuê được, và hai bên đang thỏa thuận giảm xuống còn 80 - 100 triệu.

Thiếu vốn, thiếu tự chủ trong nghề khiến đời sống của đa số ngư dân còn khó khăn. Ngư dân hiện nay chưa được làm chủ tàu mà phải đi thuê tàu để đánh cá. Một con tàu cá thu về 100 triệu sau khi đánh bắt thì phải chia cho chủ tàu 60%, số còn lại chia cho các thuyền viên thì chẳng thấm vào đâu, do đó cần có chính sách hỗ trợ ngư dân.

“Một chương trình đóng tàu sắt cần chọn ngành nghề, đối tượng phù hợp; cần đảm bảo người dân có vốn để duy trì sản xuất; cần gắn công tác kiên cố hóa đội tàu với công tác hậu cần đảm bảo có hạ tầng nghề cá đồng bộ, công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho tàu cá”, ông Thắng nói.

Hỗ trợ 220 xã ven biển thoát nghèo

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, hiện nay còn 220 xã nghèo bãi ngang ven biển, các xã trên đảo toàn là xã nghèo, riêng huyện đảo Lý Sơn có 3 xã thì tất cả đều là xã nghèo. Do đó, cần đặc biệt chăm lo cho các xã này bởi đây là hậu phương vững chắc để vệ biển đảo. Nếu hậu phương ven bờ yếu thì khó mà bảo vệ tiền tuyến biển Đông.

Hiện nay, nhiều cảng cá ở Lý Sơn Phú quý chưa hoàn thiện do đầu tư dàn trải kéo dài. Cảng cá phải có dịch vụ hậu cần nhưng hiện nay chưa có chợ cá mà đánh bắt về phải mang và trong bờ tiêu thụ.

Đồng quan điểm này, ông Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng cần có đột phá trong việc cho vay và đơn giản hóa thủ tục hành chính nếu không thì người dân sẽ rất khó tiếp cận được vốn vay.

Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam (Ảnh: T.N)
Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam (Ảnh: T.N)

Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, cần có thủ tục hành chính gọn nhẹ hợp lòng dân hơn dể ngư dân có thể vay vốn. Chủ trương đóng 1.000 chiếc tàu cần tính xem cơ sở đi đôi là gì, hậu cần là gì. Tàu sắt cứ 6 tháng phải lên bờ 1 lần để sơn sửa và chi phí tốn tới 100 triệu đồng. Nếu người dân vay vốn để đóng tàu thì mỗi năm phải trả lãi đến 120 triêu. Nhiều ngư dân Quảng Ngãi chỉ muốn dùng tàu vỏ gỗ vì không phải vay nhiều, không phải trả lãi.

“Cần xem ngư dân như một chiến sĩ, một cột mốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo, từ đó có chính sách hỗ trợ hợp lý khi họ phải hy sinh”, ông Trần Cao Mưu đề xuất.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: T.N)

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch MTTQ Việt Nam đề nghị trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp với MTTQ để cùng các ngân hàng bàn cơ chế triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt sao cho hiệu quả nhất.

“Trước đây tàu nhỏ đánh bắt được ít nào thì bán hết trong ngày. Bây giờ đóng tàu to mà không có đầu tư hậu cần đồng bộ thì hải sản mấy ngày bán không hết, giảm chất lượng rồi ngư dân lại bị ép giá, ảnh hưởng đến lợi ích của ngư dân; cần tránh vòng luẩn quẩn này”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Sắp tới MTTQ sẽ đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ 220 xã ven biển và đảo thoát nghèo, góp phần duy trì nghề cá. MTTQ cũng sẽ kêu gọi huy động nguồn lực của xã hội vào công tác này.

Hiện nay có hơn 120.000 tàu cá của ngư dân, nếu chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt hoàn thành thì cũng chỉ thay thế được 1.000 chiếc tàu, số còn lại vẫn là tàu gỗ nhỏ. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ ngư dân tàu gỗ có đời sống ổn định và thoát nghèo.

Chủ tịch MTTQ VN đề nghị sắp tới Hội Nghề cá Việt Nam cứ 3 tháng 1 lần có báo cáo về tình hình ngư dân để kịp thời trình Chính phủ nắm bắt tình hình; cần có cơ chế khen ngư dân có thành tích và tổ chức cho Mặt trận thăm xã nghèo ven biển trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm tới.

Sắp tới, cần có phương án liên kết với các siêu thị để hỗ trợ tiêu thụ hải sản cho ngư dân bởi Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã khẳng định sẵn sàng tiêu thụ cá từ Hoàng Sa, Trường Sa.

Thảo Nguyên