1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chống tham nhũng, đừng dùng “bình cũ rượu cũ”

Tiếp câu chuyện về sửa Luật phòng chống tham nhũng, chuyên gia UNDP tại Việt Nam Jairo Acuña-Alfaro nói điều quan trọng là làm thế nào để vận dụng cách làm mới, thay vì tiếp tục câu chuyện “rượu cũ, bình cũng cũ”.

Tạm đình chỉ cán bộ có dấu hiệu tham nhũng

 

Luật hiện hành có hẳn một mục riêng về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Quy định này có hiệu lực đến đâu và có cần sửa đổi gì thêm hay không?

 

Dự thảo luật sửa đổi vẫn chưa có điểm gì mới mẻ. Khi chúng ta bị nhiễm vi rút, mà nếu chữa bằng phương thuốc này không hiệu quả thì tại sao ta không đổi sang phương thuốc khác. Trong khi đó, những điều khoản hiện hành thiếu rõ ràng và cần phải sửa đổi căn bản.

 

Chẳng hạn, luật không nêu cụ thể nếu xảy ra vụ việc tham nhũng thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị là ai và có trách nhiệm giải trình đến đâu. Do đó, cần định nghĩa cụ thể hơn nữa khái niệm thế nào là cơ quan, đơn vị trong luật và ai là người đứng đầu cơ quan đơn vị đó, thay vì nói chung chung.

 

Như quy định hiện hành thì người ta sẽ áp dụng luật theo hướng, dù có xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị ấy cũng chẳng hề dính líu. Có chăng, họ có trách nhiệm vì họ đang là người đứng đầu.

 

Một trong các biện pháp có thể áp dụng mạnh mẽ là yêu cầu tạm đình chỉ ngay cán bộ, công chức có dấu hiệu tham nhũng thay vì cho phép họ tạm chuyển sang vị trí công việc khác.

 

Chống tham nhũng, đừng dùng “bình cũ rượu cũ”
Ông Jairo Acuña-Alfaro: Nên cân nhắc việc lập một ủy ban trong Quốc hội chuyên về phòng chống tham nhũng. (ảnh: Lê Anh Dũng)

 

Theo ông, có cách gì để  tăng cường giám sát hoạt động của người đứng đầu nhằm ngăn ngừa tham nhũng? Việt Nam nên lựa chọn một mô hình như thế nào cho ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng?

 

Việc thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng có một điểm tốt là đưa vấn đề tham nhũng trở thành vấn đề ưu tiên cần được thảo luận. Nhưng cho tới nay cũng mới dừng ở phạm vi trao đổi, thảo luận mà thôi.

 

Trong lần sửa đổi này, Đảng cũng đưa ra quyết định là Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư đứng đầu. Nhưng cần lưu ý là theo kinh nghiệm ở Việt Nam lâu nay cũng như ở nhiều nơi khác đã cho thấy rằng cơ chế tự điều phối mà thiếu đi tính độc lập cần thiết có thể sẽ không đem lại kết quả như mong muốn.

 

Do đó, bất kể là ban chỉ đạo được đặt ở đâu, bên cơ quan Đảng, Chính phủ hay Quốc hội thì đều phải có các nguyên tắc hoạt động chung. Mà quan trọng hơn cả là chức năng, quyền hạn của ban chỉ đạo đó được cụ thể hóa như thế nào.

 

Nếu ban chỉ đạo không có chức năng quyền hạn trong thanh tra hay khởi tố vụ việc thì rõ ràng mọi hoạt động chỉ dừng lại ở việc thẩm định các văn bản luật mà thôi.

 

Yếu tố quan trọng nhất ở đây là tính độc lập của thiết chế phòng chống tham nhũng. Chẳng hạn, có thể áp dụng mô hình sau. Người đứng đầu thay vì thay đổi theo nhiệm kỳ của Chính phủ theo 5 năm một lần thì có thể bổ nhiệm theo hướng: có nhiệm kỳ dài hơn, khoảng 10 - 15 năm chẳng hạn. Rồi theo quy trình tuyển dụng theo cơ chế thực tài và do Quốc hội xem xét bổ nhiệm. Mô hình này có thể áp dụng cả với cơ quan thanh tra.

 

Tham nhũng không giới hạn, phòng chống lại có

 

Việc cải tổ ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng theo tinh thần luật sửa đổi liệu có hạn chế được tham nhũng?

 

Tôi từng chia sẻ với báo chí là vấn đề tham nhũng ở Việt Nam không có giới hạn. Nhưng công tác phòng chống tham nhũng lại bị giới hạn. Chính vì vậy cần trao cho ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng nguồn lực, chức năng, quyền hạn để họ làm việc.

 

Nhân tố hết sức quan trọng là ý chí quyết tâm của lãnh đạo cấp cao. Họ cần phải dũng cảm đưa ra quyết định và bản thân họ cũng cần thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trước thiết chế độc lập đó.

 

Chuyện bình cũ rượu cũ sẽ xảy ra nếu ban chỉ đạo vẫn được giao những chức năng nhiệm vụ quyền hạn như cũ dù ban chỉ đạo có chuyển đi đâu và trực thuộc cơ quan nào.

 

Vậy còn vai trò giám sát của các tổ chức xã hội, của Quốc hội, hội đồng nhân dân, của báo chí và người dân… cần được đề cập thế nào trong luật sửa đổi?

 

Vấn đề giải trình trước Quốc hội thời gian qua đã có những thay đổi tích cực thông qua hoạt động chất vấn. Để thúc đẩy hơn nữa trách nhiệm giải trình, nên tăng thêm quyền hạn cho các ủy ban của Quốc hội. Và cũng nên cân nhắc việc lập một ủy ban trong Quốc hội chuyên về phòng chống tham nhũng.

 

Hoặc nên cụ thể hóa hơn nữa cơ chế thành lập ủy ban lâm thời trong Quốc hội nhằm điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

 

Đối với báo chí, có một điều khiến tôi hết sức lo lắng vì dự thảo luật hiện nay đưa ra một điều khoản, đó là phóng viên phải cung cấp nguồn tin khi có yêu cầu của cơ quan điều tra. Quy định này vô hình trung tạo ra giới hạn cho báo chí và làm yếu đi vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

 

Còn vai trò giám sát của người dân cũng chưa thấy đâu. Ngay cả quy định về trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận đơn thư tố cáo của dân cũng không thấy trong luật.

 

Xin nhắc lại là điều quan trọng đối với quá trình sửa đổi khuôn khổ pháp lý về phòng chống tham nhũng, đó là làm thế nào để vận dụng cách làm mới, thay vì tiếp tục với câu chuyện “rượu cũ, bình cũng cũ”.

 

Theo Lê Nhung

Vietnamnet

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm