Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung

Lịch sử mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc phong phú, đa dạng đầy ắp những sự kiện nhưng càng trở nên sâu sắc hơn bởi trong đó chứa đựng hoạt động và những cống hiến xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là nền móng vững chắc để hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục bồi tụ, vun đắp, xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc ngày càng phát triển, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung - 1

Từ trên xuống dưới, từ trái qua phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông, ngày 2/11/1960 tại Bắc Kinh, trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 2 đến ngày 4/11/1960. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông nâng ly chúc tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, tháng 8/1957. Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị Trung Quốc, tại sân bay Bắc Kinh, ngày 25/6/1955. Nhân dân Trung Quốc chào mừng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, thăm hữu nghị Trung Quốc, tháng 6/1955 (Ảnh: Tư liệu/TTXVN).

1. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước (1911) cho đến khi trút hơi thở cuối cùng (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm tốt đẹp đối với bè bạn quốc tế, đặc biệt là nhân dân Trung Quốc.

Ngay từ năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân lên mảnh đất Trung Quốc, hoạt động cách mạng tại Quảng Châu với một nhiệm vụ quan trọng Quốc tế Cộng sản giao cho là quan sát phong trào cách mạng Trung Quốc, tìm hiểu âm mưu của các nước đế quốc đối với nhân dân Trung Quốc và các nước phương Đông, từ đó tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin trong quần chúng nhân dân các dân tộc, tổ chức lại các chính đảng của những người yêu nước Việt Nam...

Được sống trong lòng dân, cùng ăn, cùng ở với nhân dân địa phương, được nhân dân Quảng Châu che chở giúp đỡ, hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc những năm này diễn ra khá thuận lợi.

Từ thực tiễn hoạt động cách mạng và trên hết là sự thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân Trung Quốc phải chịu đựng, năm 1924, Nguyễn Ái Quốc viết bài "Tình cảnh nhân dân Trung Quốc". Đây là một đòn trực diện lên án âm mưu của các nước đế quốc đối với nhân dân Trung Quốc.

Tiếp đó, trong bài Nông dân Trung Quốc[1], Nguyễn Ái Quốc phân tích bảy nguyên nhân dẫn tới sự khốn cùng của nhân dân Trung Quốc và chỉ rõ phong trào đấu tranh của họ đã có tổ chức, được công nhân ủng hộ... Nhờ những thông tin lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cung cấp, tổ chức Quốc tế Nông dân đã nắm bắt kịp thời tình hình nông dân ở Trung Quốc và các nước phương Đông, qua đó có những chỉ đạo cụ thể đối với phong trào nơi đây, giúp phong trào đấu tranh của nông dân Trung Quốc và các nước phương Đông được giữ vững và phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung - 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham quan Vạn lý trường thành, trong chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc, tháng 7/1955 (Ảnh: Tư liệu/TTXVN).

Tuy nhiên, khi hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu diễn ra thuận lợi, tình hình chính trị Trung Quốc có biến đổi lớn. Tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch làm đảo chính phản cách mạng, gây ra tình cảnh rối loạn chính trị. Họ tiến hành bắt bớ, giam cầm những người cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu; hoạt động của Nguyễn Ái Quốc bị theo dõi và giám sát chặt chẽ.

Trước tình hình đó, đầu tháng 5/1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Quảng Châu đến Hồng Kông, đi Thượng Hải sau đó sang Liên Xô hoạt động. Thời gian sống và làm việc tại Liên Xô, dù bận nhiều công việc nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn luôn dõi theo phong trào cách mạng của nhân dân Trung Quốc, luôn lên tiếng ủng hộ và cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc.

Xuất phát từ tình cảm đặc biệt đó, trong những hoạt động cách mạng tiếp theo của Nguyễn Ái Quốc, mảnh đất Trung Quốc luôn là nơi ghi dấu và để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, và chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là cầu nối trực tiếp thiết lập mối quan hệ và tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Tháng 10/1938, Nguyễn Ái Quốc rời cơ quan Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va trở về Trung Quốc[2], được các nhà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc nhiệt tình chào đón. Cuối tháng 12/1938, theo sự sắp xếp của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến hoạt động ở Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây. Với bí danh Hồ Quang, Người đã tham gia những hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Văn phòng Bát Lộ quân.

Ngoài những công việc ở Bát Lộ quân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn tham gia viết nhiều bài báo giới thiệu tình hình cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc chống Nhật, tố cáo sự xâm lược của phát xít Nhật đối với Trung Quốc, đề xuất ý kiến cho công tác của Quốc tế Cộng sản... Tiêu biểu là những bài: Người Nhật Bản muốn khai phá Trung Quốc như thế nào (12-1938); Thư từ Trung Quốc (2-1934); Thư từ Trung Quốc (3-1939); Chủ nghĩa anh hùng của công nhân Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Nhật (4-1939); Thư gửi một đồng chí trong Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản (4-1939)...

Trong thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Quế Lâm, tờ Cứu vong nhật báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đã rời từ Quảng Châu về Quế Lâm. Với bút danh Bình Sơn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết một loạt bài cho tờ báo này. Tính từ trung tuần tháng 11 đến trung tuần tháng 12 năm 1940, Người đã viết tổng cộng 11 bài trên Cứu vong nhật báo.

Đặc điểm chung những bài báo Người viết thời kỳ này hết sức ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và có ngụ ý sâu sắc. Trong số đó có những bài giới thiệu sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc chống phát xít Nhật; phản ánh mối quan hệ mật thiết "như môi với răng" giữa hai nước Trung - Việt. Trong bài "Ca dao Việt Nam" và "Cuộc kháng chiến của Trung Quốc", Nguyễn Ái Quốc đã mượn lời văn của một phóng viên báo chí, chỉ rõ: ... đại đa số nhân dân Việt Nam đều hết sức đồng tình đối với cuộc kháng chiến của Trung Quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung - 3

Ảnh trái: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng Chu Ân Lai thăm Việt Nam, tháng 11/1956. Ảnh phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai thăm Việt Nam, năm 1960.

Đầu năm 1941, trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình cách mạng, sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước (1911 - 1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Việt Nam. Dù bận nhiều công việc trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, nhưng từ năm 1941 cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên quan tâm và dành nhiều thời gian sang Trung Quốc. Đi đến đâu Người cũng nhận được tình cảm chân thành, nồng ấm nhân dân Trung Quốc dành cho. Đó là cơ sở tiền đề quan trọng để nhân dân hai nước Việt - Trung tiếp tục đoàn kết bên nhau tiến lên giành những thắng lợi mới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Theo đó, khi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến hành cuộc chiến đấu chống lại tập đoàn Tưởng Giới Thạch, Đảng, Chính phủ, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đứng bên cạnh những người cộng sản và nhân dân Trung Quốc, lên tiếng ủng hộ và thực hiện sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.

Tháng 6-1949, để phối hợp với đà tiến quân thắng lợi của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vượt sông Trường Giang tiến về phía Nam giải phóng đất nước, Chi đội Tả Giang thuộc Đội du kích bí mật của Quảng Tây dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định mở đợt đấu tranh vũ trang quy mô lớn ở vùng Long Châu, Bằng Tường, Ninh Minh, chớp thời cơ tiêu diệt bọn phản động Quốc dân Đảng. Để tạo được ưu thế, lãnh đạo Đội du kích Tả Giang đã liên hệ với Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam đề nghị phối hợp tác chiến. Trong tình thế khẩn cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng Chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam điều một trung đoàn sang phối hợp tác chiến với Chi đội Tả Giang. Trong cuộc chiến đấu này, 22 chiến sĩ Quân đội Quốc gia Việt Nam đã anh dũng hy sinh, viết nên những trang sử đoàn kết hào hùng giữa quân và dân hai nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Để tưởng nhớ công lao to lớn của các chiến sĩ Việt Nam hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Trung Quốc, nhân dân huyện Long Châu đã xây Đài liệt sỹ cách mạng Việt Nam bên quốc lộ Trung - Việt ở Thủy Khẩu... Theo thời gian, tình hữu nghị và tinh thần đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt - Trung ngày càng được bồi đắp, phát triển và được nâng lên một tầm cao mới kể từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời vào ngày 1-10-1949.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung - 4

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan Triển lãm Thành quả Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 7 đến ngày 10-4-2015. (Ảnh: TTXVN)

2. Là người đồng chí, người bạn láng giềng gần gũi của nhân dân Trung Quốc, ngay sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bức điện quan trọng gửi Chủ tịch Mao Trạch Đông, nhấn mạnh: "Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải qua mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài"[3]. Tiếp đó, ngày 15-1-1950, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tuyên bố công nhận nước Cộng hòa dân nhân Trung Hoa. Đáp lại tình cảm của nhân dân Việt Nam, ngày 18-1-1950, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã ra tuyên bố công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung, mở ra trang sử mới cho quan hệ hai nước - đó là quan hệ của hai nước có quyền tự chủ và tự quyết. Thắng lợi ngoại giao này thể hiện sâu sắc tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế; nâng cao uy tín của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên trường quốc tế; phá vỡ thế bao vây, cô lập của chủ nghĩa đế quốc đối với Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam, Đảng, Nhà nước Trung Quốc không chỉ giúp đỡ về sức người, sức của cho nhân dân Việt Nam chống Pháp, trên nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn thể hiện quan điểm đồng thuận và lên tiếng ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh thắng lợi hoàn toàn. Thành công đó bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó sự ủng hộ, giúp đỡ của những nhà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc là một nhân tố quan trọng. Cũng qua cuộc kháng chiến chống Pháp, mối quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Trung được Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà lãnh đạo Trung Quốc dày công vun đắp ngày càng được thắt chặt.

3. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong 15 năm (từ năm 1954 đến năm 1969), dưới sự lãnh đạo và bằng những hoạt động trực tiếp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục có nhiều đóng góp xây dựng, vun đắp và đưa mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung lên tầm cao mới. Tháng 6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc. Ngày 23-6-1955, Đoàn đại biểu Việt Nam đến Nam Ninh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung - 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm ruộng lúa bậc thang ở Diên An (Trung Quốc), ngày 7/6/1966 (Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao).

Trước tình cảm nồng ấm, chân thành của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc chào đón tại Nam Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động phát biểu: "Việt Nam và Trung Quốc là hai nước anh em. Tình hữu nghị chân thành và sâu xa giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đã có từ lâu. Nhân dân Việt Nam ngày nay đang ra sức đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ. Cuộc đấu tranh đó đã được và luôn luôn được sự khuyến khích ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Trung Quốc"[5]. Không những vậy, những năm 1960, 1961 và 1962, mỗi lần vào dịp sinh nhật, để tránh nghi lễ chúc thọ ở trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chọn Trung Quốc làm nơi nghỉ. Vào dịp quan trọng này, các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc luôn dành những tình cảm và lời chúc tốt đẹp tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 19 tháng 5 năm 1960, nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của Người, đồng chí Vi Quốc Thanh chuyển tới Chủ tịch Hồ Chí Minh bức điện thắm đượm tình đoàn kết của các đồng chí Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai. Trong bức điện, các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Người sáng lập và lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam, lãnh tụ kính yêu nhất của nhân dân Việt Nam, chiến sĩ xuất sắc nhất của phong trào cộng sản quốc tế và là người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc"[6].

Trong những năm kháng kháng chiến chống Mỹ gian khổ, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn đại biểu nhân dân Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Ngày 10-8-1956, Khu Tự trị Việt Bắc (Việt Nam) được thành lập, Đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Quảng Tây do đồng chí Đàm Ứng Cơ làm Trưởng đoàn được mời sang dự các hoạt động nhân dịp đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung - 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà thơ, nhà phê bình văn học Trung Quốc Quách Mạc Nhược, tháng 7/1964. (Nguồn: Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiệt liệt chúc mừng đoàn và phát biểu: "Trước và sau ngày độc lập tôi đã qua Trung Quốc nhiều lần, và đến Quảng Tây nhiều nhất... ở vùng biên giới Quảng Tây, tôi quen biết nhiều bà con nông dân, họ đã giúp đỡ rất nhiều cho cách mạng Việt Nam". Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Lần này các đồng chí đến Việt Nam cũng như về nhà vậy, mong các đồng chí ở thêm mấy ngày, đi thăm được nhiều nơi. Ngày Quốc khánh của Việt Nam cũng sắp đến, mong các đồng chí ở lại cùng vui Quốc khánh với nhân dân Việt Nam". 

Ngày 14-2-1961, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây Vi Quốc Thanh sang thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong buổi tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đồng chí Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh là người bạn gần gũi của chúng ta, đồng chí cũng là công thần của Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng được đón cả gia đình đồng chí sang thăm Việt Nam. Các đồng chí phải ở lại Việt Nam nhiều ngày, phải đi thăm nhiều nơi". Đây là những việc làm thiết thực thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Trung Quốc.

Từ những việc làm cụ thể này, chúng ta thấy được nhãn quan chính trị sâu rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thiết lập và tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn quốc tế đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Tư tưởng của Người về đoàn kết quốc tế, về xây dựng mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam kế thừa, phát huy và nâng lên tầm cao mới, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Có thể nói, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù ở nơi đâu và trên bất kỳ cương vị nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn dành những tình cảm tốt đẹp đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Chính từ nền tảng Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Trung Quốc. Và cũng trong suốt những năm tháng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung.

Hiện nay, ở nhiều nơi trên đất Trung Quốc còn ghi dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên tuổi của Người đã gắn với nhiều địa danh trên đất nước Trung Quốc, có sức lay động lòng người, trở thành biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1-10-1949 / 1-10-2009), Báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành một khảo sát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các độc giả và chuyên gia Trung Quốc đã bình chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 60 nhân vật nước ngoài có ảnh hưởng và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển 60 năm của Trung Quốc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật.

___________

[1] Hồ Chí Minh chiến sĩ cách mạng quốc tế, Nxb QĐND, Hà Nội. 2000, tr.133.

[2] Đây là lần thứ ba Người đến Trung Quốc. Lần thứ nhất vào năm 1924 - 1927, lần thứ hai vào những năm 1929 - 1934.

[3] Hồ Chí Minh: Điện mừng ngày thành lập Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội. 1995, tr.717.

[4] Hồ Chí Minh với Quảng Tây, Nxb nhân dân Quảng Tây năm 2006, tr.222.

[5] Hồ Chí Minh với Quảng Tây, Nxb nhân dân Quảng Tây, năm 2006, tr.226.

[6] Hồ Chí Minh với Quảng Tây, Nxb nhân dân Quảng Tây năm 2006, tr.229.

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu
Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

Theo hochiminh.vn