1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ động hướng dẫn ông Chấn yêu cầu bồi thường

(Dân trí) - Cục Bồi thường nhà nước Bộ Tư pháp đã chủ động liên hệ với ông Nguyễn Thanh Chấn – người đã được minh oan sau 10 năm ngồi tù để hướng dẫn ông làm hồ sơ, thực hiện quyền đòi bồi thường. Hiện tại, ông Chấn chưa có đơn yêu cầu.

Ngày 8/4, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thị Tố Hằng cho biết, Cục này vẫn theo dõi sát các vụ việc liên quan vấn đề bồi thường cho công dân bị oan sai. Thời gian qua, 2 vụ án oan nổi bật là vụ của ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) và ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) cũng được bám sát.

Vụ của ông Lương Ngọc Phi (bị tuyên phạt14 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm...” và 3 năm tù về tội “trốn thuế” năm 1999, đã bị giam oan 35 tháng), TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường hơn 21 tỷ đồng vì kết án oan sai với công dân. Theo bà Hằng, bản án tuyên buộc trách nhiệm bồi thường đối với TAND tỉnh Thái Bình đã có hiệu lực, không có kháng cáo, kháng nghị. Hiện TAND tỉnh Thái Bình đã lập hồ sơ gửi lên TAND tối cao thẩm định trước khi gửi qua Bộ Tài chính để được cấp kinh phí bồi thường.

“Vụ này hiện nay không còn vướng mắc gì, chỉ còn chờ làm thủ tục để đề nghị cấp kinh phí. Chúng tôi cũng đã có công văn hướng dẫn ông Phi quy trình để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, cũng như phối hợp trao đổi với TAND tối cao để thẩm định hồ sơ, đảm bảo đúng quy định” – bà Hằng cho biết.
Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Tố Hằng tại cuộc họp báo ngày 8/4.
Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Tố Hằng tại cuộc họp báo ngày 8/4.

Còn đối với vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn (trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), ngày 25/1/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an mới có quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với ông. Do vậy, tính từ thời điểm này, ông Chấn mới chính thức có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo quy định hiện hành, hồ sơ yêu cầu bồi thường phải có văn bản xác định hành vi trái pháp luật, tức quyết định đình chỉ đã xác định ông Chấn không phạm tội, đơn yêu cầu bồi thường kèm các giấy tờ, chứng cứ chứng minh thiệt hại…

Sau thời gian tù dài (10 năm), hiện nay, ông Chấn cùng gia đình mới đang tập hợp chứng cứ, tính toán thiệt hại nên chưa có đơn yêu cầu bồi thường, cũng không có yêu cầu trợ giúp pháp lý liên quan đến lĩnh vực này của Bộ Tư pháp. Ông Chấn đang nhờ một luật sư thuộc đoàn luật sư Hà Nội tư vấn giúp.

“Vì vậy, Cục Bồi thường nhà nước đã chủ động, trực tiếp liên hệ với ông Chấn để hướng dẫn công dân làm các thủ tục cũng như làm việc với văn phòng luật sư của ông Chấn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Khi nào có hồ sơ đầy đủ của ông Chấn, Cục sẽ gửi đến TAND tối cao để xin kinh phí giải quyết” – bà Hằng nói.

P.Thảo