1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chủ tịch Đường sắt thừa nhận nhân viên chậm chạp, chưa trách nhiệm

(Dân trí) - Hiện nay, lợi thế duy nhất của đường sắt là vận chuyển hàng hóa, tuy nhiên kết quả sản xuất kinh doanh của ngành này lại “ảm đạm” nhất trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tân Chủ tịch Đường sắt thừa nhận: “Nhân viên ngành đường sắt còn chậm chạp, trách nhiệm chưa cao”.

Ông Vũ Anh Minh - tân Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - đã có cuộc trao đổi với PV Dân trí bên lề lễ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng và phát triển dịch vụ logistic đường sắt giữa ĐSVN và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) mới đây.

- Từng có những “giai thoại” về ngành đường sắt tuy nghèo nhưng rất chảnh, nhiều khách hàng tìm đến đường sắt bị gây khó dễ. Tại sao mới đây đường sắt chủ động tìm tới Tân cảng Sài Gòn - một đơn vị quân đội thưa ông?

- Ông Vũ Anh Minh: Đó một đơn vị quân đội, điều mà chúng tôi nhìn thấy đầu tiên là sự kỷ cương, sự nghiêm khắc của quân đội. Chúng tôi tin rằng khi hợp tác với đơn vị này thì sự kỷ cương sẽ lan tỏa, tác động tới tâm lý của toàn thể cán bộ nhân viên và người lao động của ngành đường sắt, giúp làm chuyển biến và thay đổi tư duy cũng như hành động của ngành đường sắt. Tôi hi vọng ngành đường sắt sẽ có những sự đổi mới tốt hơn.

Ngành đường sắt có hoạt động sản xuất kinh doanh ảm đạm suốt nhiều năm qua
Ngành đường sắt có hoạt động sản xuất kinh doanh "ảm đạm" suốt nhiều năm qua

- Nói như vậy phải chăng kỷ cương và lề lối làm việc của nhân viên ngành đường sắt hiện chậm chạp, trách nhiệm chưa cao?

- Đúng vậy, đã có một quá trình ngành đường sắt như thế. Xã hội đã nhìn nhận ngành đường sắt chậm đổi mới, nhân viên thiếu trách nhiệm trong hoạt động công tác và chúng tôi cũng nhận ra điều đó.

Tôi cho rằng không ai có thể cứu được mình ngoài chính mình, ngành đường sắt sẽ thay đổi tư duy và trách nhiệm từ lãnh đạo cao nhất của ngành đường sắt tới nhân viên, người lao động trong ngành.

- Lần đầu tiên ĐSVN bắt tay được với “ông lớn” Tân Cảng Sài Gòn về khai thác dịch vụ logistic và đặt ra mục tiêu nâng năng lực thông qua hàng hóa lên gấp 2 lần trong năm 2017, ĐSVN tham vọng đây sẽ là thương vụ để “thoát nghèo”?

- Phân khúc hàng hóa vận tải đường dài khối lượng lớn là ưu điểm của đường sắt nhưng việc kết nối hai đầu bến về phương tiện, kho bãi, kết nối giao thông đường sắt yếu nên tính hấp dẫn kém. Việc ĐSVN kết hợp với SNP về xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển dịch vụ logistics trên mạng lưới đường sắt quốc gia sẽ phát huy thế mạnh vận tải, giảm chi phí logistics, kết nối đồng bộ hệ thống đường sắt, đường bộ và đường biển, phù hợp với quy hoạch. Hai trọng điểm được thỏa thuận là bãi hàng tại Sóng Thần và Đông Anh để kết nối vận tải hàng hóa. Chúng tôi đặt ra mục tiêu nâng năng lực thông qua hàng hóa lên gấp 2 lần trong năm 2017.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch ĐSVN
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch ĐSVN

- Được biết, mới đây ĐSVN đã “xin” Chính phủ 7.000 tỷ đồng, số tiền này sẽ được chi dùng như thế nào thưa ông?

- Ngành đường sắt đề xuất với Chính phủ gói 7.000 tỷ đồng trong trung hạn 2017-2020 nhằm nâng cao năng lực khai thác vận tải trên toàn tuyến, nâng năng lực khai thác từ 12 toa tàu hàng lên 25 toa/ngày-đêm. Chúng tôi cần nguồn vốn này để tập trung nâng tải trọng đồng đều trên toàn hệ thống, cải tạo cầu yếu, hầm yếu, các cung đường yếu, kéo dài đường ray trong ga.

- Hành khách chuyển sang đi máy bay ngày càng nhiều do giá vé rẻ, thời gian đi lại ít hơn nhiều so với tàu hỏa, ông có lo lắng về tương lai của đường sắt?

- Đúng là hành khách đi tàu đường dài ngày càng giảm do chuyển sang đi hàng không giá rẻ, trên chặng Hà Nội - TPHCM đường sắt không thể cạnh tranh được với hàng không, vì vậy chúng tôi chọn phân khúc có lợi thế nhất đó là các chặng ngắn như TPHCM - Nha Trang, Phan Thiết; Hà Nội - Vinh...

Với các chặng ngắn, giá vé rẻ hơn hàng không, thời gian 5-6 tiếng. Trong khi đó, với hàng không, thời gian di chuyển giữa thành phố ra sân bay, thời gian chờ và thời gian bay, mỗi chuyến ít nhất 4-5 tiếng. Ưu điểm đường sắt là an toàn, đúng giờ, ga đường sắt nằm ở các trung tâm. Tuy nhiên, để thu hút khách cần có dịch vụ tốt.

- Xin cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm