Chòng chành đi qua vùng tâm lũ Nam Trung Bộ
(Dân trí) - Mưa lớn, nước dâng và chảy xiết. Đường sá nhiều đoạn bị sạt lở, hư hỏng nặng. Những chuyến xe đi qua vùng tâm lũ Nam Trung Bộ không sắp hàng nằm dài thì cũng như những con thuyền đang chòng chành trên sóng nước.
Ngày 1/11, dù đã nỗ lực khắc phục nhưng nhiều đoạn đường của Quốc lộ 1A đi qua địa phận tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa vẫn còn bị chia cắt vì bão lũ. Một số xe chạy tuyến Nha Trang – TPHCM, Ninh Thuận – TPHCM không thể đưa khách vào Bến xe Miền Đông. Nhiều khách từ TPHCM cũng hủy chuyến đi các tỉnh Nam Trung Bộ.
Đêm 1/11, nhiều tuyến đường qua tâm lũ Ninh Thuận, Khánh Hòa tuy không còn bị ách tắc cục bộ nhưng xe vẫn xếp hàng dài để từ từ đi qua. Nước sông Dinh và sông Lu dâng cao nên hầu hết nhà người dân ven sông đều bị ngập nước. Tuyến Quốc lộ 1A, nhiều đoạn nước băng qua đường, chảy xiết. Tại chân đèo Cậu (huyện Ninh Sơn), nước lũ cuốn phăng nhiều cống thoát nước, “lột” sạch một phần mặt đường tạo ra các hố sâu gây khó khăn cho xe cộ lưu thông. Đoạn đường đi qua địa phận thôn Cầu Chuối, P.Đô Vinh (Phan Rang – Tháp Chàm) giáp với huyện Ninh Sơn nước xoáy làm sạt lở lòng đường. Có những đoạn trên quốc lộ 1A bị nước dâng cao hơn 50cm, trải dài theo tuyến đường gần 2 km.
Cầu Ngòi (xã Thành Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm) bị yếu. Vì vậy, CSGT phải điều tiết cho các xe đi đường vòng qua tỉnh lộ 72 (huyện Ninh Hải) rồi mới vào được Quốc lộ 1A ở phía nam của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
Khuya 1/11, TP Phan Rang vẫn ngập chìm trong cơn mưa nặng hạt, kéo dài. Hầu như, các tuyến đường tại trung tâm thành phố đều bị ngập. Ngồi trong xe, nhìn cảnh nước chảy xiết phía dưới, chiếc xe như con thuyền chòng chành giữa sóng nước, nhiều hành khách không khỏi hoang mang, lo lắng.
Địa phận giáp ranh giữa Ninh Thuận với Khánh Hòa lúc 1h sáng 2/11 đã ngớt mưa. Tuy nhiên, cũng thời gian này, trung tâm thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) mưa vẫn kéo dài, nặng hạt. Lúc 3h sáng 2/11, nhiều tuyến đường trong thành phố Nha Trang ngập trong biển nước. Do tuyến đường chính vào trung tâm bị ngập, cảnh sát giao thông chốt chặn không cho qua, các xe khách phải đi lòng vòng thêm 7km mới vào được bến.
Vào thời điểm này, có 2 xe gắn máy đang lưu thông theo hướng từ đường Tôn Thất Tùng ra Phạm Văn Đồng. Mặc dù lúc này trời không có mưa to, nhưng một đoạn bờ kè trường ĐH Nha Trang bất ngờ sạt lở nghiêm trọng. Đất đá, cây lớn đổ xuống lòng đường khiến 2 người điều khiển phương tiện giao thông đi ngang qua bị thương. Phát hiện sự việc, người dân địa phương đã nhanh chóng đưa 2 nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tại hiện trường, hơn 100m3 đất, đá, 1 cây cổ thụ, 2 hàng rào, trụ điện, dây cáp điện… bị đổ, gãy chắn ngang đường gây ách tắc giao thông. Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã có mặt kịp thời phong tỏa đoạn đường và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo thống kê ban đầu, mưa lũ tại Nam Trung bộ đã làm cho 7 người chết và mất tích. Trong đó có 2 người dân thuộc xã Phước Hải, An Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận) do bị nước cuốn trôi. Tỉnh Khánh Hòa cũng có 4 người chết và 1 người mất tích. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Ninh Thuận, toàn tỉnh có hơn 1.600 ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước (trong đó 58 nhà bị hư hỏng hoàn toàn), hơn 8.000 ha lúa và hoa màu, 70 ha thủy sản ngập nước, 8 ghe bị chìm. Hàng chục kilômet quốc lộ, tỉnh lộ... bị sạt lở nghiêm trọng. Tại Khánh Hòa, có 48 nhà sập và tốc mái, bảy chiếc thuyền bị chìm chưa trục vớt được... hàng trăm ha hoa màu và nuôi thủy sản bị ngập, hàng nghìn m3 đất đá bị sạt lở… |