Hà Nội:
“Chót vót” giá nhà dự án!
Để mua được một căn hộ chung cư hiện đại, rộng khoảng 100m2, người mua phải trả khoảng 800 triệu đồng, trong đó thanh toán ngay đợt đầu 500 triệu. Với mức giá này, không phải ai cũng có thể đáp ứng, ngay cả khi đã nhận được ưu đãi.
Chủ dự án được quyền quyết định giá?
Vấn đề được đề cập ở đây là tuy chưa tính đến chuyện lòng vòng mua đi bán lại khiến cho giá nhà bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, nhưng ngay giá bán nhà dự án tại Hà Nội do các chủ đầu tư tự đưa ra (gọi là giá gốc) đã ở mức rất cao khiến nhiều người dù đã vượt qua "cửa ải" xét duyệt hồ sơ cũng đành ngậm ngùi bỏ cuộc.
Giá thị trường nhà chung cư tại các khu đô thị mới hiện đại như Trung Hoà - Nhân Chính, Mễ Trì, Dịch Vọng - Nghĩa Đô, Mỹ Đình I và II thường dao động trong khoảng từ 9 đến 10 triệu đồng/m2. Theo đánh giá mới của giới kinh doanh bất động sản, đó là điều hoàn toàn bình thường bởi đã qua nhiều lần mua đi bán lại sẽ đẩy giá nhà lên cao!
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, giá bán nhà chung cư (thuộc quỹ nhà do thành phố điều tiết để bán cho đối tượng là CBCNVC, người lao động có khó khăn về nhà ở) do một số chủ đầu tư tự đưa ra (giá gốc) lại ở mức rất cao, xấp xỉ 8 triệu đồng/m2 sàn. Do đó so với giá thị trường, người mua hầu như không còn được hưởng chút lợi nào cho dù được duyệt mua nhà trả chậm theo Quyết định 87/2004/QĐ-UB của thành phố.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường - Nhà đất cùng các ngành chức năng, thành phố Hà Nội thời gian qua đã giải quyết bán nhà cho 169 hộ là các đối tượng chính sách, cán bộ viên chức Nhà nước diện tích đất hơn 14.400 m2 để xây dựng nhà ở thấp tầng. Ngoài ra, thành phố đã giới thiệu cho hơn 2.900 hộ là cán bộ, công nhân viên chức (CBCNVC), người lao động làm thủ tục ký hợp đồng mua nhà theo Quyết định 87/2004/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội. Song hiện nay, vẫn còn hơn 2.700 trường hợp đang chờ xét duyệt. |
Lãnh đạo thành phố Hà Nội thì cho rằng công tác quản lý giá nhà thời gian qua vẫn còn tồn tại một số trường hợp thiếu thống nhất trong việc áp dụng chính sách giá. Công tác quản lý giá của Nhà nước chưa chặt chẽ trong khi thị trường bất động sản, thị trường vật liệu xây dựng có nhiều biến động. Thậm chí, ngay đối với quỹ nhà 50% sàn chung cư cao tầng dành bán cho CBCNVC, người lao động có khó khăn về nhà ở, vì mức giá mà chủ đầu tư đưa ra quá cao nên người có nhu cầu mua nhà ở thực sự cũng không thể mua nổi, một số phải trả lại tiêu chuẩn đã được duyệt cho dù đã được hưởng chế độ ưu đãi trả chậm.
Đối với công tác quản lý giá bán nhà, Sở Tài chính thành phố đã thừa nhận, do các cơ quan chức năng tham mưu thiếu phối hợp đồng bộ nên các chủ đầu tư nếu lờ được là lờ luôn việc thực hiện các quy định mà Quyết định 87/2004/QĐ-UB của UBND thành phố đã ban hành. Việc các cơ quan chuyển danh sách đến các chủ đầu tư tuy giảm bớt tình trạng hồ sơ đi vòng vèo nhưng đã gây ra không ít những lộn xộn. Do vậy, thành phố sớm xây dựng quy trình rõ ràng hơn để tạo thuận lợi cho người được mua nhà chung cư.
Giải quyết như thế nào?
Cục thuế thành phố Hà Nội đã có ý kiến cho rằng nên chăng thành phố đưa ra một mức giá sàn nhất định và chỉ cho phép các chủ đầu tư đưa ra mức giá dao động trong khoảng 15-20% so với giá sàn chung. Giá sàn sẽ tạo mặt bằng giá ổn định, bảo đảm quyền lợi của người được mua nhà. Tuy nhiên, trong thực tế cũng phải tính đến khó khăn của các chủ đầu tư, vì theo các chính sách quy định hiện hành mà chủ đầu tư phải tuân thủ, đối với các dự án xây dựng nhà chung cư, tiền sử dụng đất đã tăng rất cao so với những năm trước.
UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Sở tài chính thành phố chủ trì, cùng các ngành liên quan là: Tài nguyên Môi trường - Nhà đất, Xây dựng và thuế nghiên cứu giải pháp xử lý một số vấn đề bất hợp lý trong quá trình xây dựng giá bán nhà dự án. Đối với nhà ở thấp tầng, nhà vườn thuộc quỹ nhà 20% còn lại, thành phố sẽ cho phép tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt.
Đối với các trường hợp khác, thành phố giao Sở Tài nguyên Môi trường - Nhà đất tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, thụ lý hồ sơ để trình UBND thành phố quyết định. Đối với diện tích nhà thuộc quỹ nhà 30% tại các dự án nhà chung cư nhỏ lẻ, hội đồng thẩm định giá thành phố sẽ kiểm tra lại toàn bộ. Trường hợp chủ đầu tư không đồng ý với kết quả giám định của hội đồng thì có thể tiến hành đấu giá. Đối với diện tích nhà thuộc quỹ nhà 50%, chủ đầu tư sẽ phải giải trình giá bán trước khi nhận được quyết định giao đất của thành phố. Việc thẩm định giá do chủ đầu tư đưa ra sẽ do Hội đồng thẩm định giá thành phố đảm nhận.
Ông Lê Quý Đôn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nhấn mạnh: đương nhiên là đối với từng dự án cụ thể sẽ có những quy định khác nhau, nhưng chắc chắn không thể tái diễn cảnh chủ đầu tư toàn quyền quyết định giá bán nhà như hiện nay.
Theo Thời báo Kinh tế VN