Cho vay ưu đãi gần 20 tỷ đồng/tàu vỏ thép ra Trường Sa, Hoàng Sa
(Dân trí) - 11 cá nhân, doanh nghiệp tại Quảng Ngãi được duyệt vay vốn đóng tàu vỏ thép công suất lớn để vươn khơi. Trong tổng giá trị con tàu hơn 23 tỷ đồng, 80% (tương đương 18,5 tỷ đồng) là tiền được vay với chính sách ưu đãi riêng biệt, dài hạn.
Báo cáo việc thực hiện lời hứa sau chất vấn tại kỳ họp thứ 6 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình gửi đến Quốc hội kỳ họp này nêu nhiều thông tin rất thời sự về chính sách lãi suất, hỗ trợ tín dụng cho ngư dân.
Cùng trong nhóm chính sách ưu đãi đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, thời gian qua đã liên tục điều chỉnh giảm mạnh, liên tục mặt bằng lãi suất thông qua việc giảm lãi suất điều hành, quy định trần và điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động làm cơ sở để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay; quy định trần và giảm dần mức lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Mặt bằng lãi suất cho vay đến cuối năm 2013 đã giảm mạnh. Từ tháng 8/2011 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khoảng 8-9%/năm, lãi suất cho vay giảm 9-10%/năm. Lãi suất đến cuối năm 2013 ở mức thấp, chỉ bằng 50% lãi suất năm 2011, tương đương với mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006.
Chính sách tín dụng áp dụng với ngư dân, ngư nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, từ tháng 4/2010 đã nêu rõ, ngư dân khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đóng tàu, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị phục vụ đánh bắt hải sản và bảo quản, chế biến được vay tối đa 50 triệu đồng không cần tài sản bảo đảm đối với các cá nhân, hộ dân sản xuất ngư nghiệp.
Còn theo chính sách tín dụng hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp được ban hành cuối năm 2013 thì các ngư dân vay vốn các ngân hàng thương mại để mua sắm các loại máy, thiết bị, ngư lưới cụ sử dụng trên tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% lãi suất từ năm thứ 3 trở đi.
Đối với các dự án đầu tư chế biến thủy sản (thiết bị làm lạnh, cấp đông, tái đông; sản xuất nước đá, đá vảy; thiết bị hấp sấy...) được vay vốn tại các ngân hàng thương mại theo lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm, để hỗ trợ tối đa, nâng cao đời sống ngư dân, gắn liền với bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo quốc gia, ngày 15/4/2014 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo và ngành ngân hàng cam kết sẽ triển khai gói hỗ trợ ngư dân 10.000 tỷ đồng, tập trung vào đóng tàu công suất lớn, cải hoán đánh bắt xa bờ, tàu hậu cần cho nghề cá, nuôi trồng thủy sản…
Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương và địa phương sẽ đối ứng hỗ trợ một phần lãi suất cho ngư dân. Ngành ngân hàng cũng sẽ triển khai thí điểm chính sách tín dụng hỗ trợ các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
Đối với chương trình thí điểm đóng tàu vỏ thép tại tỉnh Quảng Ngãi, báo cáo thực hiện lời hứa của Thống đốc Nguyễn Văn Bình thể hiện, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đẩy nhanh quá trình giải ngân cho ngư dân vay vốn theo phương thức cho vay theo cơ chế thương mại thông thường, với lãi suất ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng.
Đối tượng vay vốn là các tổ chức, cá nhân thuộc tỉnh Quảng Ngãi có nhu cầu vay vốn, có khả năng trả nợ vốn vay để thực hiện dự án đóng mới tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá có tổng công suất máy từ 400 CV trở lên, và được UBND tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn, phê duyệt phương án đầu tư đóng tàu.
Tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định phê duyệt danh sách 11 chủ đầu tư (bao gồm 9 cá nhân và 2 doanh nghiệp) được vay vốn đóng tàu. Tuy nhiên, Thống đốc cho biết đến ngày 26/11/2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh này mới phê duyệt hai phương án đầu tư đóng tàu vỏ thép của 1 doanh nghiệp.
Hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã đồng ý đầu tư cho vay với điều kiện chủ tàu phải bổ sung thêm tài sản thế chấp ngoài con tàu để đảm bảo cho khoản vay.
Cụ thể, tổng giá trị con tàu là 23,142 tỷ đồng, trong đó vốn tự có (20%) là 4,63 tỷ đồng, vốn vay (80%) là 18,51 tỷ đồng. Đồng thời, hai bên đã thống nhất sử dụng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của các cổ đông chủ chốt để bổ sung tài sản thế chấp.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cho rằng, việc đầu tư cho vay ngư dân để đóng mới tàu đánh cá thường có giá trị lớn, rủi ro cao trong khi thiếu các hình thức bảo hiểm nên không phù hợp với nguồn vốn tín dụng thương mại, mà cần phải có chương trình tín dụng ưu đãi riêng biệt và có tính chất dài hạn.
Ngoài ra, việc cho vay theo chương trình này còn có vướng mắc do giá trị con tàu không đủ điều kiện để phòng ngừa rủi ro cho khoản vay và khách hàng không có tài sản đảm bảo khác để bảo đảm cho khoản vay. Vì vậy, để giúp ngư dân đầu tư phương tiện đánh bắt cá hiện đại, cần có hệ thống chính sách đồng bộ, trong đó có sự hỗ trợ trực tiếp từ nguồn vốn ngân sách do Bộ Tài chính chủ trì cân đối.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng kết việc triển khai chương trình thí điểm tại Quảng Ngãi và đề xuất với Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần giúp ngư dân phát triển hoạt động đánh bắt cá xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển.
P.Thảo