Quảng Bình:
Chủ tịch huyện khai man thành tích để nhận huân chương
Việc xét tặng Huân chương Kháng Chiến hạng Ba là dành cho những người tham gia kháng chiến từ 10 năm đến dưới 15 năm. Để có huân chương, ông Phan Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - đã khai man lý lịch, tăng số năm tham gia kháng chiến.
Khai man thành tích...
Tại bản khai thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Phan Ngọc Sơn khai sinh ngày 5/3/1946, ngày tham gia cách mạng là 1/1/1964, thoát ly khỏi địa phương tháng 1/1969. Và bản kê khai thành tích của ông Sơn đã được ông Nguyễn Quốc Thuận - nguyên xã đội trưởng xã Quảng Phương (xã quê ông Sơn) xác nhận là đúng.
Căn cứ vào bản khai thành tích của ông Phan Ngọc Sơn và xác nhận của ông Thuận, tính thời gian tham gia kháng chiến, ông Phan Ngọc Sơn đủ 10 năm 3 tháng, nên UBND huyện Quảng Trạch nhất trí đề nghị Nhà nước tặng Huân chương Kháng Chiến hạng Ba.
Không rõ làm cách nào ông Phan Ngọc Sơn có thể che mắt Hội đồng Thi đua khen thưởng để thực hiện nội dung gian dối nói trên. Vì tại lý lịch đảng viên, ngày sinh của ông Sơn là 5/8/1949. Và đúng vào năm 1964, khi ông Sơn khai là “dân quân trực chiến” thì thực tế ông vẫn đang là học sinh.
Ông Sơn được xác nhận năm 1969 “thoát ly làm việc nhà nước”, nhưng tại năm đó, ông Sơn vào học Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Để hợp lý hoá thời gian “tham gia kháng chiến”, ông Phan Ngọc Sơn đã ghi lùi năm sinh xuống năm 1946.
Tường trình không thuyết phục
Khi chúng tôi đang điều tra về hành vi khai man thành tích kháng chiến của ông Phan Ngọc Sơn, thấy động, ông Sơn đã viết giải trình gửi Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh. Nội dung bản giải trình có nhiều tình tiết buồn cười.
Ông Sơn cho rằng, bản thành tích kháng chiến của mình bị sai lệch nhiều nội dung là do ông Trần Trọng Ty - cán bộ giúp việc cho Phòng Giáo dục Quảng Trạch (nơi ông Sơn đang công tác) cố ý ghi sai cho ông. Và vì ông Sơn quá tin tưởng vào ông Ty nên đã ký(?!).
Phần ghi sai, ông Sơn cho biết rằng: Năm sinh của ông phải là năm 1949 chứ không phải năm 1946, “đây là việc cố ý ghi sai của ông Ty” (!). Năm vào đảng của ông Sơn cũng được thanh minh là 27/4/1968.
Ông Sơn khẳng định thời gian tham gia kháng chiến trong bản thành tích từ 1/1/1964 đến 30/12/1968 làm dân quân trực chiến xã mà ông Ty ghi như thế là sai hoàn toàn. Nhưng ông Sơn đã quên, chính trong bản xác nhận của địa phương do chính ông Sơn tự đi lấy xác nhận cũng ghi đúng như vậy (?). Vậy ông Ty thì có can cớ gì mà phải khai tụt năm sinh của ông Sơn những 3 năm?
Nhưng đây mới là chi tiết “cười ra nước mắt”: Trong bản tường trình, ông Sơn giải thích rằng, ông không tham gia dân quân xã từ 1/1/1964 đến 30/12/1968 như đã khai và như xã xác nhận, mà từ 1965 đến năm 1968 (3 năm) ông là lớp trưởng các lớp 8A, 9A, 10A và hồi đó, trong điều kiện chiến tranh nên nhà trường gọi lớp học là trung đội, khối học là đại đội, trường học là tiểu đoàn nên lớp trưởng được coi là trung đội trưởng.
Nên ông Sơn khẳng định, việc ông làm lớp trưởng kiêm trung đội trưởng thời kỳ học sinh cấp 3 tức là tham gia kháng chiến (?!). Nếu thế, có lẽ hàng triệu học sinh toàn miền Bắc ngày đó đều nhận huân chương như ông Sơn.
Nhưng ông Sơn lại quên, năm 1965 - năm mà ông khẳng định lại mốc thời gian tham gia kháng chiến của mình, thì trong lý lịch Đảng đã ghi năm 1965 ông đang là liên đội trưởng thiếu niên tiền phong Trường cấp 2 Quảng Thanh.
Cuối bản tường trình, ông Sơn “thề” rằng: “Việc khai báo của tôi về thành tích, về hồ sơ lý lịch bao giờ cũng đúng sự thực” (!) và còn đề nghị Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh “có biện pháp kiểm tra việc làm sai trái của ông Trần Trọng Ty”.
Phát hiện thêm 4 quyết định tiếp nhận cán bộ trái luật ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình
Bốn quyết định tiếp nhận viên chức trái pháp luật do chính Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phan Ngọc Sơn ký, với sự trợ thủ đắc lực của Nguyễn Đình Tuận - Trưởng phòng Tổ chức lao động xã hội huyện.
Vào ngày 29/11/2005, Trần Trung Lâm, Trần Thị Kim Hợi, Võ Thị Nam Vĩnh, Nguyễn Minh Đạt đang lao động hợp đồng tại cơ quan UBND huyện đột ngột biến ngay thành viên chức nhà nước với mức lương 1,86 và 2,34.
Như vậy đến thời điểm này, đã phát hiện 25 quyết định bổ nhiệm, tiếp nhận công chức, viên chức và lao động trái pháp luật do ông Phan Ngọc Sơn trực tiếp ký. Hiện giờ, đã có 2 quyết định trái luật bị đoàn kiểm tra thu hồi. Số còn lại, các tổ kiểm tra với sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương xác minh để kết luận xử lý. |
Theo Nhóm P.V điều tra
Lao Động