1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch huyện ở TPHCM nói về nơi "không thể trồng gì, cây không sống nổi"

Q.Huy

(Dân trí) - "Người dân ở khu vực lân cận nơi xử lý rác không thể trồng trọt được gì, không cây nào sống nổi. Trong khi trước đây, mỗi năm họ có thể làm 2 đến 3 vụ lúa", Chủ tịch UBND huyện Củ Chi báo cáo.

Chiều 19/8, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM có buổi làm việc với huyện Củ Chi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương.

Trong 7 tháng đầu năm, huyện ngoại thành nằm ở phía Tây Bắc TPHCM đã đạt những kết quả khả quan trong phát triển, tuy nhiên, địa phương này còn nhiều vấn đề tồn đọng cần gỡ vướng để vươn lên thời gian tới.

Hàng trăm hộ dân chịu khổ vì ô nhiễm

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết, địa phương rất chia sẻ với thành phố về việc di dời dự án xử lý rác thải rắn tới khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, 244 hộ dân tại Củ Chi trong 17 năm qua bị ảnh hưởng rất lớn do hoạt động của Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (xã Hiệp Phước).

Chủ tịch huyện ở TPHCM nói về nơi

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì buổi làm việc (Ảnh: H.Q.).

Mặc dù khu xử lý rác thải đã được đầu tư nhưng chưa khắc phục triệt để được vấn đề ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo huyện Củ Chi chia sẻ, nước xung quanh khu vực bị ô nhiễm, đen kịt, đất không thể canh tác.

"Người dân ở khu vực lân cận nơi xử lý rác không thể trồng trọt được gì, không cây nào sống nổi. Trong khi trước đây, mỗi năm họ có thể làm 2 đến 3 vụ lúa", bà Phạm Thị Thanh Hiền dẫn chứng.

Trước đó, UBND TPHCM đã phê duyệt chủ trương thực hiện dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và trồng cây xanh cách ly (giai đoạn 2) cho Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, nhằm giảm tác động đến đời sống người dân. Vào năm 2019, chủ đầu tư đã kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 526 tỷ đồng lên thành 2.597 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai.

Chủ tịch huyện ở TPHCM nói về nơi

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi (Ảnh: H.Q.).

"Chúng tôi đề nghị Sở TN&MT tham mưu UBND TPHCM sớm triển khai dự án này. Nếu dự án này kịp làm để kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất Đất nước, đó sẽ là niềm vui không thể tả đối với nhân dân huyện Củ Chi", bà Phạm Thị Thanh Hiền kiến nghị.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Củ Chi cũng mong muốn thành phố sớm hỗ trợ huyện để giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan tới những tồn đọng của dự án Công viên Safari Sài Gòn. Đồng thời, địa phương kiến nghị các sở, ngành gỡ vướng cho việc triển khai dự án đường vành đai 3 TPHCM và một số công trình quan trọng khác.

Củ Chi phát triển du lịch với chủ đề hòa bình

Chủ tịch UBND huyện Củ Chi bày tỏ mong muốn về việc phát triển kinh tế địa phương theo mô hình mới. Thay vì tập trung phát triển nông nghiệp như trước đây, huyện sẽ chuyển đổi sang phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, thương mại dựa trên thế mạnh sông nước, nhà vườn, khu nghỉ dưỡng.

"Thời gian qua, du khách tới Củ Chi chỉ biết đến khu địa đạo Bến Dược mà không biết rằng huyện còn có nhiều không gian xanh, khu sinh thái, vườn lan. Việc phát triển thương mại dịch vụ, du lịch sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn cho người nông dân", Chủ tịch UBND huyện Củ Chi chia sẻ.

Chủ tịch huyện ở TPHCM nói về nơi

Huyện Củ Chi có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch nhưng chưa thể tận dụng (Ảnh: P.N.).

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại địa phương còn vướng những quy định liên quan đến quy hoạch. Do đó, ngành du lịch tại các khu vực ven sông Sài Gòn chảy qua huyện Củ Chi gần như không phát triển được.

"Củ Chi có hơn 5km sông Sài Gòn chảy qua, người dân khu vực ven sông trồng nhiều cây ăn trái nhưng ngành du lịch hầu như không phát triển. Người dân muốn xây nhà chòi, nơi nghỉ chân, nhà vệ sinh phục vụ du khách cũng không được do thuộc quy hoạch phân khu của bờ sông Sài Gòn", bà Phạm Thị Thanh Hiền phân tích.

Lãnh đạo huyện Củ Chi cũng bày tỏ, địa phương là vùng đất trù phú, nhiều cây ăn trái nhưng giá trị người dân thu được rất nhỏ vì chủ yếu mang ra chợ bán, chưa kết hợp được với du lịch và chưa đến tay nhiều người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, huyện Củ Chi cũng có ngành nghề truyền thống làm bánh tráng, mang lại giá trị cao thời gian trước đây cho người dân, doanh nghiệp. Trên địa bàn, nhiều cơ sở sản xuất có sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ.

Chủ tịch huyện ở TPHCM nói về nơi

Chủ tịch UBND TPHCM định hướng huyện Củ Chi phát triển du lịch với chủ đề Hòa Bình (Ảnh: P.N.).

Trong giai đoạn hiện nay, việc phơi bánh tráng ngoài nắng không còn được thực hiện do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân có nhu cầu xây dựng các nhà xưởng, nhà kính sấy quy mô lớn nhưng chưa thể thực hiện do vướng đất nông nghiệp.

Nói về định hướng phát triển du lịch của huyện Củ Chi, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, gợi ý về việc hình thành không gian du lịch với chủ đề hòa bình. Định hướng này dựa trên truyền thống đất thép thành đồng của huyện Củ Chi cùng các địa danh như địa đạo Củ Chi, Bến Dược và các di tích lịch sử khác.

"Khi nói đến Việt Nam, du khách quốc tế rất ngưỡng mộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tấm gương về khát khao hòa bình. Do đó, huyện Củ Chi cần tập trung cho ngành du lịch để mỗi người yêu hòa bình đều mong muốn tới đây", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.