Chủ tịch Hà Nội công bố nhân sự 2 "siêu ban" quản lý dự án
(Dân trí) - Sáng 16/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ đối với 2 "siêu ban" quản lý dự án trên cơ sở sáp nhập 4 Ban QLDA của thành phố.
Cụ thể, Hà Nội quyết định thành lập Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố trên cơ sở hợp nhất Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố với Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố.
Thành lập Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố trên cơ sở hợp nhất Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố với Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố.
Ông Đồng Phước An (SN 1973) giữ chức vụ Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội; ông Hoàng Trọng Tùng (SN 1974) giữ chức vụ Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội.
Cũng trong sáng nay, thành phố công bố quyết định bổ nhiệm chức vụ đối với các phó giám đốc của 2 "siêu ban" nêu trên.
Phát biểu tại buổi công bố quyết định, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, động thái sáp nhập này nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về việc sắp xếp tổ chức lại 6 Ban QLDA thành 4 ban.
Bên cạnh đó, các Ban QLDA còn lại của thành phố cũng được rà soát, sắp xếp lại về tổ chức bộ máy, nhân sự, đảm bảo tinh gọn tổ chức, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị.
Sau khi 2 Ban QLDA mới được thành lập, Chủ tịch Hà Nội đề nghị các giám đốc cùng tập thể Ban lãnh đạo ban khẩn trương rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự; đảm bảo chế độ, chính sách hợp lý cho các cán bộ lãnh đạo cũng như viên chức, người lao động để mọi người yên tâm công tác; rà soát, kiểm đếm khối lượng công việc đã thực hiện, các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo để tiếp tục triển khai, thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ.
Tiếp đó, Chủ tịch Hà Nội lưu ý việc các Ban QLDA phải thực hiện và thúc đẩy giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 bởi đây là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhiệm vụ của các Ban QLDA là hết sức nặng nề, tuy nhiên, ông Chu Ngọc Anh tin tưởng với năng lực, trình độ của các cán bộ và tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động của các ban sẽ tạo ra được một khối thống nhất, đoàn kết để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố là chủ đầu tư một số dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công; tiếp nhận và quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng theo quy định.
Ban Quản lý dự án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư gồm lập kế hoạch dự án; tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ thực hiện dự án như bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu hồi, giao nhận đất để thực hiện dự án, tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng, giám sát quá trình thực hiện, giải ngân, thanh toán theo hợp đồng, tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành...
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố có chức năng làm chủ đầu tư một số dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, khi được Chủ tịch UBND thành phố giao.
Giúp UBND thành phố thực hiện một số nhiệm vụ quản lý đầu tư phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị, bao gồm: Quản lý, giám sát quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; đảm bảo sự kết nối đồng bộ và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án trong giai đoạn đầu tư xây dựng…