1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chủ tịch Bạc Liêu nói gì khi PCI mới tăng 8 hạng, lại quay về gần chót?

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Thời điểm dịch bùng phát tỉnh tăng hạng PCI so với 2020. Năm 2022 cơ bản phục hồi sau dịch lại tụt hạng, phải chăng sau phục hồi chính quyền lại làm khó doanh nghiệp" - Chủ tịch Bạc Liêu nêu vấn đề.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh trong khi năm 2021 - thời điểm dịch bệnh bùng phát, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bạc Liêu tăng hạng so với năm 2020, còn năm 2022 kinh tế cơ bản phục hồi sau dịch, PCI lại tụt hạng.

"Có phải chăng sau khi phục hồi thì chính quyền lại làm khó doanh nghiệp" - ông Thiều nêu vấn đề tại hội nghị đánh giá chỉ số PCI năm 2022, tìm giải pháp nâng cao PCI năm 2023 và những năm tiếp theo của Bạc Liêu, tổ chức ngày 31/5.

PCI từ "đội sổ" tăng lên 8 bậc... lại trở về gần chót

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, chỉ số PCI của tỉnh năm 2020 xếp thứ 63/63 tỉnh, thành cả nước; năm 2021 xếp thứ 55, năm 2022 xếp thứ 61.

Ông Phạm Thành Hiến - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, cho biết năm 2022 tỉnh xếp hạng điều hành ở nhóm tương đối thấp so với cả nước, đứng 13/13 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch Bạc Liêu nói gì khi PCI mới tăng 8 hạng, lại quay về gần chót? - 1

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 tụt hạng, tỉnh Bạc Liêu họp bàn giải pháp nâng cao (Ảnh: H.H).

Trong số 10 chỉ số thành phần, có 3 chỉ số tăng điểm (gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự); 7 chỉ số giảm điểm (tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động).

Đơn cử như tính minh bạch, năm 2022 tỉnh giảm 23 bậc so với năm trước. Kết quả cho thấy việc minh bạch thông tin của tỉnh chưa được doanh nghiệp đánh giá cao, khi họ khó tiếp cận tài liệu pháp lý, số ngày cung cấp quá lâu.

"Doanh nghiệp phải thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh, thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp giúp giảm được số thuế phải nộp. Doanh nghiệp đánh giá chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu, dẫn đến tính minh bạch trong đấu thầu của tỉnh quá thấp", ông Hiến thông tin.

Nêu nguyên nhân giảm điểm và thứ hạng của tỉnh, ông Hiến khái quát việc cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực gây phiền hà khó khăn cho doanh nghiệp; tình trạng nhũng nhiễu khi thực thi công vụ ở một vài lĩnh vực còn khá phổ biến; doanh nghiệp lo ngại tình trạng tỉnh ưu tiên giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp lớn, so với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước…

Chủ tịch Bạc Liêu nói gì khi PCI mới tăng 8 hạng, lại quay về gần chót? - 2

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều (Ảnh: H.H).

Quan tâm hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ

Là một trong những ngành được nhắc tên nhiều tại hội nghị, ông Nguyễn Bình Thuận - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, cho hay: "Việc doanh nghiệp đánh giá cán bộ hướng dẫn không tận tình, tinh thần thái độ nhũng nhiễu là có. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phát sinh thêm một số vấn đề vướng đến luật, có khi đúng cái này nhưng không đúng cái kia, dẫn đến gặp không ít khó khăn liên quan đến đất đai".

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu đặt câu hỏi, các quy định liên quan đất đai áp dụng chung cả nước, vậy tại sao những tỉnh khác làm được, còn Bạc Liêu lại vướng? Ông đề nghị lãnh đạo Sở tìm hiểu rút kinh nghiệm những địa phương khác, xem họ làm thế nào, từ đó để chỉ đạo tốt hơn.

Ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu, cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh lâu nay được mở rộng và cầu thị, nhưng hầu như phù hợp với nhà đầu tư lớn ở nơi khác. Tuy nhiên, ở tỉnh có khoảng 3.000 doanh nghiệp, chủ yếu là vừa và nhỏ nên việc tiếp cận chính sách còn chưa kịp thời.

"Nhà đầu tư lớn đến Bạc Liêu có khó khăn tỉnh đón nhận, giải quyết kịp thời. Chẳng hạn một nhà đầu tư công trình bị bể ống bơm thôi tỉnh đã biết, còn những doanh nghiệp nhỏ của tỉnh đối mặt nhiều khó khăn thì có giải quyết kịp thời không?", ông Tôn trăn trở.

Chủ tịch Bạc Liêu nói gì khi PCI mới tăng 8 hạng, lại quay về gần chót? - 3

Ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu, đã nêu một số thực tế khiến doanh nghiệp còn gặp khó khăn (Ảnh: H.H).

Về thái độ của cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc giải quyết công việc hàng ngày, ông Tôn nói chia sẻ khó khăn với anh em. Tuy nhiên, tình hình thực tế hiện nay "làm gì cũng sợ sai, mà cũng không biết làm thế nào cho đúng". Có những câu chuyện sở, ngành đá qua lại, không giải quyết dứt điểm.

"Cùng một vấn đề đó nhưng họp lần thứ nhất thì cử cán bộ này, họp lần thứ 2 lại cử cán bộ khác, từ đó việc giải quyết cho doanh nghiệp kéo dài", ông Tôn nêu tồn tại.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhìn nhận PCI thấp do có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có việc một số đơn vị làm chưa hết trách nhiệm.

Ông đề nghị các sở, ngành, địa phương thời gian tới tập trung khắc phục những chỉ số còn thấp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

"Ai cũng phải chấp hành tốt, nghiêm quy định của pháp luật. Ai làm sai, có hành vi nhũng nhiễu thì xử lý, không có vùng cấm", ông Thiều quyết liệt.

Về việc tỉnh chưa quan tâm nhiều đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu ghi nhận và đề nghị hiệp hội doanh nghiệp cùng các sở, ngành nắm lại, mời tham gia tiếp xúc, đối thoại trong thời gian tới.

"Chúng ta có thể làm một ngày, thậm chí 2 ngày để các doanh nghiệp nói lên khổ tâm của mình. Cái nào chính quyền còn hạn chế, khó khăn để tìm ra được điểm nghẽn, tháo gỡ", ông Thiều chỉ đạo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm