1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chôn gà giả, cuỗm tiền tỷ

Khai quật 7 hố tiêu huỷ gia cầm tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh (Hà Nội) cho thấy những người có trách nhiệm ở đây đã khéo léo phù phép, biến những bao tải đựng đầy trấu, rơm thành hàng vạn con gà trên giấy. Và sự phù phép ấy đáng giá gần 4 tỷ đồng.

Thoát thân khỏi Đại Đồng

 

8 giờ sáng ngày 6/1, trước cửa gia đình ông Toán - ở đội 9, thôn Đại Đồng (Đại Mạch), nhóm phóng viên của nhiều báo bị kẹp giữa "chiến tuyến" của một bên là những người ủng hộ khai quật hố chôn gia cầm và một bên là những người kiên quyết chống phá.

 

Một nhóm người nồng nặc mùi rượu ra sức giằng kéo, xô đẩy và thách thức nhóm phóng viên: "Thằng nào chụp ảnh tao đập máy" hay "tao đập chết m... chúng mày"; "Chúng nó cho chúng mày bao nhiêu tiền mà viết láo, viết lếu?". Nhóm khác gồm phần lớn phụ nữ lại bênh vực chúng tôi.

 

Tình hình trở nên căng thẳng, lúc này, những người cuối cùng trong Ban phúc tra tiêu huỷ gia cầm của Đại Mạch - gồm cả công an, an ninh viên và đại diện đội 9 - đành bất lực rút về. Cuộc khai quật hố chôn gia cầm tại nhà ông Toán, hố chôn thứ 8 ở Đại Đồng bất thành.

 

Đoàn người rồng rắn kéo về trụ sở UBND xã Đại Mạch, đứng ken đặc mảnh sân trước trụ sở. "Lực lượng" phóng viên được bổ sung thêm hai thành viên mới đến từ Báo Nhân Dân. Người dân la ó, phản đối lãnh đạo UBND xã Đại Mạch không có biện pháp "trị" nhóm người quá khích và đành bất lực đình lại việc khai quật hố chôn gia cầm thứ 8 trong xã.

 

Phó chủ tịch xã, ông Nguyễn Hữu Vượng, lúc này xuất hiện và đề nghị người dân ra khỏi phòng để ông và nhóm phóng viên làm việc. Lời đề nghị bị từ chối vì lý do "chẳng có gì phải giấu giếm".

 

Ông Nguyễn Hữu Vượng kêu mọi người cùng lên hội trường. Lời đề nghị này được chấp thuận, song cũng không ai chịu lên và nhóm phóng viên lại lọt giữa vòng vây của một biển người...

 

“Úm ba la” gà ra trấu

 

Sự phản ứng dữ dội của nhóm người quá khích khiến đoàn phúc tra tiêu huỷ gia cầm xã Đại Mạch buộc phải dừng lại việc khai quật hố chôn gia cầm ở đội 9, không hẳn không có lý do. Bí ẩn trong 7 hố chôn gia cầm được khai quật ngày trước đó thực sự khiến nhiều người phải bàng hoàng.

 

Sự phù phép bắt đầu được thực hiện ở hố chôn gia cầm của gia đình bà Nguyễn Thị Thu tại đội 9. Thay vì gần 3.000 con gia cầm như kê khai, đoàn phúc tra tìm thấy đúng 3 con cút gầy nằm lẫn trong 5 bao tải chứa đầy rơm trấu.

 

Ở hố chôn của gia đình ông Vương Văn Đoàn (đội 9), đến "hơn 2.400 con gà nặng cỡ hơn 0,5 kg/con" sau ít ngày nằm dưới đất, giờ "ngót" lại còn có vỏn vẹn 48 con trong mấy bao tải ken chặt rơm trấu.

 

Song thế cũng chưa "thấm" vào đâu so với bà Nguyễn Thị Dung ở đội 6, kỳ lạ là hàng nghìn con gia cầm "chết" trên giấy lần này biến mất hoàn toàn. Đoàn phúc tra tìm đỏ mắt chẳng ra, mà rơm với trấu cũng không biết đi đường nào.

 

Nhưng kỳ bí nhất phải thuộc về gia đình bà Nguyễn Thị Tý ở đội 7. Có lẽ do e ngại dịch cúm gia cầm, bà Tý cất công đào một hố chôn trong vườn nhà rộng đến 1m, dài cỡ 1,3 m và sâu không dưới 0,4 m để an táng... 1 con gà.

 

Chủ hộ Hà Văn Minh ở đội 6 phân bua rằng, do không có hố chôn ở nhà, nên ông này phải gửi người chôn hộ gần 3.000 con vịt. Hố chôn hình như nằm đâu đấy ngoài... đầm.

 

Sự thật kỳ lạ không dừng ở đây, khi các hố chôn sẽ được khai quật trở lại trong ngày hôm nay (7/1). Song hãy xem phép thuật của những người ở Đại Đồng, Đại Mạch sẽ được "trả giá" bao nhiêu nhờ đợt tiêu huỷ gia cầm vào đầu tháng 12/2005 này. Ông Vương Văn Đoàn sẽ nhận được 36,75 triệu đồng nếu sự việc trót lọt, gia đình ông Hà Văn Minh đàng hoàng nhận 44,5 triệu đồng cho một hố chôn ngoài đầm khi tiền được đưa về xã.

 

Nhiều hộ ở thôn Đại Đồng rủng rỉnh rước về 1,2 tỷ đồng từ tiền chôn "70 nghìn" con gia cầm giấy. Họ sẽ giàu to khi được những gần 4 tỷ đồng nhờ phép thuật biến rơm thành gà, siêu phàm nhưng không qua được mắt dân.

 

Phó chủ tịch UBND xã Đại Mạch nói rằng, những người tham gia tiêu huỷ gia cầm vào đầu tháng 12/2005 có lẽ hơi quá "nặng nề về tình cảm anh em" nên mới cho các hộ dân khai khống, khai sai số gia cầm tiêu huỷ. Ông này cũng nói rằng, xã sẽ nghiêm túc phúc tra và làm rõ trách nhiệm của từng người trong vụ việc này. Song người dân ở Đại Đồng lại nói khác.

 

Một người dân ở đội 9 tên B.T.D. bức xúc: "Tôi ở đây tôi biết, phần lớn những người được tiêu huỷ gia cầm đợt đầu tháng 12/2005 là cán bộ, người nhà hay anh em họ hàng của cán bộ xã. Họ thông đồng, khai khống số gia cầm, trong khi hàng trăm hộ chăn nuôi khác bị từ chối đơn xin được tiêu huỷ". "Họ bảo tôi có muốn tiêu huỷ không, nếu muốn được 10 triệu thì đưa trước 5 triệu đây...", bác T., người đội 9, Đại Đồng, nói.

 

Ông Bình T. ở Đại Đồng thêm: "Nhà tôi bán thức ăn gia cầm nên rõ lắm, trong xã nhà nào nuôi nhiều cũng chỉ được 600-700 con. Các ông ấy khai gian mà khai tham quá!".

 

Đầu giờ chiều ngày 6/1, chấm dứt hy vọng liên hệ với ông Vũ Minh Hoà (phụ trách thú ý xã Đại Mạch), người luôn đứng tên trong các báo cáo tổng hợp số liệu gia cầm được tiêu huỷ và số tiền hỗ trợ tiêu huỷ của xã Đại Mạch. Nhóm phóng viên rời Đại Mạch trong sự bảo vệ của hai cán bộ Công an huyện Đông Anh.

 

2 hộ dân suýt “ẵm” gọn 800 triệu đồng

 

Theo bảng tổng hợp số gia cầm tiêu huỷ tại thôn Mạch Lũng, ngày 5/12, trên địa bàn thôn chỉ có 2 hộ dân là gia đình ông Đàm Văn Chuyền và ông Lê Hữu Tình xin tiêu huỷ gia cầm, với tổng số gia cầm trên 83.000 con, tương đương với số tiền đền bù lên tới gần 800 triệu đồng.

 

Tuy vậy, trên thực tế, người dân thôn Mạch Lũng cho biết, nhà ông Chuyền và ông Tình chỉ có khu chuồng trại chăn nuôi với diện tích vài chục mét vuông, lượng gia cầm thực cũng chỉ có vài trăm con. Như vậy, nếu như vụ việc trót lọt thì chỉ với riêng 2 hộ này, Nhà nước bị thiệt hại một số tiền đáng kể.

  

Theo Cẩm Văn, Kiều Minh
Lao Động