1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hà Nội:

Chợ tiền tỷ 3 năm nằm “thoi thóp”

(Dân trí) - Gần 3 năm nay kể từ ngày khánh thành, khu chợ Xanh Văn Quán - Yên Phúc thường xuyên trong cảnh hiu hắt, vắng khách. Các tiểu thương ngán ngẩm song vẫn phải đóng tiền để giữ chỗ “chờ thời”. Trong khi chợ cóc ngay gần đó vẫn nhộn nhịp sớm chiều.

Chợ tiền tỷ hiu hắt

Chợ Xanh Văn Quán - Yên Phúc (thuộc địa bàn phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) nằm ngay sát đường Nguyễn Khuyến, trục đường chính chạy dọc khu đô thị Văn Quán. Một cổng chào khá lớn đề tên chợ được dựng lên ngay sát đường, đầu lối dẫn vào chợ.

Tuy nhiên, bước vào bên trong, không ai dám nghĩ đây là khu chợ trung tâm, là nơi phục vụ chủ yếu cho nhu cầu mua bán lương thực thực phẩm của người dân khu đô thị Văn Quán. Gần 3 năm nay, chợ dường như chỉ “thoi thóp” thở, tiểu thương chán ngán vì buôn bán ế ẩm.
 
Chợ tiền tỷ 3 năm nằm “thoi thóp” - 1
Một góc chợ Xanh Văn Quán - Yên Phúc.

9h sáng, có mặt tại khu chợ này, chúng tôi chứng kiến không khí trầm lắng, yên ả lạ thường, khác hẳn với hầu khắp các khu chợ khác. Cả khu chợ rộng thênh thang với hàng trăm ô chỉ có vài sạp hàng được bày bán. Một hàng ăn sáng với lèo tèo 2-3 vị khách; chị chủ hàng quần áo uể oải mở cửa, bày ra sàn xi-măng trải bạt hơn chục bộ quần áo trẻ em bọc trong những chiếc túi ni-lông đã bám bụi; anh hàng gà vịt nhẩn nha ngồi rít thuốc lào, thi thoảng mới làm đôi ba con gà, con chim cho khách đặt hàng qua điện thoại.

Quanh chợ, nhiều nơi biến thành chỗ cho rêu bám, cỏ mọc. Những chiếc tủ kính đứng lặng lẽ, phủ trên mình tấm vải dày đặc bụi. Nhiều vòi nước đã gãy van, mạng nhện chăng đầy...

Anh Trần Sơn Bách, nhà trong khu tập thể An ninh, cho biết: “Tôi mới chuyển về đây, trong khu lại không có chợ, chỉ có mấy nhà bán rau, bán thịt lẻ tẻ. Hỏi trong khu, người ta chỉ tôi ra khu chợ này. Ra đến nơi, tôi giật mình vì trong chợ chẳng có mấy hàng hóa gì, có khi còn ít hơn những gia đình bán lẻ trong ngõ nhà tôi.”

Nhiều người dân trong khu đô thị Văn Quán cũng lâm vào cảnh như anh Bách, đến chợ Xanh đôi lần rồi đành phải đi nơi khác mua hàng.
 
Chợ tiền tỷ 3 năm nằm “thoi thóp” - 2
Trong kiốt quần áo của chị Vân có những mẫu còn tồn từ năm 2007.

Hợp đồng thuê chỉ 1 ô để buôn bán gia cầm, song gia đình anh Nguyễn Ngọc Võ vẫn vô tư sử dụng tới 3-4 ô khác bên cạnh mà không bị ai ý kiến. Theo anh Võ, không chỉ gia đình anh mà nhiều nhà khác còn bám trụ tại đây đều “thoải mái” như vậy. Lý do đơn giản là các ô này đều bỏ trống, chủ đóng tiền rồi nhưng không buôn bán được nên phải đi bán nơi khác.

Bên cạnh những ô dành cho bán hàng tươi sống, nhiều kiốt trong chợ vào giờ “cao điểm” khi chúng tôi có mặt vẫn trong tình trạng khoá kín cửa. Anh Võ cho hay: “Hồi đầu mới mở, nhiều người vào bán hàng lắm. Song chỉ được 1 thời gian ngắn, chợ lại vắng ngắt. Khách mua hàng không có, người ta chuyển hết ra chỗ khác bán. Bây giờ trong chợ chỉ còn khoảng chục hộ bám trụ lại, dựa vào các mối hàng quen để không bị lỗ”.

Trước cửa kiốt quần áo nhà chị Nguyễn Thị Vân, hàng chục ma-nơ-canh xếp đống bên cạnh la liệt móc quần áo hoen gỉ. Nhìn cảnh hiu hắt của khu chợ chị Vân không giấu nổi lo lắng: “Chợ vắng thế này thì ai chẳng lo. Đống quần áo nhà tôi và cả mấy nhà bên kia nữa, đã lỗi mốt lâu lắm rồi mà có bán được đâu. Nhiều nhà hồi trước tết đem hết ra vỉa hè thanh lý mà vẫn không hết được. Không có khách song ngày nào chúng tôi cũng phải ngồi từ sáng đến tối, chẳng biết làm gì, không lẽ lại đóng cửa”.

Chợ cóc “lộng hành”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ Xanh Văn Quán - Yên Phúc đi vào hoạt động từ cuối năm 2007. Mỗi ô hàng diện tích 9m2 tại chợ có giá thuê khoảng trên 5 triệu đồng/năm, chưa kể điện nước. Trong khi đó, buôn bán lại ế ẩm, có khi ngồi cả ngày cũng chẳng có khách hỏi mua. Chính vì vậy, nhiều tiểu thương vẫn đóng tiền để giữ chỗ song phải buôn bán nơi khác. Không ít người ra ngay khu chợ cóc cách đó chừng 300m để bán hàng.
 
Chợ tiền tỷ 3 năm nằm “thoi thóp” - 3
Sạp hàng bày ra chỉ để mở cửa chứ không dám hy vọng có khách đến “khuân” mấy đồ lỗi mốt này.

Khu chợ cóc (tên thường gọi là chợ Gò) nằm trên địa bàn phường Văn Quán luôn đông đúc người bán kẻ mua do khá tiện đường đi lại. Giờ tan tầm buổi chiều, nhiều hôm chợ chật cứng, không còn chỗ đi lại. Điều đáng nói là các quầy bán thịt cá, các “lò mổ” gia cầm tại chợ vô tư xả rác và nước thải bừa bãi, rất mất vệ sinh.

Theo các hộ bán hàng trong chợ Xanh, khu chợ cóc này chính là “thủ phạm” của tình trạng hiu hắt, vắng khách của chợ Xanh. Chợ vắng, hàng ít dần đi, nhiều người dân trong khu đô thị Văn Quán muốn có một khu chợ vệ sinh sạch sẽ để mua bán nhưng đành phải ghé qua chợ cóc.

Chị Bùi Thị V. (CT8B - khu đô thị Văn Quán) thở dài: “Hồi mới chuyển về, tôi cũng có đi chợ Xanh. Nhưng rồi thấy có ít hàng bán quá nên bây giờ thi thoảng tôi mới ghé vào mua ít hàng khô. Còn thực phẩm tươi sống đều phải ra khu chợ cóc mua. Chợ xây đẹp mà bỏ thế này thật là lãng phí”.
 
Trong khi chúng tôi đến tìm hiểu tình trạng hiu hắt của chợ, hàng chục hộ kinh doanh chạy ra “tố khổ” với phóng viên. Tuy nhiên, một người đàn ông tên Tiến tự xưng là Trưởng Ban quản lý chợ đứng ra yêu cầu chúng tôi muốn tìm hiểu phải làm việc với BQL chợ. Sau khi xuất trình các loại giấy tờ, người này lại yêu cầu chúng tôi phải lên Công ty TNHH Nhà nước một thành viên dịch vụ nhà ở và khu đô thị - đơn vị cấp trên của BQL, để xin ý kiến mới được làm việc với BQL.
 
Chợ tiền tỷ 3 năm nằm “thoi thóp” - 4
Chợ Xanh “thoi thóp” đã gần 3 năm nay.

Giải thích vấn đề này, ông Tiến nói rằng đó là quy định của cơ quan. Song khi chúng tôi hỏi kỹ hơn về quy định này, ông Tiến lại nói rằng ông mới về nên không nắm được.

Về khu chợ cóc bị nhiều tiểu thương quy là “thủ phạm” trên, ông Bạch Đăng Công - Chủ tịch phường Văn Quán - cho hay, khi xây dựng chợ Văn Yên, các hộ buôn bán đã chuyển về đây. Hiện tại, phường đang xây dựng một khu chợ khác để chuyển chợ tạm này về, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân.

Tiến Nguyên