Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nêu giải pháp giúp nông dân tăng thu nhập
(Dân trí) - Một trong những giải pháp để nâng cao thu nhập cho người nông dân là phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Giải pháp cốt lõi cho kinh tế nông thôn chính là kinh tế tập thể.
Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về hoạt động của Hội trong năm 2021 và định hướng trong thời gian tới.
Trong 2 năm 2020, 2021, dịch Covid-19 đã khiến đời sống người nông dân trên cả nước gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tiêu thụ nông sản, thời gian này, Hội Nông dân Việt Nam đã có những hoạt động, chương trình cụ thể như thế nào để hỗ trợ người nông dân, thưa ông?
- Khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng, trong đó có người nông dân. Các địa phương thực hiện các lệnh phong tỏa, giãn cách để chống dịch, khiến lượng lớn nông sản của người nông dân bị ách tắc, khó tiêu thụ, gây thiệt hại lớn.
Trong bối cảnh đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trên cả nước tập trung kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong năm 2020 và 2021, hầu hết các tỉnh đã phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau để hỗ trợ nông dân cả nước tiêu thụ nông sản.
Cho đến hiện nay, hệ thống của Hội Nông dân trên cả nước đã lập được trên 130 cửa hàng của Hội và phối hợp với các cửa hàng khác, tổng số có trên 760 cửa hàng để tập trung hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Chúng tôi đã phát động các hội viên nông dân góp công, góp sức ủng hộ cho người nông dân ở địa phương và thành lập các "Tổ nông vụ". Thời điểm chưa có vaccine, chúng ta phải rà soát, cách ly F0, F1, có gia đình cách ly cả nhà, nông sản ngoài đồng không ai thu hoạch được, lúc này "Tổ nông vụ" đã thu hoạch giúp và vận chuyển đến tận nhà để người ta yên tâm cách ly.
Còn đối với sản xuất, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, trước hết tận dụng về mặt khoa học kỹ thuật, thứ 2 là về các nguồn lực, kể cả nguồn lực tài chính; tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại, trong đó có ngân hàng nông nghiệp để hỗ trợ vốn cho người nông dân.
Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng xem xét và giảm phí vay từ nguồn phí hỗ trợ nông dân để hỗ trợ cho bà con nông dân.
Tại kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội đã thông qua Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội có quy mô gần 350.000 tỷ đồng, trong đó có mục Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với 110.000 tỷ đồng. Tới đây, Hội Nông dân Việt Nam có những giải pháp gì để triển khai gói hỗ trợ này đúng và trúng mục tiêu, đem lại hiệu quả đến các hợp tác xã, thưa ông?
- Gói kích thích tăng trưởng vừa được Quốc hội thông qua là động lực lớn để chúng ta phục hồi, phát triển kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Gói hỗ trợ này một phần sẽ tác động lớn đến sản xuất, phục hồi sản xuất của người nông dân, trong đó có các hợp tác xã và một trong các giải pháp là có giải pháp an sinh.
Đối với Hội Nông dân Việt Nam, giải pháp tham gia phát triển kinh tế tập thể là một trong những giải pháp rất lớn, Hội đã có Nghị quyết về việc này.
Chúng tôi cũng xác định một trong những giải pháp để nâng cao thu nhập cho người nông dân là phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Giải pháp cốt lõi cho kinh tế nông thôn chính là kinh tế tập thể.
Hội Nông dân Việt Nam đã tham gia mạnh mẽ vào kinh tế tập thể trong những năm qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các tổ hội nghề nghiệp, để nó làm nền tảng để phát triển hợp tác xã. Ví dụ, người chăn nuôi tập hợp với nhau thành tổ hội chăn nuôi, trồng trọt thành tổ hội trồng trọt. Từ đó để người nông dân làm quen với cách làm việc tập thể, chính là nền tảng để chúng tôi phát triển kinh tế tập thể.
Chúng tôi đã làm việc và tiếp tục ký kết chương trình với các bộ, ban ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ngoài việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thì cũng thực hiện các chương trình liên quan đến gói kích thích Quốc hội vừa thông qua.
Hội Nông dân Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện các giải pháp, đặc biệt là giải pháp đào tạo nghề và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn. Trong đó chú trọng chuyển đổi nghề cho nhóm lao động nông thôn đi nơi khác làm ăn (lao động tự do), cũng như số lao động là công nhân vừa quay về quê từ đại dịch.
Ngoài ra, chúng tôi cũng ký kết chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng núi, đồng bào dân tộc.
Về lâu dài cũng như trước mắt là năm 2022, Hội Nông dân Việt Nam đã có những kế hoạch như thế nào để tiếp tục hỗ trợ người nông dân, thưa ông?
- Trong năm 2022, chúng tôi tập trung mấy việc như: Củng cố lại cơ sở các Chi hội, Tổ hội, tức là sắp xếp lại, đổi mới tổ chức Hội trên cơ sở sắp xếp lại các Chi hội, Tổ hội và quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc thành lập các Tổ hội nghề nghiệp. Thông qua đó đổi mới phương thức hoạt động này, để làm sao hoạt động của Hội Nông dân mang lại lợi ích thiết thực hơn cho hội viên nông dân.
Ngoài ra, thông qua đổi mới, phương thức hoạt động của Hội Nông dân để chúng ta thực hiện nhiều giải pháp mới, như: Vừa tổ chức sản xuất, tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trên cơ sở đó làm thay đổi mạnh mẽ tư duy, suy nghĩ của người nông dân, để người nông dân từ sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang sản xuất hàng hóa lớn và sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tức là, người nông dân phải có tư duy kinh tế nông nghiệp, làm ra nhiều sản phẩm mang lại lợi ích lớn hơn, giá trị gia tăng hơn.
Hội Nông dân Việt Nam sẽ phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp, để làm sao người nông dân sản xuất ra hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tất cả các mặt hàng sản xuất ra đều phải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Chúng ta phải xóa bỏ tình trạng nhiều người hay nói "rau hai luống, lợn hai chuồng", vì điều này làm cho uy tín các sản phẩm nông sản của chúng ta xuống thấp.
Vấn đề nữa là tái cơ cấu nền nông nghiệp, làm sao để người nông dân sản xuất phải theo đúng vùng, đúng qui định, tiêu chuẩn. Hội Nông dân sẽ tập trung cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làm sao xây dựng được vùng nguyên liệu cho bà con nông dân sản xuất. Khi có vùng nguyên liệu ổn định thì sẽ có doanh nghiệp đầu tư vào chế biến.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, giá vật tư đầu vào sản xuất tăng cao, Hội cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ người nông dân mua được vật tư đầu vào phục vụ sản xuất đúng chất lượng và giá cả hợp lý.
Xin cảm ơn ông!