1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Choáng” với nghề làm chấm dứt cơn đau

Tình cờ, tôi được nghe tiến sĩ - bác sĩ (BS) Giang tả cảnh giáo sư Nguyễn Thường Xuân chữa “bệnh tự sát” vào những năm 70 của thế kỷ trước. Nghe tên bệnh đã “khủng”, nhưng nghe cách chữa bệnh của GS Xuân thì tôi choáng luôn.

Vừa chọc tới, chọc lui để tìm “huyệt” (lỗ thông từ má vào hộp sọ - PV), để “định vị” vị trí, nếu hiện nay có màn hình, thì ngày đó, bên cạnh GS là... hộp sọ. Đến khi người bệnh la lên tiếng kêu đặc trưng của bệnh (dây thần kinh 5), đó là lúc kim tiêm đã chọc đúng vị trí. Lúc này, GS mới tiêm… nước sôi vào não!

 

Quá bất ngờ với cách chữa bệnh này, tôi hẹn BS Giang để hiểu cách chữa bệnh như đùa với thần chết này. Gặp rồi, tôi mới hiểu phần nào về sự khéo léo, tinh tế của các thầy thuốc Việt Nam.
 
Cắt cơn đau triền miên cho những người bị ung thư

 

Cắt cơn đau triền miên cho những người bị ung thư

 

Đã trễ hẹn với tôi vào cuối giờ chiều, nhưng khi gặp rồi, BS Bùi Văn Giang - Phó Giám đốc, kiêm Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Phó Chủ nhiệm bộ môn Chẩn đoán hình ảnh Trường Đại học Y Hà Nội - lại xin lỗi để đi hội chẩn tiếp một ca bệnh. Chưa hết, chắc để tôi đỡ sốt ruột, anh lại đưa tôi đến phòng can thiệp về mạch máu gì đó trong não bệnh nhân.

 

Ngồi nhìn qua màn hình, tôi thấy các bác sĩ đang tìm cách luồn thiết bị nhỏ như sợi tóc vào một nhánh trong mớ hỗn độn các mạch máu loằng ngoằng trong đầu. Theo Giang giải thích, tôi hiểu đại khái là cần phải “nút mạch máu” ở chỗ búi mạch máu dị dạng. Tôi mới nhìn một lúc đã hoa cả mắt, trong khi các bác sĩ vẫn đang phải đứng liên tục để dò tìm không biết từ khi nào…

 

Về đến phòng làm việc, chưa vội nói về “bệnh tự sát”, anh có vẻ trăn trở nhiều hơn về sự đau đớn tột cùng của bệnh nhân ung thư. Theo anh, với những nước phát triển, việc chăm sóc giảm nhẹ, giảm đau cho bệnh nhân, đặc biệt là ung thư luôn được chú ý. Trong khi đó ở Việt Nam, hầu như mình chỉ tập trung chữa bệnh, còn việc đau đớn của bệnh nhân thì phần lớn vẫn bỏ ngỏ. Xót xa trước cảnh đớn đau khôn cùng của người bệnh, BS Giang đã vào cuộc.

 

Ca điều trị đầu tiên vào ngày 13.4.2013 cho ông Đỗ Thăng Khương (70 tuổi, bị ung thư gan) - người thầy của bạn mình - luôn bị những cơn đau khủng khiếp tra tấn. Các liều moocphin chỉ giảm đau cho thầy Khương (BS Giang luôn gọi như vậy) chỉ khoảng một tiếng, mà lượng thuốc này không thể tiêm liên tục vì bệnh nhân sẽ bị sốc ngay. Và muốn giảm đau chỉ còn cách “tiêu diệt” các dây thần kinh cảm giác liên quan - đó cũng là nguyên lý điều trị mà BS Giang giảng giải cho tôi. Theo đó, những dây thần kinh của các bộ phận nội tạng (gan, tụy, dạ dày…) tập trung ở một chỗ (chuyên môn gọi là hạch của đám rối dương), gần với động mạch thân tạng.

 

Làm cách nào đó, phải tiêm được cồn tuyệt đối (cồn 100 độ) vào hạch đó để các dây thần kinh này bị tê liệt. Nhưng điều nan giải là, hạch đó được bao quanh bởi các cơ quan nội tạng và chằng chịt các mạch máu. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để tiếp cận được nó mà không ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh? Để làm được việc này, Bệnh viện Xanh Pôn phải đặt ở nước ngoài những chiếc kim tiêm đặc biệt. Đặc biệt không chỉ dài 22cm, mà nó vừa phải đủ cứng nhưng cũng phải đủ nhỏ để xuyên qua được các cơ quan nội tạng mà không ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan này.

 

Với ca can thiệp cho thầy Khương, BS Giang nhớ rất rõ, kim tiêm phải chọc vào, rút ra tới 17 lần mới đúng được vị trí. Để khẳng định đúng vị trí, lần đầu phải tiêm thuốc cản quang để thấy rõ vị trí, chính xác rồi thì tiêm thuốc tê. Mục đích của tiêm thuốc tê, nếu thấy bệnh nhân giảm đau thì có thể khẳng định một lần nữa, mũi tiêm đã đúng vị trí. Lúc này mới tiêm cồn vào.

 

Sau khi tiêm cồn, thầy Khương giảm đau chưa nhiều, BS phải tiêm mũi thứ 2 từ vị trí khác và cũng phải rút ra vào tới 10 lần mới đúng được. Chính nhờ 2 mũi tiêm này, những ngày tháng cuối đời của thầy Khương được an bình, nhiều tiếng cười hơn từ người bệnh.

 

Nhưng với những trường hợp ung thư phổi lại mất công hơn rất nhiều. Bởi lẽ, khác với các cơ quan nội tạng, thần kinh cảm giác của phổi chạy lan tỏa, không tập trung ở một chỗ. Chẳng hạn, trường hợp một thanh niên vừa tốt nghiệp đại học, đã từng đi Singapore chữa bệnh nhưng không khỏi, bệnh viện trả về. Trong thời gian ngắn ngủi còn lại trên đời, em chịu cơn đau vật vã, mẹ em là chủ nhiệm khoa gây mê ở một bệnh viện lớn ở Trung ương còn đau đớn hơn, xót xa hơn khi thấy tình cảnh của con trai.

 

Với trường hợp này, BS Giang phải làm những động tác như với thầy Khương, nhưng với hơn chục vị trí chạy dài trên cơ thể để tiêu diệt từng nhánh thần kinh cảm giác. Kết quả, em có thể cười để động viên bố mẹ và gia đình trong những ngày cuối cùng trên cõi đời.

 

BS Giang cho biết, ngay từ năm 1998, khi đang làm thực tập sinh bên Pháp đã được thực hiện phương pháp này. Nhưng nếu bên ấy người bệnh được gây mê trước khi can thiệp, còn ở đây chỉ tiêm thuốc tê nên bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo. Nhờ vậy, qua mỗi công đoạn (tiêm cản quang, thuốc tê và cồn) bác sĩ biết chắc kết quả sự can thiệp của mình. Còn người bệnh, sau can thiệp là thấy hết ngay những cơn đau vật vã, còn gì vui hơn!

 

“Bệnh tự sát”

 

Thấy anh vẫn trăn trở chuyện đau đớn của người bệnh, tôi liền đề cập đến căn “bệnh tự sát”. BS Giang giải thích, do đau liên tục ở vùng mắt, hàm trên, hàm dưới khiến người bệnh sợ hãi, đôi khi người bệnh có thể tìm cách tự sát (nên y văn còn đề cập tới tên “bệnh tự sát”). Bệnh này chẩn đoán cũng không dễ, nên không ít bệnh nhân bị nhổ nhầm một vài răng hàm nhưng không hết đau mới được chẩn đoán đau giật dây 5.

 

Để điều trị nó, có thể dùng thuốc chống động kinh; hoặc phải phẫu thuật giải phóng mạch máu quanh hạch; hoặc diệt hạch dây 5 (hạch Gasser) bằng tiêm hóa chất trực tiếp. Với phương pháp thứ 3 này, ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, thay vì tiêm hóa chất, giáo sư Xuân đã tiêm trực tiếp bằng nước sôi như đã trình bày ở trên.

 

Vẫn cơ bản với nguyên tắc này, tháng 4.2012, BS Giang và đồng sự thực hiện kỹ thuật tiêm diệt hạch dây 5 bằng cồn dưới hướng dẫn của máy chụp mạch DSA. Nhưng, dù tiêm nước sôi hay cồn, việc tiêm chúng vào não, dù có máy DSA “dẫn đường”, tôi vẫn không khỏi kinh hãi, bởi vì gì đi nữa đó cũng nơi tập trung hệ thần kinh trung ương.

 

Thấy tôi tỏ ra lo ngại về sự an toàn tính mạng của bệnh nhân, BS Giang cũng thừa nhận, quanh hạch này không chỉ có nhiều loại dây thần kinh mà cạnh đó là thân não và tuyến yên chỉ cách hạch thần kinh số 5 khoảng 5mm. Chỉ cần chệch một chút thôi thì... xong đời.

 

Nhưng anh cũng cho biết, đến nay BV Xanh Pôn đã điều trị khoảng 60 bệnh nhân đều cho kết quả tốt, dù trước đó họ đều có tiền sử đau từ 4-9 năm, có người đã bị tới 20 năm. Đặc biệt, có hai bệnh nhân đã qua phẫu thuật giải phóng mạch máu quanh hạch Gasser nhưng thất bại.

 

BS Bùi Văn Giang và công việc chấm dứt cơn đau cho người bệnh. Ảnh: HẢI NGUYỄN

BS Bùi Văn Giang và công việc chấm dứt cơn đau cho người bệnh. Ảnh: HẢI NGUYỄN

 

Nhưng BS Giang cũng thừa nhận, tác dụng không mong muốn của cách điều trị này là cảm giác tê bì lan rộng trên mặt. Tuy nhiên, dù biết vậy, nhưng bệnh nhân vẫn chấp nhận vì ít gây phiền hơn trước các cơn đau giật kinh hồn. Nhờ cách chữa này, từ con bệnh không thể cười, họ đã có thể vô tư cười ngay sau can thiệp của bác sĩ.

 

BS Giang trăn trở: Từ đầu năm 2014, Bệnh viện Xanh Pôn bắt đầu xử dụng điện cao tần thay cho cồn, hiệu quả vừa cao vừa an toàn hơn. Tuy nhiên, giá thành của phương pháp này cao hơn rất nhiều vì hiện chưa có thiết bị này, mỗi lần làm là phải đi thuê.

 

Theo Vương Hà
 Lao động