Chủ đầu tư công trình gây ngập: Không thể không ngập!
(Dân trí) - Thời gian qua, hàng trăm ngàn dân sinh sống trong khu vực Bàu Cát, đường Hòa Bình, Đồng Đen, Âu Cơ… tại TPHCM khốn khổ chịu cảnh ngập nước triền miên mỗi khi mưa lớn, do công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm lấp mất hướng thoát nước.
Công trình chống ngập gây ngập
Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm là dự án thành phần số 4 của Dự án nâng cấp đô thị do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị làm chủ đầu tư. Nội dung dự án bao gồm cải tạo, nạo vét đoạn kênh Tân Hóa - Lò Gốm, lắp đặt cống hộp, xây dựng hệ thống thu gom nước thải, làm 12 km đường dọc kênh…
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm là 1 trong những dòng kênh ô nhiễm nhất thành phố, hai bên bờ kênh cũng bị lấn chiếm nghiêm trọng, nhiều đoạn chỉ còn là con lạch nhỏ nên tình hình tiêu thoát nước rất kém, gây ngập úng khu dân cư ven kênh khi mưa lớn, triều cao…
Chính vì vậy, dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm được triển khai để nạo vét dòng kênh, tăng khả năng thoát nước, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và chống ngập cho khu vực xung quanh dòng kênh… Tuy nhiên, công trình chưa xong, hiệu quả giảm ngập chưa thấy đâu mà từ khi dự án được triển khai, tình hình ngập úng trong khu vực dân cư ven kênh (khu vực Tân Bình, Tân Phú) có chiều hướng xấu hơn, ngập sâu và kéo dài hơn.
Theo Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM, nguyên nhân của tình trạng này là do trong quá trình thi công cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, nhà thầu đã lấp kênh để thay thế bằng cống hộp, làm mất hẳn hướng thoát nước duy nhất của khu vực này.
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị cũng thừa nhận là điều kiện thời tiết năm nay khá thất thường, mưa liên tục và kéo dài với lưu lượng nước nhiều, kết hợp triều cường cao đã làm cho công tác thi công gặp nhiều khó khăn và gây ngập úng một số khu vực lân cận dự án.
Chủ đầu tư mong người dân thông cảm và “hy sinh”
Theo giải thích của ông Lê Thanh Liêm thì hiện nhà thầu đang thi công lấp kênh để đặt cống hộp, do diện tích thi công hẹp nên nhà thầu chỉ có thể đào 1 mương thoát nước tạm rộng chừng 1m nên không thể thoát kịp khi trời mưa to. Ông phân trần: “Nếu mở rộng thêm diện tích thi công thì vốn đầu tư phải đội lên, tốn kém hơn”.
Ông cũng cho biết là chủ đầu tư đã đưa ra rất nhiều biện pháp để đảm bảo giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến dân cư xung quanh như: nạo vét mương tạm dẫn dòng sâu hơn, nạo vét hố ga tại các tuyến đường chính xung quanh dự án để tăng khả năng tiêu thoát, trường hợp có mưa lớn và kéo dài phải phá dỡ đê quây các mũi thi công để dẫn dòng thoát nước trực tiếp vào cống hộp…
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Liêm thừa nhận là: “Chúng tôi đã làm mọi cách để hạn chế đến thấp nhất tình trạng ngập nước, nhưng chỉ có thể đảm bảo tiêu thoát tốt nếu vũ lượng mưa dưới 70mm. Nếu vũ lượng mưa trên 70mm thì không thể không ngập!”. Do vậy, ông đề nghị chính quyền địa phương vận động bà con… thông cảm!? Ông nói: “Chúng ta phải chịu đựng 1 thời gian để dự án hoàn thành!”.
Cũng theo ông Lê Thanh Liêm thì hạng mục lấp kênh đặt cống phải đến cuối năm 2013 mới hoàn thành. Như vậy, người dân phải “thông cảm”, hy sinh chịu đựng ngập hết năm nay và hết mùa mưa năm 2013 nữa. Nhưng ngay chính ông cũng đang lo ngại dự án sẽ chậm tiến độ thì không biết là mùa mưa năm 2013 đã là mùa mưa cuối cùng mà người dân phải “hy sinh” nữa hay không…
Trước đây, khi các hạng mục đào đường lắp cống của công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gây ùn tắc nghiệm trọng, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Phượng cũng từng kêu gọi người dân thành phố “hy sinh” với lý lẽ “muốn hết ngập phải chịu kẹt”.
Nay, khi các hạng mục lắp đặt cống hộp của công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm chắn dòng thoát nước gây ngập nghiêm trọng, chủ đầu tư lại kêu gọi người dân thành phố “hy sinh” với lý lẽ “muốn hết ngập phải chịu… ngập”.
Không biết người dân còn phải tiếp tục chịu “hy sinh” đến bao giờ?
Tùng Nguyên