1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch Bạc Liêu nói lý do nhiều nhà đầu tư bỏ chạy khỏi địa phương

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Bạc Liêu không cảng biển, không cao tốc, không đường sắt và không đường hàng không", ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói về hạ tầng giao thông của tỉnh.

Sáng 12/5, đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn, làm việc với tỉnh Bạc Liêu về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Bạc Liêu là "vùng trũng" về hạ tầng giao thông

Thông tin với đoàn công tác, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, tỉnh có 3 vùng sinh thái ngọt, mặn, lợ chủ yếu phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Thế mạnh của tỉnh là nuôi tôm, sản xuất lúa chất lượng cao. 

Chủ tịch Bạc Liêu cho rằng, tỉnh này là "vùng trũng" về hạ tầng giao thông. "Tỉnh có 4 không. Đó là không cảng biển, không cao tốc, không đường sắt, không đường hàng không. Thời gian qua tỉnh kêu gọi đầu tư rất nhiều nhưng thấy 4 không này nhiều nhà đầu tư bỏ chạy", ông Thiều nói.

Chủ tịch Bạc Liêu nói lý do nhiều nhà đầu tư bỏ chạy khỏi địa phương - 1

Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Huỳnh Hải).

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu đã nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc mà tỉnh đang gặp phải. Trong đó, chủ yếu về các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, như: Cơ chế sử dụng đất trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; công tác xác định giá đất cụ thể để giao đất, cho thuê đất;…

Ngoài ra, còn khó khăn về giá nguyên vật liệu đầu vào cao; lãi suất ngân hàng cao, khó tiếp cận nguồn vốn; đa số các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực kinh doanh còn hạn chế, e dè trong việc tiếp cận thị trường mới; một số thủ tục liên quan đến sử dụng người lao động nước ngoài còn chưa đồng nhất, cụ thể.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ một số vướng mắc các dự án giao thông về vốn, quy hoạch ở các dự án: Đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu và đoạn nhánh kết nối đường Nam Sông Hậu.

Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ít nhất 6 vướng mắc liên quan đến đất đai về quy hoạch, giá đất, chuyển mục đích sử dụng;…

Biến đổi khí hậu, con tôm, cây lúa đứng trước nhiều thách thức

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trưởng đoàn công tác của Chính phủ, cho rằng, trong sản xuất Bạc Liêu có 2 sản phẩm chủ lực là cây lúa, con tôm đạt tốt. Đây là điều đáng mừng cho địa phương và người dân, những người trực tiếp lao động được hưởng lợi.

Chủ tịch Bạc Liêu nói lý do nhiều nhà đầu tư bỏ chạy khỏi địa phương - 2

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trưởng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: Huỳnh Hải).

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, năm 2017, Thủ tướng có quyết định về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Trong đó, quy định chức năng, quyền hạn của Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu: "Được giao đất để tổ chức xây dựng, phát triển...; cho thuê đất cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của pháp luật về đất đai".

Tuy nhiên, năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu không phải là khu công nghệ cao. Do đó, chưa có cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp thuê đất, đầu tư đã ảnh hưởng đến việc kêu gọi nhà đầu tư triển khai dự án.

"Kiến nghị Trung ương sớm có hướng dẫn xác định cơ chế sử dụng đất đối với khu phát triển tôm để tỉnh thực hiện theo đúng quy định", tỉnh Bạc Liêu kiến nghị.

Trong hàng loạt khó khăn vướng mắc của tỉnh Bạc Liêu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, với một tỉnh coi con tôm, cây lúa quan trọng thì vướng mắc về cơ chế sử dụng đất trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu cần được tập trung xử lý ưu tiên hơn các việc khác.

"Con tôm thì cứ lớn, nhu cầu sản xuất phát triển, đề nghị tỉnh tách nội dung này thành một nội dung kiến nghị riêng, trở thành kiến nghị chính sách để tháo gỡ sớm theo một cơ chế đề xuất cho thí điểm, chứ đợi thì rất khó, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của tỉnh rất nhiều", Bộ trưởng Sơn gợi mở.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhắc lại những chỉ đạo của Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung thực hiện như đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, quan tâm chính sách giảm nghèo, cải cách hành chính,…

Với những kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Sơn đề nghị đại diện các Bộ, ngành Trung ương có liên quan báo cáo lãnh đạo đơn vị có trả lời cụ thể bằng văn bản cho tỉnh.