1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội:

Đưa dân phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng

(Dân trí) - Đó là đề xuất của đề án giãn dân phố cổ giai đoạn 1 đang được quận Hoàn Kiếm gấp rút xúc tiến. Theo đề án này, khu đất dành cho các hộ dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng sẽ có cả trung tâm thương mại để người dân kinh doanh.

Phấn đấu tháng 10/2010 khởi công điểm đến

UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lí phố cổ đang nhanh chóng tiến hành các công việc chuẩn bị cho chủ trương giãn dân phố cổ. Trong đó, Ban Quản lí phố cổ đã thành lập phòng giãn dân phố cổ và một đề án cũng đã được xây dựng.

Theo dự kiến, giai đoạn 1 của dự án sẽ di chuyển khoảng 1.900 hộ dân trong phố cổ với điểm đến là khu đô thị Việt Hưng. Đối tượng thuộc diện di chuyển trong giai đoạn 1, gồm: các hộ dân sống trong khuôn viên các công trình công cộng, di tích, trường học, công sở do quận quản lí, các công trình có nguy cơ sụp đổ, các khu vực cần giải phóng mặt bằng và các hộ dân trong phố cổ tự nguyện di dời.

Ước toán kinh phí cho cả đầu đi và đầu đến của việc di chuyển giai đoạn 1 là 4.000 tỉ đồng. Hiện đề án đã được trình lên Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở này đang tổng hợp ý kiến của các sở ngành để báo cáo thành phố.
 
Đưa dân phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng - 1
Để giãn được dân, đạt 500 người/ha như qui hoạch, số dân phố cổ phải di chuyển lên đến vài chục ngàn người

Một khảo sát cách đây vài năm cho biết, có 593 hộ đang sinh sống trong khuôn viên các di tích lịch sử - văn hóa, 39 hộ sinh sống trong khuôn viên trường học, 72 hộ ở vào công sở, 217 hộ đang sinh sống trong nhà cũ nát, nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ…

 

Tính chung trong khu phố cổ tại thời điểm đó, có khoảng 2.700 hộ dân mong muốn được giãn dân về nơi ở mới.

Ban Quản lí phố cổ hi vọng, đề án được thành phố phê duyệt trong quí IV năm nay và phấn đấu tháng 10/2010 có thể khởi công dự án tại khu đô thị Việt Hưng. Điểm đến này của người dân phố cổ tại Việt Hưng có diện tích khoảng 12ha (dự kiến ban đầu là 26ha).

Hiện phía quận Hoàn Kiếm đang đề nghị thành phố điều chỉnh qui hoạch của khu giãn dân trong khu đô thị Việt Hưng theo hướng tăng mật độ, chiều cao của công trình để có thể đáp ứng nhu cầu của 1.900 hộ dân.

Bên cạnh các khâu của qui trình triển khai đề án đang còn phải chờ, việc vận động, thuyết phục các hộ dân cũng là vấn đề không hề đơn giản. Các hộ gia đình sống trong các căn hộ lụp xụp mấy mét vuông tại các ngóc ngách của phố cổ cũng đủ kiếm sống nên bài toán khó được đặt ra cho quận và thành phố là phải làm sao để tại nơi ở mới, người dân cũng có điều kiện buôn bán.

Tạo điều kiện cho người dân kinh doanh

Theo bà Lê Quỳnh Anh, Phó Trưởng ban Quản lí phố cổ, điểm đến của người dân tại khu đô thị Việt Hưng sẽ được thiết kế bao gồm cả trung tâm thương mại. “Mong muốn là xây dựng điểm đến tại khu đô thị Việt Hưng như phố cổ thứ 2 để người dân có cơ hội làm ăn, đồng thời thu hút được nhiều du khách đến đây”, bà Quỳnh Anh cho biết.

Cũng theo nhận định của bà Quỳnh Anh, chỉ việc khởi công được dự án tại khu đô thị Việt Hưng cũng đã được coi là thành công lớn, bởi lẽ, khi đã có nhà, có nơi kinh doanh, việc tuyên truyền vận động người dân mới có thể dễ dàng hơn.

Riêng các hộ dân sống trong các công trình có nguy cơ sụp đổ, bà Quỳnh Anh cho biết, Ban quản lí phố cổ đang xin cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ dân. Về việc có tái định cư trở lại hay không, tới đây sẽ có nghiên cứu cụ thể.

Đề cập tới đề án, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hoàng Công Khôi cho rằng, trên 84.000 dân sống trên một kilômét vuông phố cổ (mật độ xếp vào hàng đông nhất thế giới) đang đặt ra những vấn đề hết sức căng thẳng cho công tác quản lí của quận.

Việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, lấn chiếm đất đai, xây dựng sai phép… diễn ra thường ngày và rất phức tạp. Vì thế, ông Khôi đề nghị, các sở ngành của Thành phố phải khẩn trương vào cuộc, tạo điều kiện cùng quận triển khai thực hiện đề án này.
 
Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm