1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chống tham nhũng đời bố, củng cố... đời con

Thu hồi tài sản tham nhũng không những khắc phục được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, trả lại nguồn lực cho đất nước mà còn có ý nghĩa cảnh báo, ngăn chặn hành vi tham nhũng, triệt tiêu động cơ kinh tế của người phạm tội.

Thực tế thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam hiệu quả còn thấp. Số tài sản tham nhũng thu hồi được qua các vụ án tham nhũng trong năm 2014 chỉ đạt 22,3% trong tổng giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng gây ra. Vậy làm thế nào để việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả cao? Vấn đề đã được đặt ra nhiều lần và mới đây nhất là tại cuộc Đối thoại phòng, chống tham nhũng lần thứ 13 hồi đầu tuần.

 

Thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu thông qua hình sự

 

Ông Trương Minh Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ 1B, VKSND Tối cao, cho rằng việc quy định các biện pháp điều tra, phong tỏa, kê biên và tạm giữ tài sản do phạm tội mà có là cơ sở để tạo điều kiện tịch thu và thu hồi tài sản tham nhũng. Theo quy định pháp luật hiện nay, việc thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện bằng các biện pháp hình sự, hành chính, kinh tế và dân sự.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp (cơ quan đầu mối về thu hồi tài sản tham nhũng), cho biết thực tế việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay lại chủ yếu thông qua hình sự nhưng các biện pháp thu hồi tài sản không qua kết án hình sự chưa có quy định rõ ràng. “Cụ thể như việc thu hồi tài sản theo thủ tục hành chính đã có quy định trong Luật Thanh tra nhưng vẫn chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi. Các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng thông qua tố tụng dân sự chỉ mới là các quy định chung về bảo vệ quyền sở hữu và bồi thường thiệt hại ở mức nguyên tắc chung của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự…” - ông Tú dẫn chứng.

 

Ngoài việc thiếu các quy định chi tiết, ông Tú còn cho biết trong phát hiện, chứng minh, truy tìm, thu giữ, quản lý tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn do văn hóa sử dụng tiền mặt, nhiều tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Một số vụ việc không thể xử lý tội phạm tham nhũng mà chỉ có thể xử tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội danh khác. Do đó việc thu hồi tài sản tham nhũng không thể thu hồi được. Trong khi các cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu quan tâm xử lý tội phạm gốc là tội tham nhũng mà chưa chú ý xử lý tội phạm phát sinh như tội rửa tiền và chưa đánh vào lợi ích kinh tế của người phạm tội tham nhũng.

 

Còn đối với người phạm tội thì lại có tâm lý: “Hy sinh đời bố củng cố đời con”, nhiều người chấp nhận ở tù để cho gia đình họ được hưởng lợi từ tiền tham nhũng. “Thực tế xử lý các vụ án tham nhũng trong thời gian qua có một số trường hợp người phạm tội cho là dù có khai nhận, nộp lại tài sản tham nhũng thì vẫn phải chịu mức án cao nên họ chấp nhận hình phạt, không chịu khai báo, che giấu tài sản tham nhũng để hưởng lợi” - ông Mạnh nói.

 

Hiện nay việc thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu thông qua hình sự. Ảnh: THU HẰNG
Hiện nay việc thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu thông qua hình sự. Ảnh: THU HẰNG

 

Cần phải thông qua kênh dân sự, hành chính

 

Vì vậy theo ông Tú, cần nhận thức rằng thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ được thực hiện thông qua hình sự mà cần phải thông qua các kênh khác như kênh dân sự, hành chính. Bởi vấn đề quan trọng nhất là đánh vào kinh tế, làm triệt tiêu lợi ích kinh tế của người phạm tội tham nhũng và những người liên quan để triệt tiêu tâm lý “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Trên cơ sở đó hoàn thiện pháp luật, thiết chế về thu hồi tài sản tham nhũng, quy định cụ thể trình tự, thủ tục, cách thức hợp tác giữa các cơ quan trong nước với nhau và với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, nhất là về thu hồi tài sản không qua kết án.

 

Theo ông Tú, lỗ hổng trong thu hồi tài sản hiện nay còn xuất phát từ nhận thức cho rằng thu hồi tài sản chỉ là phần đi kèm để giải quyết hậu quả, là khâu cuối cùng của quá trình phòng, chống tội phạm. “Trong khi nghĩa vụ chứng minh của người sở hữu tài sản bất minh chưa được đề cao, nhiều người lại chưa nhận thức được thu hồi tài sản tham nhũng phải diễn ra song song, thậm chí tiến hành trước để lần ra dấu vết tội phạm, ngăn chặn, giải quyết triệt để hậu quả của tội phạm tham nhũng” - ông Tú nhấn mạnh.

 

Ông Mạnh cũng cho rằng phải có biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, bồi thường, khắc phục những hậu quả, thiệt hại do tham nhũng gây ra đi kèm với việc đấu tranh hiệu quả với hành vi làm giàu bất chính, rửa tiền. Trong đó các biện pháp thu giữ và tịch thu nhằm thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án tham nhũng là một trong các biện pháp quan trọng, tác động mạnh mẽ đến động cơ, mục đích phạm tội. “Nếu người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội tham nhũng phải trả giá nghiêm khắc, đồng thời động cơ chiếm đoạt tài sản để hưởng lợi, làm giàu bất chính không đạt được thì động cơ phạm tội của họ sẽ bị triệt tiêu và ngược lại” - ông Mạnh lưu ý.

 

Không chứng minh được nguồn gốc là tài sản bất hợp pháp?

 

Kê khai tài sản được xem là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng và cũng là cơ sở tạo điều kiện cho việc thu hồi tài sản tham nhũng nhưng vấn đề này thực hiện ở Việt Nam không mấy hiệu quả. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong gần một triệu người kê khai tài sản chỉ có năm người phải xác minh tài sản, trong đó chỉ có một người bị xử lý kỷ luật vì kê khai không trung thực. Ngay chính Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng nhìn nhận trong chín giải pháp phòng ngừa tham nhũng thì giải pháp kê khai tài sản nằm trong nhóm ít hiệu quả nhất. Vì vậy ông Mạnh cho biết việc kê khai tài sản để đảm bảo việc thi hành án, thu hồi tài sản tham nhũng cũng như khắc phục hậu quả thiệt hại gặp nhiều khó khăn.

 

Vì vậy ông Mạnh đề nghị thực hiện kê khai tài sản, thu nhập thực chất và có hiệu quả để kiểm soát được tài sản thu nhập trên thực tế. Đồng thời sửa BLHS theo hướng tăng mức hình phạt tiền, giảm hình phạt tù có thời hạn và các hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả nhằm rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng. Bổ sung biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, quy định cụ thể thủ tục thu hồi, kê biên tài sản.

 

Còn ông Tú thì cho rằng cần hoàn thiện pháp luật về sở hữu nhằm ngăn chặn việc hợp pháp hóa quyền sở hữu đối với tài sản tham nhũng qua các giao dịch dân sự. Ngoài ra cần đồng bộ hóa các luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản. Cụ thể như sửa đổi bổ sung BLHS để hình sự hóa 12 hành vi tham nhũng cho phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng, quy định về thu hồi tài sản trong trường hợp làm giàu bất chính, không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản…

 

Việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính trước đây trong quá trình thảo luận sửa đổi BLHS đã được nhiều đại biểu đặt ra. Tuy nhiên, đến nay ban soạn thảo không đề cập đến điều này mà thay vào đó quy định tội vi phạm về kê khai tài sản. Nói về điều này ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó ban Nội chính Trung ương, cho biết nó liên quan đến quan điểm đối với tội phạm tham nhũng, yếu tố về hậu quả đang trở thành yếu tố bắt buộc (cấu thành vật chất). Theo yêu cầu này phải chứng minh được người phạm tội thực hiện hành vi trục lợi bằng việc lấy tài sản công bỏ vào túi tư, trong khi luật pháp các nước theo quan điểm suy diễn về mặt tội phạm. Có nghĩa là tài sản bất minh thì không cần chứng minh người đó có hành vi lấy nó ở đâu, từ nguồn nào mà đều coi là tài sản bất hợp pháp có được từ tham nhũng và bị xử lý.

 

“Đây là vấn đề thời gian tới chúng ta phải bàn nhiều. Đúng là cơ chế hiện nay, kể cả hai quy định liên quan đến kê khai tài sản chúng ta mới chỉ xử lý đến hành vi kê khai không đúng, kê khai không đủ chứ chưa có quy định cụ thể việc xử lý nguồn gốc tài sản kê khai không hợp pháp. Đây sẽ là vấn đề tiếp tục phải hoàn thiện trong thời gian tới” - ông Khánh nói.

 

Thái Lan: Quan chức về hưu một năm cũng phải khai báo tài sản

 

Giám sát khai báo tài sản, các khoản nợ và lối sống của các quan chức cao cấp là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu tại Thái Lan. Những người nắm các vị trí chính trị cũng như quan chức cao cấp trong chính phủ cả trung ương và địa phương phải trình cho cơ quan chống tham nhũng quốc gia khai báo về tài sản và các khoản nợ của họ cũng như của vợ hoặc chồng hoặc con cái đang được họ nuôi dưỡng ba năm một lần, khi họ bắt đầu nhậm chức cũng như khi rời khỏi vị trí và một năm sau khi nghỉ họ vẫn phải khai báo.

 

Singapore: Tài sản ngoài thu nhập công khai đều bị thu hồi

 

Đạo luật số 65A về thu hồi lợi ích từ tham nhũng, buôn bán ma túy và các loại tội phạm khác (CDSA) của Singapore hình sự hóa các hành vi rửa tiền từ lợi ích có được do tham nhũng mà có và yêu cầu trả lại tất cả lợi ích có được từ hành vi hình sự. Theo đó lệnh thu hồi tài sản sẽ được ban hành để thu hồi phần lợi ích có được từ hành vi phạm tội đối với trường hợp bị kết tội. Tài sản thu nhập bất hợp pháp có được ngoài thu nhập chính đáng đều được xem là do phạm tội mà có và đều bị thu hồi.

 

Theo Thu Hằng
 Pháp luật TPHCM