1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chống tham nhũng: Vẫn khó xác định người đứng đầu

Phòng, chống tham nhũng thời gian tới phải tập trung phục vụ bầu cử, không để người liên quan đến tham nhũng lọt vào Quốc hội, HĐND.

Ngày 6-4, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) họp phiên thứ 14 đánh giá công tác quý I. Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Vũ Tiến Chiến, xét cả quý I, số vụ việc phát hiện tiếp tục giảm. Hai tháng qua (tháng 2 và 3), 52 tỉnh, thành trên cả nước không khởi tố, phát hiện được vụ tham nhũng nào. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo, cho rằng cần cẩn trọng phân tích bởi không thể chỉ dựa trên con số vụ việc được phát hiện xử lý nhiều hay ít để đánh giá tham nhũng tăng hay giảm. “Riêng với những việc đã phát hiện thì phải khẩn trương xử lý, bởi thực tế rất nhiều vụ bị kéo dài, hồ sơ trả đi trả lại nhiều lần, gây băn khoăn, nghi ngờ trong dư luận” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đã có nghị định nhưng thực tế rất nhùng nhằng

Theo Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh, thành viên Ban Chỉ đạo, trong công tác PCTN, khâu yếu hiện nay vẫn là xác định và xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Nhắc lại ví dụ điển hình là vụ Vinashin, ông Lê Hồng Anh cho rằng quá trình xử lý đến giờ vẫn chưa xác định được trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp. “Bộ Công Thương quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, Bộ Nội vụ quản lý về công tác cán bộ thì phải có trách nhiệm gì trước việc Vinashin mua tàu cũ, việc cán bộ chủ chốt Vinashin sai phạm chứ!”.
 
Chống tham nhũng: Vẫn khó xác định người đứng đầu - 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với ông Nguyễn Đình Phách, người được bổ nhiệm làm chánh văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng

Đây cũng là băn khoăn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông nói nghị định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu ban hành từ lâu rồi nhưng đến nay áp dụng thực tế vẫn rất nhùng nhằng. Chẳng hạn tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở đơn vị thuộc sở thì giám đốc sở hay chủ tịch tỉnh là người đứng đầu? Nếu ở cấp cao hơn, thì chủ tịch tỉnh hay bí thư tỉnh mới là người đứng đầu?

Nhắc lại vụ Vinashin, Thủ tướng nói: “Cơ quan điều tra đã phát hiện ở đây có hành vi cố ý làm trái. Còn các bộ được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra thì lại không phát hiện việc làm trái này. Như thế, trách nhiệm là ở các bộ. Còn tôi là người đứng đầu Chính phủ có trách nhiệm vì các thành viên Chính phủ làm chưa tốt. Tôi nhận trách nhiệm trước dân, trước Quốc hội, trước Đảng là như thế”.

Có phải vì “hoa hồng” mà cố ý làm trái?

Từ những bất cập ấy, Thủ tướng kết luận Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN trong thời gian tới cần đánh giá kết quả năm năm triển khai Nghị quyết Trung ương 3 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong PCTN, lãng phí. Qua đó có kiến nghị cụ thể để hoàn thiện thêm cơ chế xác định trách nhiệm người đứng đầu. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, đề xuất thêm về vấn đề kê khai, công khai tài sản; về áp dụng biện pháp đặc biệt trong điều tra tội phạm tham nhũng. “Đây là những vấn đề còn ý kiến khác nhau bởi liên quan đến quyền bí mật về tài sản, bí mật thư tín…” - Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng nhấn mạnh PCTN thời gian tới phải tập trung phục vụ công tác bầu cử, không để người liên quan đến tham nhũng lọt vào Quốc hội, HĐND. Với những vụ án lớn dư luận quan tâm như vụ Vinashin, cần điều tra xem ngoài hành vi cố ý làm trái đã rõ thì có tham nhũng hay không. “Tôi không võ đoán nhưng việc mua tàu Hoa Sen, Thủ tướng đã có văn bản là không cho, thế mà hai năm sau vẫn mua về. Vậy có phải vì hoa hồng mà làm trái không? Việc mua nhà máy nhiệt điện cũ về đắp chiếu cũng vậy, có tham nhũng không?” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Với vụ Nông trường Sông Hậu, Thủ tướng chỉ đạo điều tra làm rõ mọi sai phạm, không vì nhân thân tốt của bị can mà “khoanh vùng” ngay từ khâu điều tra. Theo đó, mọi sai phạm cần được chỉ rõ, công khai; việc cân nhắc về nhân thân như tình tiết giảm nhẹ chỉ thực hiện khi xét xử.

Đáng chú ý, một vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II (Ngân hàng NN&PTNT), cơ quan điều tra Bộ Công an đã lập chuyên án. Đến nay, cả Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đều có kết luận là cần chuyển điều tra xử lý hình sự nhưng có những ý kiến khác nhau về thời điểm xử lý, trước hay sau bầu cử. Về việc này, Thủ tướng chỉ đạo điều tra, xử lý ngay.
 
Nhiều dự thảo sắp hoàn thành

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCTN trung ương, các bộ, ngành đang khẩn trương sửa đổi, ban hành mới các văn bản để hoàn thiện thể chế PCTN. Trong đó Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ đã ra được dự thảo lần hai thông tư liên tịch hướng dẫn khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện tham nhũng. Bộ Nội vụ đang dự thảo nghị định về trách nhiệm và chế độ phụ cấp cho cán bộ đơn vị chuyên trách chống tham nhũng. Bộ Công an đang hoàn thiện dự thảo quy chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng…

Vụ tiền polyme: Đợi kết quả điều tra từ phía Úc

Các nghi vấn liên quan đến in tiền polyme, báo chí nước ngoài có nêu và ta mới chỉ có thông tin từ kênh này. Tôi đã giao Bộ Ngoại giao trực tiếp làm việc với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Úc đề nghị cung cấp thông tin. Họ trả lời chính thức là vụ việc đang điều tra, chưa có kết luận nên chưa thể cung cấp gì cả.

Vấn đề này trước đây có đơn thư tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra và kết luận là chưa có chứng cứ về tham nhũng, hối lộ. Nhưng riêng việc thống đốc ngân hàng để con làm giám đốc công ty liên quan đến dự án in tiền polyme, thời gian ngắn 1-2 tháng thôi, cũng ảnh hưởng đến uy tín. Đây là một lý do dẫn tới việc ông Lê Đức Thúy thôi chức thống đốc.

 
Theo Pháp luật Tp HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm