1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Nghệ An:

Chống cháy rừng như chống giặc

(Dân trí) - Với quan điểm coi cháy rừng như một loại giặc, các cấp, ngành tại Nghệ An đang gồng mình đối phó với tình trạng cháy rừng gay gắt nhất từ trước tới nay.

Chỉ trong vòng hơn nửa tháng, Nghệ An đã xảy ra 14 vụ cháy rừng, thiêu rụi 100ha rừng.

Chỉ trong vòng hơn nửa tháng, Nghệ An đã xảy ra 14 vụ cháy rừng, thiêu rụi 100ha rừng.


15 ngày, 14 vụ cháy rừng, thiệt hại 100ha

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2014, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, Nghệ An trải qua một thời gian dài nắng nóng gay gắt, trời không mưa, tình trạng khô hạn đã xảy ra. Nắng nóng kết hợp với hiệu ứng Phơn Tây Nam khô nóng, các hồ đập cạn kiệt nguồn nước khiến cấp dự báo từng luôn ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Các loại thực bì dưới tán rừng khô dày, rất dễ bén lửa gây ra cháy rừng và tốc độ tan tràn lửa rất nhanh, tạo ra những đám cháy lớn và gây khó khăn trong công tác cứu chữa.

Ngày 14/5, Nghệ An xuất hiện đám cháy đầu tiên tại một khu rừng sản xuất do UBND xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên) quản lý. Đám cháy đã thiêu rụi 2,3ha rừng thông và bạch đàn. Địa phương đã huy động gần 300 người tham gia chữa cháy. Đây cũng là đám cháy duy nhất tại thời điểm này đã xác định được nguyên nhân: do người dân bất cẩn trong lúc đốt mùn cưa trong vườn dẫn đến cháy rừng.

Đã có 1 người chết và 3 người bị thương trong quá trình tham gia chữa cháy rừng tại Nghệ An.
Đã có 1 người chết và 3 người bị thương trong quá trình tham gia chữa cháy rừng tại Nghệ An.

Tiếp đó, ngày 21/5, liên tiếp 3 vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. “Giặc lửa” đã “nuốt” 2,8ha rừng giang, nứa của Vườn quốc gia Pù Mát và 1,5ha rừng phòng hộ tại xã Tam Quang (Tương Dương); 1,3h rừng sản xuất thuộc xã Châu Khê (Con Cuông) và một số diện tích rừng sản xuất tại xã Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai).

Ngày 22/5, liên tiếp 3 đám cháy cũng đã xảy ra tại các khu rừng thuộc các xã Thượng Sơn (Đô Lương), Mỹ Thành, Công Thành (thuộc huyện Yên Thành) và Nam Xuân, Nam Lĩnh (huyện Nam Đàn). Lửa đã thiêu chày hoàn toàn 8,5ha rừng và phải huy động tới hơn 1.500 người tham gia dập lửa, cứu rừng.

Tiếp đó, từ ngày 23- 25/5, xảy ra 3 vụ cháy rừng sản xuất tại các huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương và Yên Thành. Ngày 1/6, một đám cháy lớn đã bùng phát tại khu rừng sản xuất thuộc xã Nam Lộc (huyện Nam Đàn). 70ha rừng thông 20 năm tuổi đã bị thiêu rụi hoàn toàn và phải đến 8h sáng ngày 2/6, lực lượng chức năng mới khống chế được ngọn lửa.

Đám cháy rừng tại Nam Lộc đang tiềm ẩn nguy cơ tái phát thì ngay trong chiều 2/6, rừng tại xã Nam Thanh (Nam Đàn), Nghi Kiều (Nghi Lộc) lại bốc cháy. Đến sáng ngày 3/6, lực lượng chức năng lại tiếp tục công tác chữa cháy, cứu rừng ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn).

Ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Đây là năm có số vụ cháy rừng nhiều nhất, diện tích rừng bị cháy nhiều nhất và đau xót hơn là đã có 1 người chết (ông Trần Bá Công, xã Bảo Thành - PV) và 3 người khác bị thương trong quá trình chữa cháy. Đây cũng là năm đầu tiên Nghệ An phải huy động một lực lượng lớn gồm sự phối hợp liên ngành giữa công an, quân đội, kiểm lâm và người dân các địa phương tham gia chữa cháy, cứu rừng”.

Phải xem chống cháy rừng như chống giặc

Hiện tại, ở Nghệ An có hơn 30.000 ha rừng thông dễ cháy, trong đó vùng trọng điểm gồm 16.000ha. Tuy nhiên, hiện việc phát dọn thực bì mới chỉ triển khai được 5.000ha. 11.000ha rừng chưa có kinh phí để thực hiện nên nguy cơ cháy rừng luôn đe dọa.

Thượng tá Nguyễn Anh Linh - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cho biết: Khi xảy ra các vụ cháy rừng, các lực lượng bộ đội đóng quân trên địa bàn đã tích cực ứng trực và tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, do thực bì quá dày cộng với thời tiết khô nóng, thiếu trang thiết bị chữa cháy nên rất vất vả trong việc khống chế ngọn lửa. Mặt khác công tác xử lý và nhận định ban đầu của địa phương chưa phù hợp nên khi xảy ra cháy lớn mới huy động lực lượng dẫn tới thiệt hại do các vụ cháy rừng rất lớn.

Đã có 1 người chết và 3 người bị thương trong quá trình tham gia chữa cháy rừng tại Nghệ An.
Thượng tá Nguyễn Anh Linh - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An: "Một số người dân đã đứng ngoài khi được huy động tham gia chữa cháy bởi họ không có quyền lợi ở các khu rừng".

Một điều rất đáng lo ngại là tâm lý thờ ơ, đứng ngoài cuộc của một bộ phận người dân. “Có những người dân không tham gia chữa cháy dù đã được địa phương huy động. Họ không có quyền lợi ở đó nên đứng ngoài cuộc. Bởi vậy đề nghị UBND tỉnh cần có những chính sách đối với người dân khi tham gia chữa cháy, cứu rừng. Các địa phương nên hợp đồng với các đơn vị quân đội để dọn thực bì, chủ động phòng ngừa các vụ cháy rừng có thể xảy ra”, thượng tá Nguyễn Anh Linh cho biết.

Để chủ động phòng, chống cháy rừng trong những ngày tới, phát biểu trong hội nghị Phòng chống cháy rừng, hạn hán và dịch bệnh diễn ra vào sáng 3/6, ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và kiểm lâm bố trí lực lượng thu dọn thực bì. Cần phân loại khu vực có nguy cơ cao để ưu tiên dọn thực bì trước. Bên canh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị ngành chức năng phải thiết kế lại đường băng cản lửa đủ rộng để đạt hiệu quả trong việc ngăn lửa lây lan ra diện rộng.

Đã có 1 người chết và 3 người bị thương trong quá trình tham gia chữa cháy rừng tại Nghệ An.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trong hội nghị bàn phương án chống cháy rừng, hạn hán và dịch bệnh diễn ra sáng ngày 3//6.

Ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: “Yêu cầu lực lượng công an sớm điều tra ra nguyên nhân các vụ cháy rừng. Từ đó, sớm khởi tố và đưa ra xét xử trên phương châm xử lý nghiêm, kể cả trong trường hợp vô ý gây cháy rừng”.

Cùng với việc chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm tra thì một việc hết sức quan trọng là nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc phòng, chữa cháy. UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Sở NN&PTNN sớm xem xét giao đất rừng (kể cả giao và khoán rừng) cho người dân chăm sóc, quản lý và bảo vệ.

Ngoài việc bố trí ngân sách trang bị thiết bị phòng, chữa cháy rừng, ông Đinh Viết Hồng cũng yêu cầu ngành kiểm lâm bố trí thêm các điểm, chòi canh lửa trong các khu rừng để kịp thời phát hiện các nguy cơ xảy ra cháy.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ, nắng nóng trên diện rộng tiếp tục kéo dài trong 3-4 ngày tới. Sau đó sẽ xuất hiện một đợt nắng nóng mới. Nhiệt độ đo được trong các lều khỉ tượng luôn ở mức 37-39 độ, đặc biệt có một số nơi như Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa, Tương Dương, Tây Hiếu, nhiệt độ cao nhất có khi lên tới 40-41 độ. Nguy cơ cháy rừng ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An đang ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Hoàng Lam