1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cho thuê nhà công, tư nhân hưởng lợi

Căn nhà hai mặt tiền với diện tích trên 700 m2 trị giá hàng ngàn lượng vàng tại số 211 Nguyễn Thái Học, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM, là tài sản nhà nước. Nhưng hơn mười năm qua, căn nhà này lại được Công ty Kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản đem cho thuê, hưởng lợi nhiều tỉ đồng.

Giữ nhà nhà nước làm “của riêng”!

 

Từ phản ảnh của nhân dân về tình trạng nhà 211 Nguyễn Thái Học, do Công ty Thủy sản khu vực 3 cho thuê thu lợi bất chính, đầu tháng 12/1993, Công ty Quản lý kinh doanh nhà thuộc Sở Nhà đất TPHCM đã tiến hành kiểm tra, xác minh. Kết quả cho thấy nguồn gốc căn nhà do vợ chồng ông Võ Văn Thêm làm chủ sở hữu. Giờ ông Thêm đã chết, các con đều đã đi nước ngoài trước giải phóng. Nhà còn lại một người con dòng nhỏ và một người con rể sử dụng.

 

Năm 1977, người con dòng nhỏ đã cho Công ty Thủy sản khu vực 3 sử dụng căn nhà 211 Nguyễn Thái Học làm nơi chứa hàng hóa thủy sản. Lúc này, phường Phạm Ngũ Lão đã có báo cáo và đề nghị quận 1 đưa căn nhà này vào diện Nhà nước quản lý, nhưng không được thực hiện.

 

Năm 1979, người con dòng nhỏ đi nước ngoài, Công ty Thủy sản khu vực 3 sử dụng nhà đến tháng 7/1992 thì cho Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn thương tín (Sacombank) thuê với thời hạn mười năm, giá thuê 2.000 USD/tháng. Khi được kiểm tra, Công ty Thủy sản khu vực 3 không xuất trình được chứng từ gì cho phép quản lý căn nhà này.

 

Căn cứ vào các qui định, Công ty Quản lý kinh doanh nhà đề nghị Sở Nhà đất có quyết định thu hồi và quản lý nhà 211 Nguyễn Thái Học. Tháng 4/1995, Sở Nhà đất báo cáo với UBND TPHCM, cũng xác định nhà 211 Nguyễn Thái Học thuộc diện Nhà nước quản lý, đồng thời kiến nghị UBND TP ra quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước, giao Sở Nhà đất kiểm kê quản lý, thu hồi căn nhà...

 

Tiếp đó, tháng 10/1995, UBND TP chỉ đạo Sở Nhà đất soạn thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính giải quyết theo hướng quốc hữu hóa nhà 211 Nguyễn Thái Học (diện vắng chủ), kiểm tra thu hồi khoản ngoại tệ đã cho thuê... Tuy nhiên, không hiểu thế nào mà các kết quả kiểm tra xác minh cũng như kiến nghị nói trên đều không được thực hiện.

 

Sau khi hết hạn hợp đồng thuê mười năm (1992-2002), Công ty Thủy sản khu vực 3 lại tiếp tục ký hợp đồng cho Sacombank thuê căn nhà này. Đáng lưu ý là vào tháng 3/1997, Công ty Thủy sản khu vực 3 sau khi sáp nhập vào Tổng công ty Hải sản biển đông (Bộ Thủy sản) trở thành Công ty Kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản, đã có văn bản đề nghị Bộ Thủy sản ra quyết định giao chính thức cho công ty quản lý ngôi nhà này. Theo cách nói của công ty là “để khỏi tranh chấp với địa phương!”.

 

Coi chừng tài sản nhà nước bị mất

 

Trong khi đó, Công ty Kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản hiện đang tiến hành cổ phần hóa theo quyết định của Bộ Thủy sản. Tại một văn bản gửi bộ trưởng Bộ Thủy sản tháng 3/2005, công ty không hề đề cập đến việc cho thuê trái phép nhà 211 Nguyễn Thái Học, mà lại nói rằng “đã quản lý và sử dụng căn nhà gần 30 năm nay, hằng tháng phải đóng thuế đất theo qui định, đồng thời luôn tu sửa, bảo quản và khai thác có hiệu quả”.

 

Đáng lưu ý hơn, theo biên bản cuộc họp xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ngày 30/3/2006, đơn vị kiểm toán xác định giá trị căn nhà “vàng” nói trên chỉ có... hơn 835 triệu đồng, tức chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2 . Tại kỳ họp HĐND TPHCM từ 9 đến 12/12 vừa qua, trưởng ban kinh tế - ngân sách Nguyễn Minh Hoàng đã chất vấn và bức xúc cho rằng tài sản của Nhà nước sẽ mất nếu Công ty Kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản cổ phần hóa. “Nếu các cơ quan có thẩm quyền không ngăn chặn kịp thời, nhà công sẽ biến thành nhà tư” - ông Hoàng nhấn mạnh.

 

Trả lời ý kiến này, giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Dũng cho biết từng đề nghị giao căn nhà về cho thành phố quản lý nhưng đã không được giao. Ông Dũng “hứa” trong quá trình thực hiện quyết định  80 của Chính phủ về việc kiểm tra lại toàn bộ địa chỉ nhà đất mà các cơ quan, đơn vị đang quản lý sẽ đề nghị giao căn nhà 211 Nguyễn Thái Học cho thành phố quản lý, vì tài sản nhà nước đang cho thuê, không phục vụ cho sản xuất kinh doanh...

 

Theo Võ Hồng Quỳnh

Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm