Thấy vợ thích hoa hồng nhưng nhiều lần trồng không hiệu quả, anh Nguyễn Thiện (nhân viên kỹ thuật của Tổng công ty truyền hình cáp VN, sống ở Nha Trang) quyết định tự nghiên cứu, học hỏi cách trồng và chăm sóc cây, "hô biến" sân thượng thành vườn hoa tràn ngập hương sắc dành tặng bà xã.
Trên sân thượng rộng 100m2, anh dành diện tích 50m2 để trồng hoa hồng, nửa còn lại làm vườn rau sạch, cung cấp nguồn thực phẩm cho gia đình sử dụng hàng ngày. Thời gian đầu trồng hoa hồng, anh Thiện gặp khá nhiều khó khăn. "Mình có tìm hiểu kinh nghiệm trồng và chăm hoa hồng trên mạng, trong các hội nhóm nhưng chỉ mang tính chất tham khảo. Những thông tin đó rất khó áp dụng vào thực tế do khí hậu và tính chất mỗi vùng miền khác nhau.
Vì mình chưa chọn được giá thể phù hợp, thích ứng với điều kiện địa phương nên khiến cây trồng bị chết nhiều, cây sống được thì lại sâu bệnh", gia chủ nói.
Khi đã có kinh nghiệm, anh Thiện mạnh dạn trồng nhiều loại hoa hồng khác nhau, làm đẹp khu vườn. Hiện, trong vườn có hơn 100 gốc hoa hồng với đủ giống nội và ngoại. Để giữ vườn sạch sẽ và tiết kiệm diện tích, gia chủ bố trí trồng hoa hồng trong các loại chậu có kích thước phù hợp, sắp xếp gọn gàng, khoa học. Ngoài các loại hồng cổ như đào cổ, cổ huế, cổ quế sơn, bạch ho,... anh còn trồng nhiều giống hồng ngoại là pine dream, mon coeur, kinda blue, masora... Vì hoa hồng là giống ưa nắng nên việc trồng trên sân thượng giúp cây nhận được nhiều nắng hơn. Ngoài ra, giá thể cũng là yếu tố quan trọng để cây phát triển khỏe mạnh, nở hoa đẹp. Do trồng trên sân thượng nên anh Thiện ưu tiên trộn giá thể sao cho đảm bảo độ nhẹ để giảm tải. Anh làm giá thể chứa ít đất, trộn với phân bò, phân dê hoai mục, trấu tươi, trấu hun nguyên hạt và thêm ít xơ dừa, vỏ đậu phộng, đá feralit, trichoderma, humic. Gia chủ nhấn mạnh, giá thể phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và thoát nước tốt. Anh trộn một lần với số lượng nhiều rồi đem ủ và sử dụng dần. Khi thay giá thể mới cho cây hoa hồng, anh tận dụng giá thể cũ, thêm phân bón để trồng rau. Ông bố Nha Trang tự làm phân bón hữu cơ để cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho cây. Sau mỗi lứa hoa, anh tiến hành cắt tỉa đồng loạt vườn. Trước khi cắt khoảng 3-4 ngày, cây sẽ được bổ sung phân chuồng (như phân bò, phân dơi, phân dê hay phân gà Nhật..) để khỏe mạnh hơn. Sau cắt tỉa, gia chủ tiếp tục bón dịch đậu nành, chuối trứng humic để cung cấp đạm giúp cây bật mầm khỏe. Khi cây bắt đầu có nụ non, anh Thiện bổ sung thêm dịch chuối trứng humic, cung cấp lượng kali hợp lý cho hoa nở to, bền và có màu đậm. Mỗi tuần 1 lần, người đàn ông này lại bón phân cho cây, tùy từng giai đoạn mà lựa chọn loại phân bón phù hợp. "Hoa hồng là giống cây dễ mắc bệnh trĩ, nấm lá, đen thân vào mùa mưa hay bị rệp tấn công. Mình phải theo dõi, quan sát cây thường xuyên để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh, kịp thời xử lý đặc trị giúp cây không bị hư hại", anh Thiện chia sẻ. Hàng ngày, anh dành thời gian tưới xịt rửa lá với vòi áp suất cao nên cây hạn chế được bệnh. Cuối tuần rảnh rỗi, gia chủ lại nhổ cỏ, cắt tỉa, bón phân cho cây. Vào những ngày thời tiết nắng nóng, anh thường tưới nước cho hoa vào sáng sớm và buổi chiều. Nhờ được chăm sóc khoa học, kỹ lưỡng mà vườn hoa hồng của gia đình anh Thiện luôn tươi tốt, khoe sắc quanh năm. Những bông hoa nở rộ, có nhiều màu sắc rực rỡ như đỏ, vàng, cam, trắng,... giúp khu vườn nhỏ thêm phần đẹp mắt, ấn tượng hơn, tỏa mùi hương thoang thoảng. Vào những ngày lễ, dịp đặc biệt, gia chủ lại lên vườn hái những bông hoa tươi thắm dành tặng vợ hay cắm trang trí trong nhà. Không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan, là món quà tinh thần tuyệt vời anh Thiện dành tặng vợ, vườn hồng trăm gốc còn là góc "trốn dịch", thư giãn lý tưởng của các thành viên, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội. Con trai anh cũng thường lên vườn hoa trên sân thượng để học bài, cảm nhận bầu không khí trong lành, có hương thơm dịu nhẹ. Đây cũng là nơi để bé có thể thoải mái tìm hiểu, khám phá về thế giới tự nhiên, mở mang trí tưởng tượng.