Chống “giặc lửa” tại các khu công nghiệp
(Dân trí) - Cháy trên diện rộng, công tác cứu hỏa gặp nhiều khó khăn, thiệt hại rất lớn về tài sản, ảnh hưởng đến công việc, đời sống của hàng nghìn công nhân… Những vụ hỏa hoạn xảy ra tại các khu công nghiệp đang là mối họa khó lường nên việc "phòng lửa" cần được tập trung hơn "chống lửa".
Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH, Cục C07) vừa phối hợp cùng Tập đoàn UL Hoa Kỳ tổ chức lớp tập huấn về thẩm duyệt PCCC đối với các công trình công nghiệp cho lực lượng CS PCCC trong 2 ngày 6 -7/12 tại TP.HCM.
Theo Cục CS PCCC, sau gần 28 năm, cả nước đã có 328 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất được thành lập, thu hút được hơn 120 tỷ USD vốn FDI, 800.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tốc độ công nghiệp hóa ngày càng nhanh, đồng nghĩa các dự án, công trình công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó các dự án công trình đặc thù có tính chất nguy hiểm cháy, nổ phức tạp như: nhà máy lọc hóa dầu, kho chứa LPG, LNG bằng công nghệ lạnh chôn ngầm, nhà máy điện gió, điện mặt trời, luyện cán thép, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, ô tô xe máy... được xây dựng với quy mô lớn, phức tạp, nhiều hạng mục có tính nguy hiểm cháy, nổ cao đặt ra nhiều áp lực phải đối mặt trong công tác bảo đảm an toàn PCCC.
Điển hình là vụ cháy nhà xưởng tại KCN Hải Yên (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) làm sập hoàn toàn 8.500m2 nhà xưởng, thiệt hại về tài sản khoảng 350 tỷ đồng. Vụ cháy tại KCN Long Giang (tỉnh Tiền Giang) gây thiệt hại khoảng 223 tỷ đồng, vụ cháy tại KCN Hòa Cầm (Đà Nẵng) buộc lực lượng PCCC huy động gần 30 xe chữa cháy, 200 cán bộ chiến sẽ và liên tục chữa cháy trong nhiều giờ…
Do đó, việc áp dụng tối đa các biện pháp, giải pháp an toàn về PCCC ngay từ khâu xây dựng ban đầu, đặc biệt là việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC để thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC là hết sức quan trọng để tránh không xảy ra các sự cố cháy, nổ đáng tiếc xảy ra.
Đợt tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn trong công tác thẩm duyệt PCCC đã đặt ra giải pháp mang tính khoa học kỹ thuật cao, các tiến bộ khoa học của thế giới qua các trao đổi thực tế về kinh nghiệm trong công tác thẩm duyệt về PCCC đối với khu công nghiệp của các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản,…. và đây là một giải pháp hết sức cần thiết để vận dụng vào điều kiện thực tế như hiện nay của Việt Nam.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng C07 nhận định: “Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác phòng ngừa, áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài vào thẩm duyệt và quản lý các nguy cơ cháy để vận dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ chiến sĩ khi làm công tác thẩm duyệt về PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC và CNCH sâu rộng hơn nữa.”
Lớp tập huấn năm 2018 là hoạt động thường niên, nhằm thực hiện biên bản ghi nhớ về hợp tác trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ giữa Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an Việt Nam và Tập đoàn UL Hoa Kỳ, trong đó có nội dung Tập đoàn UL sẽ tập huấn, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ của lực lượng Cảnh sát PCCC Việt Nam.
Trung Kiên