Thanh Hóa:

Choáng váng với những khoản thu “đè đầu” dân nghèo

(Dân trí) - Những người dân nghèo ở vùng bãi ngang ven biển thuộc thôn Phú Nhi, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) có cuộc sống nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua còn phải “gánh” thêm nhiều khoản thu mà theo người dân địa phương là "rất vô lý".

Theo phản ánh của người dân thôn Phú Nhi, xã Hưng Lộc, tháng 12/2016, sau khi thôn họp bàn thống nhất phương án, Trưởng thôn là ông Nguyễn Văn Vinh đã thay mặt Ban chỉ huy thôn ra thông báo “Thu các khoản đóng góp nghĩa vụ công dân trong vụ 10”.

Thông báo các khoản thu của thôn Phú Nhi
Thông báo các khoản thu của thôn Phú Nhi

Nội dung thông báo thu của Ban chỉ huy thôn Phú Nhi có 7 danh mục các khoản thu đóng góp như: Quỹ vận động xây dựng làng văn hóa, tiền trả nợ xây dựng đường bê tông, tiền trả nợ xây dựng công trình rãnh thoát nước, thu dịch vụ bảo vệ nghĩa trang, xây dựng đường bê tông thu theo đầu sào, thủy lợi và nạo vét kênh mương, hỗ trợ kinh phí ban dồn đổi ruộng đất.

Cụ thể, đối với khoản quỹ vận động xây dựng làng văn hóa được chi tiết hóa ra thành 18 nội dung thu. Trong đó có những khoản được liệt kê như: Chè nước cho cán bộ ngành - tổ an ninh xã hội là 16.350.000đ; phục vụ đám hiếu, vòng hoa, phúng viếng là 1.800.000 - 2.000.000đ; chi hỗ trợ cho các ngành 9.000.000 đồng; chè, thuốc hội họp, tiếp khách là 2.400.000 đồng; chi điều hành công việc của thôn 6.000.000 đồng; quỹ lễ hội đầu năm 40.000.000 đồng… Dự kiến số khẩu thu là gần 1.500 khẩu và tổng số tiền hơn 123 triệu đồng.

Trong đó, một khoản thu được chi tiết hóa ra 18 mục thu
Trong đó, một khoản thu được chi tiết hóa ra 18 mục thu

Đối với khoản “vận động” trả nợ xây dựng đường bê tông nội đồng, trước đây, thôn thu cả trẻ nhỏ mới lọt lòng cho đến các cụ cao niên. Tuy nhiên, trước sự phản đối của người dân nên lãnh đạo thôn Phú Nhi mới “sửa luật” theo hình thức đối phó.

“Thôn miễn giảm cho người già trên 70 tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi, nhưng lại tăng mức đóng góp từ 80.000 đồng lên 100.000 đồng. Việc làm của cán bộ thôn rõ ràng có nhiều điều mờ ám, không minh bạch, chúng tôi yêu cầu phải thông báo rõ ràng về tổng kinh phí quyết toán và thời hạn đóng góp đến bao giờ xong nhưng họ chỉ ỡm ờ cho qua chuyện”, một người dân thôn Phú Nhi bức xúc.

Còn anh V.V.T, thôn Phú Nhi cho biết, tình trạng lạm thu tại thôn Phú Nhi không mới mà đã diễn ra từ nhiều năm trước. Cán bộ tự đặt ra nhiều khoản thu vô lý, người dân đã nhiều lần phản đối lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, thế nhưng mọi việc vẫn tiếp diễn.

Khi được hỏi về công trình đường bê tông nội đồng, ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng thôn Phú Nhi không nắm được công trình dài bao nhiêu km, tổng kinh phí xây dưng là bao nhiêu? Ông Trưởng thôn dự trù kinh phí quyết toán vẫn thiếu gần 100 triệu đồng, phải huy động xong vụ 5 của năm 2017 mới đủ.

Từ lãnh đạo thôn cho đến xã khi đề cập đến vấn đề này đều cho rằng, người dân phản ánh là vì trong thông báo có khá nhiều hạng mục, chứ thực chất số tiền huy động không lớn và phù hợp với tình hình của địa phương (!?).

Qua tìm hiểu thì riêng vụ 10 năm 2016, người dân thôn Phú Nhi, hộ nào ít khẩu cũng phải nạp dăm ba trăm nghìn đồng, hộ nào đông người thì có thể lên đến tiền triệu. Cũng theo người dân phản ánh, sự việc tiếp diễn đã nhiều năm nay, mỗi năm 2 vụ thôn cứ “đè cổ” người dân ra vận động theo hình thức “tự nguyện sức dân”.

Hộ ít khẩu thì tiền trăm, còn những hộ nhiều khẩu thì đóng tiền triệu
Hộ ít khẩu thì tiền trăm, còn những hộ nhiều khẩu thì đóng tiền triệu

Được biết, thôn Phú Nhi có 420 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, trong đó 50% người dân sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, trên địa bàn vẫn còn hàng chục hộ nghèo và cận nghèo…

Trước đó, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 13601/UBND-VX, ngày 24/11/2016 về việc tiếp tục chấn chỉnh việc huy động đóng góp của nhân dân sai quy định. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại các khoản thu tại xã, phường, thị trấn theo đúng Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 16/7/2010 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, bãi bỏ ngay các khoản huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định hiện hành. Dừng ngay việc huy động đóng góp các qũy đã được bãi bỏ.

Việc huy động đóng góp của nhân dân thực hiện chương trình nông thôn mới phải thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế dân chủ được quy định tại Pháp lệnh số 34 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và phải phù hợp với sức dân. HĐND và UBND các cấp không được ra các văn bản đóng góp bắt buộc. Đồng thời, việc huy động đóng góp phải theo dự án, công khai phương án thu, mức thu; thực hiện đúng mục đích và quyết toán công khai, đúng quy định.

Người dân bức xúc trước việc lạm thu của chính quyền thôn
Người dân bức xúc trước việc lạm thu của chính quyền thôn

Đối với các khoản thu dịch vụ như quỹ dịch vụ sản xuất nông nghiệp, thủy lợi nội đồng, khuyến nông; phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm... phải do các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ thực hiện hợp đồng và trực tiếp thu, không tổ chức thu qua chính quyền xã, thôn trên nguyên tắc mức thu tương ứng với lợi ích cung ứng dịch vụ mà người dân được hưởng và phải đảm bảo công khai, dân chủ trong dân.

Đặc biệt, nếu còn để xảy ra tình trạng lạm thu, thu phí và các khoản đóng góp của nhân dân sai quy định, gây bức xúc trong nhân dân, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh và trước pháp luật.

Duy Tuyên