1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chống tiêu cực: Phải chịu đau đớn ban đầu!

(Dân trí) - Nếu làm tốt việc chống gian lận trong thi cử thì năm sau hầu hết điểm số của các tỉnh thấp đi. Nhưng đó là sự đau đớn cần thiết để chúng ta có thêm sức lực đi xa hơn - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định quyết tâm chấn chỉnh chất lượng giáo dục trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 31/7.

Thưa Bộ trưởng, từ nhiều năm nay, ngành giáo dục đã rất cố gắng “chiến đấu” với bệnh thành tích nhưng không mấy hiệu quả. Cuộc vận động “nói không với tiêu cực giáo dục" lần này liệu có trở thành một sức sống mới cho toàn ngành giáo dục?

 

Để cuộc vận động không trở thành phong trào, phải xác định, thống nhất lại nhận thức về việc thi cử, về bằng cấp. Nhiều địa phương vẫn quan niệm sai lầm rằng bằng tốt nghiệp THPT là chứng chỉ giúp học sinh vào đời, ngay cả khi các em không đạt trình độ tương xứng. Nếu cấp bằng tốt nghiệp cho người không đạt là làm hại học sinh. Điều này có thể ví với việc xác nhận quân nhân bắn súng tốt trong khi anh ta chưa đủ tài cầm súng. Như vậy, khi ra trận, anh ta dễ dàng bị giết đầu tiên và hậu quả không chỉ là tổn thất của cá nhân anh ta mà là tổn thất của xã hội nói chung.

 

Chính quyền địa phương cần coi trọng việc tạo ra tri thức là hàng đầu chứ không phải điểm số. Lãnh đạo các địa phương cần coi việc tạo cho con em mình có tri thức, kỹ năng, tâm huyết, phẩm chất là quan trọng hàng đầu, chứ không phải điểm số. Cần xem bệnh thành tích là có hại cho địa phương.

 

Không nên lấy điểm số để đánh giá mà nên lấy phương pháp để đánh giá từng học sinh, giáo viên, nhà trường. Trước khi xem kết quả thi cử của một trường, cần xem trường đó được tổ chức, từng lớp được học tập thế nào. Không chỉ ra được đã đổi mới gì trong dạy, học, thi đua, mà kết quả cứ cao là không thực chất.

 

Bước đi đầu tiên để đưa tinh thần cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong giáo dục” vào thực tế như thế nào, thưa Bộ trưởng?

 

64 giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã ký vào bức thư gửi cho Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ với nội dung khẳng định ý chí không chấp nhận tiêu cực thi cử, bệnh thành tích trong thi đua của ngành giáo dục - đào tạo. Thư cũng đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ dùng quyền hạn pháp lý của mình để yêu cầu các bộ, tỉnh trong cả nước thống nhất quan điểm nâng cao chất lượng giáo dục và trước mắt là chống tiêu cực thi cử, bệnh thành tích.

 

Tiếp theo đó, dự kiến vào tháng 9 này, tại mỗi trường, thầy hiệu trưởng cùng công đoàn, Đoàn thanh niên tự thảo luận về tình hình thi cử ở trường mình và hướng khắc phục. Tại các địa phương, hiệu trưởng tất cả các trường sẽ cam kết với chủ tịch UBND là trường sẽ tuyên chiến với nạn này. Những người tốt, việc tốt góp phần chống tiêu cực thi cử, bệnh thành tích sẽ được đưa vào cuốn sách "Gương mặt giáo dục VN năm 2007".

 

Theo tôi, để thực hiện thành công cuộc vận động này thì con đường tốt nhất là đánh thức lòng tự trọng, lương tri của mỗi cán bộ, giáo viên trong toàn ngành giáo dục. Bộ không thể nào tổ chức đi kiểm tra, điều tra cả nước được.

 

Bộ trưởng có thể cho biết cuộc vận động bắt đầu từ những ý tưởng nào?

 

Qua trao đổi với lãnh đạo ngành giáo dục cũng như làm việc với các địa phương, tôi nhận được sự đồng tình lớn rằng trước mắt cần chấn chỉnh tiêu cực trong thi cử. Đây không phải là vấn đề của một trường mà của toàn xã hội.

 

Đã từ nhiều năm nay, sự tiêu cực trong giáo dục đã khiến chúng ta phải lãng phí quá nhiều thứ. Chẳng hạn như tình trạng nhiều em vẫn được lên lớp mà không đọc thông, viết thạo sau khi hết tiểu học. Nhiều em được vào lớp 10 mà làm toán không thông. Quãng đời phổ thông của các em sẽ bị lãng phí, các em mất đi thời gian trang bị kỹ năng, tri thức để làm người, và khi ra đời các em sẽ thiệt.

 

Từ góc độ gia đình thì nhiều nơi miền núi, nông thôn rất khó khăn để dành tiền bạc cho con em đi học, nhưng khi con em học xong lại không đủ năng lực vào đời.

 

Từ phía các thầy cô giáo thì đó là sự lãng phí khi công sức thầy, giáo bỏ ra mà không gắn với thi cử nghiêm túc để các em học sinh tự học tốt hơn, có thực chất hơn. Chúng tôi nhận được thư nhiều thầy cô đã về hưu bày tỏ rất buồn khi nghĩ lại quãng đời phải chấp nhận tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Họ gửi gắm đến thế hệ hiện tại mong muốn khắc phục được nạn đó.

 

Rộng hơn, nhìn từ góc độ đất nước nói chung, đất nước tốn nhiều công sức, tiền bạc mà không tạo ra nguồn lực con người - tài nguyên quan trọng nhất để phát triển. Đây là sự lãng phí lớn nhất.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

 

Nhóm PV Giáo dục thực hiện