1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chống tham nhũng: Không diệt chuột, chuột sẽ đuổi chủ ra khỏi nhà!

Thông điệp này được Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam khuyến nghị tại Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 13.

Sáng nay (26/11), Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Bộ Tư pháp, phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 13 với chủ đề “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng”. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tham dự Đối thoại.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc Đối thoại

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc Đối thoại

 

Phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong công tác PCTN là rất rõ ràng. Ngay trong Hiến pháp 2013 cũng quy định rất rõ về việc này. Chính phủ cũng đã ban hành chiến lược về PCTN. Hơn nữa, Việt Nam có thành lập cả Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN do Tổng Bí thư Trung ương Đảng làm Trưởng ban. Đồng thời, có nhiều việc Việt Nam đã và đang làm như hoàn thiện hệ thống thể chế, với việc ban hành một loạt các luật liên quan để góp phần PCTN…

 

Đánh giá công tác PCTN ở Việt Nam dù có tiến bộ, nhưng Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ: “PCTN ở Việt Nam chưa đạt yêu cầu đặt ra, đặc biệt là thu hồi tài sản do tham nhũng gây ra còn thấp (như báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu mới chỉ đạt 22,3%). Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tại Đối thoại này, các đại biểu trong nước và quốc tế cần tập trung phân tích nguyên nhân của tham nhũng, cần nêu những điểm sáng quốc tế về PCTN và thu hồi tài sản để làm bài học… cho Việt Nam. Từ đó, cùng với việc hoàn thiện thể chế, Việt Nam sẽ thực hiện ngày càng tốt hơn nữa Công ước LHQ về PCTN. Bởi Diễn đàn Đối thoại về PCTN là một cơ chế đặc thù trong việc trao đổi thông tin về PCTN. Tại đây, nhiều sáng kiến PCTN được chia sẻ thẳng thắn, cởi mở.

 

Hiệu quả thấp trong phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng

 

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về tiến triển trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 cho thấy, Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp; Luật PCTN và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Công tác PCTN năm 2014 tiếp tục có những bước tiến bộ.

 

Đó là Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế bảo đảm tăng cường dân chủ, bảo vệ quyền con người trong đời sống chính trị, xã hội và kiểm soát thực thi quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013; tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp PCTN như tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản thu nhập. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt trong các lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu, rộng. Vai trò của công dân, các tổ chức xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông, doanh nghiệp trong PCTN được tăng cường.

 

Các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được khẩn trương xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, có tác dụng rõ rệt trong việc răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Việt Nam đã thực hiện tốt cơ chế đánh giá thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng trong chu trình thứ nhất 2010-2015; tích cực trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế theo yêu cầu của Công ước để xử lý kịp thời các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

 

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn.

 

Nguyên nhân thực trạng này, theo Thanh tra Chính phủ, chủ yếu do việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội vẫn còn chậm. Hiệu quả thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn thấp. Việc tự phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu. Cơ chế bảo vệ và khuyến khích, khen thưởng người tố cáo tham nhũng chưa đủ mạnh. Việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời. Thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả thấp. Năm 2014, mặc dù giá trị tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng đã tăng lên so với năm 2013 nhưng mới đạt 22,3% so với giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng. Việc nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục là những thách thức lớn đối với công tác PCTN của Việt Nam.

 

Mục tiêu, cách tiếp cận PCTN của Việt Nam tương đồng với quốc tế

 

Với những kết quả nêu trên, ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết: Thực tiễn phòng chống tham nhũng cho thấy, việc phòng ngừa là giải pháp đâu tiên, quan trọng nhất trong phòng chống tham nhũng, nó có tác dụng ngăn ngừa hành vi tham nhũng có thể hình thành; còn việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong các giải pháp khắc phục hậu quả của tham nhũng gây ra cho xã hội, cũng là một trong các thước đo đánh giá hiệu quả phòng chống tham nhũng. Phòng chống và thu hồi tài sản tham nhũng cũng chính là hai trụ cột của Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng.

 

Công tác PCTN ở Việt Nam, ông Hà Hùng Cường đánh giá: Cả về mục tiêu, cách tiếp cận của Việt Nam đều tương đồng với quốc tế. Trong đó, quan điểm triển khai PCTN thực hiện triệt để, toàn diện ở mọi cấp, mọi ngành trong xã hội, và đối với người tham nhũng gây thiệt hại cho xã hội thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định. Tuy nhiên, “dù có nhiều nỗ lực nhưng công tác PCTN và thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam còn nhiều thách thức, đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng rất phức tạp, cả trong vấn đề về luật pháp và thực tiễn, không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề của quốc tế” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Vì thế, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, “các báo cáo nghiên cứu, những bài học thực tiễn tốt được chia sẻ tại Đối thoại là thông tin quý báu để cơ quan chức năng của Việt Nam tham khỏa, tiếp thu và vận dụng phù hợp với điều kiện ở Việt Nam”.

 

Không diệt chuột, chuột sẽ đuổi chủ ra khỏi nhà

 

Còn Ngài Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, cho biết, bản thân Ngài thấy phấn khởi khi thấy có những tiến bộ đạt được trong PCTN ở Việt Nam thời gian gần đây. Ngài Đại sứ nhấn mạnh: Trong PCTN, cần chú ý đến đội ngũ doanh nghiệp, vì doanh nghiệp vừa là nạn nhân của nạn tham nhũng, doanh nghiệp còn vừa là đối tác quan trọng trong PCTN. Hơn nữa, trong môi trường hội nhập, việc PCTN còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư. Bởi nếu tham nhũng còn tồn tại trong môi trường kinh doanh thì hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư sẽ giảm.

 

Ngài Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam

Ngài Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam

 

Theo Ngài Giles Lever, Việt Nam cần phải tiếp tục tham gia hợp tác quốc tế và trong nước trong PCTN để hoạt động này có được thành công. Vì thực tế cho thấy, dù đã có tiến bộ nhưng trong lĩnh vực này còn nhiều thách thức. Đơn cử, khảo sát của Tổ chức Minh bạch Thế giới cho thấy vẫn chỉ 24% người được hỏi cho rằng những nỗ lực PCTN của Chính phủ Việt Nam là có hiệu quả, nhưng cũng còn tới 34% lại cho rằng chưa hiệu quả. Tham nhũng và nhận hối lộ trong lĩnh vực công vẫn rất nổi cộm. Ngay như khảo sát của VCCI mới đây cũng cho thấy, tham nhũng là trở ngại lớn ở Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.

Từ đó, Ngài Đại sứ chỉ rõ: Dù rất hoan nghênh Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh công tác PCTN và đã có chiến lược quốc gia PCTN. Nhưng từ nhiều khảo sát cho thấy, người dân và cộng đồng quốc tế vẫn thấy tham nhũng đang tràn lan ở Việt Nam. Điều này cho thấy, những chủ trương, quy định… đưa ra vẫn chưa được vận dụng hiệu quả trong thực tiễn.

 

Đặc biệt, nói một cách hình ảnh, Ngài Đại sứ cho rằng, ở Việt Nam có nói rằng, “đánh chuột đừng để vỡ bình. Tôi tin là Việt Nam tìm được cách để đánh chuột mà không vỡ bình. Bởi ở nhiều nơi trên thế giới đã cho tôi thấy, nếu cứ để chuột có cơ hội lớn lên, nó sẽ làm vỡ bình. Cho nên, Việt Nam cũng cần có những con mèo để diệt chuột, hoặc ít ra phải có thuốc chuột, có bẫy chuột… Và dù cách nào, mục đích chính là phải diệt được chuột, nếu không, sẽ đến lúc chuột đuổi chủ ra khỏi nhà”.

 

Theo Xuân Thân

 VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm