"Chỗ tốt" trong tù - giá bao nhiêu?
Lâu nay dư luận xầm xì việc có những đường dây chạy "chỗ ở tù theo ý muốn", chuyện những đại gia vào tù vẫn sống sướng như tiên... Theo đó, muốn ở về trại tốt, gần nhà cho tiện thăm nuôi..., đều phải chung chi.
Chưa thể khẳng định có hay không những đường dây "chạy chỗ" như vậy. Tuy nhiên đã có căn cứ cho thấy một số cán bộ trại giam đồng ý nhận tiền của gia đình bị cáo để làm việc này.
Tiếp cận
Ngày 19/12/2005, tại phiên tòa hình sự phúc thẩm của TAND TPHCM, một bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích bị tuyên phạt 4 năm tù và bồi thường cho người bị hại hơn 70 triệu đồng.
Dưới hàng ghế cử tọa, nhiều người thân của bị cáo khóc sụt sùi. Thấy vậy, một cô gái cũng ngồi dự tòa nói: "Nó ở tù có nhiêu đó mà khóc lóc cái nỗi gì! Ngu gì mà bồi thường nhiều như thế, chỉ cần 5 triệu đồng là chỉ ở có 2 năm thôi. Để lại số tiền phải bồi thường mà "chạy", vừa tốn ít mà ở trong tù nó cũng sướng!...". Thấy lạ, phóng viên tiếp cận cô gái này, về cùng đường và được cô gái cho biết tên và số điện thoại liên lạc.
Hôm sau, gọi điện thoại cho Ngọc - tên cô gái (đã được đổi), giới thiệu là "anh của bị cáo hôm qua", biết Ngọc có thể lo được ở tù như ý nên muốn gặp nhờ giúp đỡ. Ngọc bảo do biết rành "đường đi nước bước" và "thày lay" (lau chau) nên mới nói vậy, nhưng nếu cần, cô sẵn sàng chỉ giúp. Ngọc hẹn gặp tại một quán cà phê ở đường Gò Dầu, quận Tân Phú.
Muốn "chạy" phải quen cán bộ
"Anh em nhà bị cáo" kể lể: "Do "cậu của chúng tôi" (tức bố của bị cáo) không biết gì nên ngoài chuyện con phải ở tù đến 4 năm lại phải bồi thường đến hơn 70 triệu đồng, đã đưa trước 5 triệu thi hành án...".
Ngọc giãy nảy: "Sao ngu thế! Về bảo với cậu anh là không đưa đồng nào cả. Họ muốn đòi thì cứ bảo là để thằng con ở tù ra làm mà trả. Nó trên 18 tuổi rồi mà! Để tiền đó mà "lo" việc ở tù cho nó. Nói thật, ở tù không có tiền thì khổ lắm! Có tiền, mỗi tháng chỉ cần đóng vài trăm ngàn là khỏe re... Lúc đầu em cũng không biết nhưng vì chồng hờ của em bán ma túy, bị xử chung thân và em lo nên biết rất rành...!".
Theo Ngọc, muốn đi trại Bố Lá (Hàm Tân) hay ở lại Chí Hòa... theo ý muốn đều phải chi nhiều triệu đồng. Ở trại, muốn lao động ở căn-tin hay lao động nhẹ phải chi tiếp số tiền tương đương...
Ngỏ ý muốn gặp cán bộ mà Ngọc quen, lập tức cô lấy điện thoại di động ra, bấm tên cán bộ trong máy cho xem rồi nhanh chóng gấp lại. Rồi Ngọc kể chuyện của mình từ khi bắt đầu tiếp xúc với cán bộ điều tra, kiểm sát, xét xử đến cán bộ trại giam. Theo cô, cán bộ trại giam Chí Hòa là quan trọng nhất...
5 triệu đồng để được về Bố Lá
Ngọc kể, mới học hết lớp 5 nên lúc đầu cũng "tay mơ" lắm. Tuy vậy, ngay từ khi hồ sơ người "chồng hờ" của mình chuyển sang tòa án thì cô tìm cách kết thân với cán bộ tòa. Biết được người thụ lý hồ sơ, Ngọc chờ đến hết giờ hành chính và bám theo đường cán bộ tòa về nhà.
Có hôm người thư ký tòa rẽ vào quán nhậu, cô phải chờ ngoài mưa đến gần nửa đêm. Lúc cán bộ này loạng choạng dẫn xe ra, chạy được một đoạn, Ngọc mới ép xe lại, nhắc về vụ án của "chồng" mình và làm quen...
Theo Ngọc, dù không có tiền nhưng quen thân rất có lợi vì họ sẽ nhiệt tình "chỉ bảo" cho... Cô tỏ ra tiếc nuối do bố chồng lấy hết tiền nên không có khả năng lo cho anh ta chứ có thì mọi chuyện sẽ dễ lắm!...
Đến đây, Ngọc bắt đầu rưng rưng: "Em rất khổ, còn trẻ, sống như vợ chồng với anh ấy hai năm nhưng bên gia đình anh ấy không chấp nhận. Lúc anh ấy bị bắt, người bố từ Bắc vào lấy hết 160 triệu đồng rồi bỏ bê luôn. Em phải ra vỉa hè mở quầy bán quần áo cũ sống qua ngày để lo cho anh ấy. Ngày thăm nuôi nào em cũng vào và quen thân với cán bộ trại. Mấy anh cán bộ trại Chí Hòa bảo nếu đóng 5 triệu đồng thì sẽ đi trại Bố Lá và cải tạo tốt thì 12 năm là ra trại. Nhưng chồng em kháng cáo. Do án chưa có hiệu lực nên chưa phải đóng nhưng em cũng đang xoay tiền sẵn...".
Trước khi chia tay, Ngọc hứa sẽ giới thiệu cho làm quen với người cán bộ kia nhưng nhắc gia đình phải bàn bạc kỹ về việc muốn cho con ở trại nào...
Ở lại Chí Hòa: Hộ khẩu tỉnh thì... giá cao?
Hai ngày sau, gặp lại Ngọc để nhờ dẫn đến gặp anh cán bộ trại giam mà cô quen. Nhanh nhảu, Ngọc nói: "Em đang ở chỗ anh T. đây, có gì anh nói chuyện trực tiếp với anh ấy. Vì chồng em bị phạt do hút thuốc lào trong trại, không thăm nuôi được, muốn đưa cho chồng mấy trăm ngàn nên phải thông qua anh T.", nói rồi Ngọc đưa máy cho chúng tôi nói chuyện với T.
Xin một cuộc hẹn nhưng T. chưa hẹn gặp ngay. Hôm sau, gọi cho T. thì được hẹn gặp ở quán cà phê 99 đường Hòa Hưng (trước cổng trại giam Chí Hòa) vào buổi trưa.
Chị chủ quán cho biết T. là cán bộ trại, khách quen... Qua tìm hiểu được biết người cán bộ này tên thật là Cao Lâm T., đại úy, là cán bộ quản giáo khu vực A-B (tức dãy tù nhân án chung thân hoặc tử hình) của trại Chí Hòa.
Nghe kể về vụ việc và "hoàn cảnh", T. hỏi: "Nguyện vọng của gia đình là cho bị cáo về trại nào?". Nghe nói tới trại Chí Hòa, T. nói ngay: "Hộ khẩu tỉnh là rất khó!". Dạm hỏi một trường hợp khác - bị cáo phạm tội buôn lậu, xin về trại Hàm Tân, T. bảo: "Những trường hợp này đều rất khó nên giá cao chứ không phải như của Ngọc đâu! Vì tù chung thân như chồng Ngọc do trại chủ động làm hồ sơ nên dễ hơn. Còn án tù có thời hạn thì phải thông qua T40, tức trại Bố Lá nên khó...".
Lại nói: "Nghe Ngọc nói 5 triệu nhưng gia đình chấp nhận giá từ 10 đến 15 triệu...!", T. bảo ghi tên tuổi cụ thể của hai bị cáo ra giấy để anh ta hỏi lại.
T. bấm máy điện thoại cho ai đó, nói: "Đại ca à? Em có trường hợp bị xử 4 năm, tội cố ý gây thương tích, hộ khẩu tỉnh, định xin ở lại Chí Hòa, có lo được không?...". Sau đó T. cho biết: "Chắc là được nhưng bao nhiêu thì chưa biết, phải bàn lại. Nhưng chắc chắn muốn ở lại Chí Hòa thì bị cáo phải chạy "sô" (một biện pháp nghiệp vụ được T. giải thích cặn kẽ nhưng PV không tiện viết ra).
Cứ nói với "cậu anh" đến thăm nuôi, hỏi xem "nó" có đồng ý không rồi hãy tính!...".
Phải tạm ứng một ít PV: Nghe Ngọc bảo 5 triệu nhưng bọn em xác định khoảng 10 đến 15 triệu vì không cần bồi thường nữa mà lấy tiền đó chạy nên cũng đỡ hơn... T.: Khoảng đó! Đã đi tù rồi còn bồi thường gì nữa! Có điều là đến đợt xét đặc xá thì nên đóng một phần để được xét. Ở đây, án chung thân dễ hơn vì trại trực tiếp làm hồ sơ chuyển đi nên rẻ hơn. Như trường hợp của Ngọc, 5 triệu là mới nói chứ cũng đâu đã có tiền... PV: Trường hợp tội buôn lậu ấy, tòa xử 3-5 năm, đi Hàm Tân có được không? - T.: Khó đấy! Ở đó người nhiều tiền mới ra được. Nếu xác định nhiều thì ra đó sướng lắm, ở tù như đi nghỉ mát. Còn không thì khổ lắm, làm quần quật suốt ngày. Có tiền thì hằng tháng đóng khoảng trăm ngàn là được... PV: Tiền thì tay này không thiếu. T.: Ừ, buôn lậu mà! Nhưng để tôi hỏi lại đã... Muốn gì thì cũng phải tạm ứng một ít trước. Nếu không lo được thì người ta trả lại cho chứ nhiều khi lo xong việc thì hay có màn "đi" luôn lắm... (Trích băng ghi âm với đại úy Cao Lâm T. tại quán cà phê ở đường Hòa Hưng) |
Theo Thanh niên/Pháp Luật TPHCM