1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chợ phiên "cổ tích" xứ Thanh

(Dân trí) - Nếu như những ngày này tại các chợ lớn, nhỏ của Hà Nội, giá cả leo thang từ cân rau, cân thịt đến từng nắm lá dong, lá mùi thì giá cả ở cái chợ Vàng xã Yên Thịnh, huyện Yên Định (Thanh Hoá) thực sự là giá của xứ sở cổ tích.

Có tiền, về chợ Vàng mà tiêu...

28 Tết là phiên chợ Vàng cuối cùng trong năm của cả xã Yên Định (Thanh Hoá). Phải đến sau 15 tháng giêng, ở đây mới có một phiên chợ nữa. Hơn 100 nhân khẩu của cả làng đều trông chờ mang về nhà cái hương vị Tết từ phiên chợ cuối cùng này.

Ở Hà Nội, chiều 28 Tết, tại những chợ như Thành Công, Láng Hạ, Kim Liên, giá thịt lợn đã lên đến 100.000 đ/cân, đắt gần gấp đôi so với thông thường, giá rau như cải bó xôi cũng từ 7, 8.000 đ/cân lên thành 15 đến 20.000đ/cân...

Giá của chợ Vàng thì có mức đến bất ngờ. Thịt lợn chỉ có từ 45 đến 50.000 đ/cân. Mặc dù chúng được bày bán trên những tấm bạt rải tạm bợ trên nền chợ nhưng cũng khá tươi ngon. “Vì là của người làng bán cho người làng cả. Không ngon thì làm sao ngày Tết còn dám nhìn mặt nhau”, chị Thanh, một người bán thịt kể lể.

Chợ phiên "cổ tích" xứ Thanh - 1

Thịt lợn nhà nuôi khá tươi ngon. (Ảnh: MM)

 

Cũng theo chị Thanh người bán thịt lợn ở đây toàn là lợn của nhà do họ tự nuôi từ tháng 5, tháng 6, đến Tết đợi phiên chợ Vàng 28 Tết bán đề lấy tiền mua cho cái quần, cái áo cho con. Lợn ở đây cũng toàn là lợn sách cả, không phải ăn những thức ăn siêu tốc hay tăng trọng gì cả. Cứ nấu lên là biết ngay. Không như lợn bán ở thành phố, nấu lên là ra kèm theo một chảo nước và lại còn mùi hôi! Người nhà quê tuy ít tiền mà vẫn sống khoẻ hơn người thành phố!

Nếu như ở Hà Nội, thời điểm này mà ra chợ, có đồng 500, 200 khó lòng tiêu thì ở chợ Vàng, với một mớ tiền lẻ 500 đ và 200 đ có thể “tha” về khối thứ.

500 đồng ở chợ Vàng có thể mua được đến 1 kg gừng nếp, những nhánh gừng nhỏ, vàng ươm và thơm phức. Cũng 500 đồng có thể mua về một lùm lá xả to đùng, thêm 500đ lá mùi là đã có một nồi nước tắm thơm lừng cả 3 ngày Tết, chị Lan vừa ôm một ôm lá, vừa rảo bước vừa khoe như vậy.

Chị đang chuẩn bị một nồi nước lá thơm để tắm “tất niên” cho thằng cu, cái hĩm nhà chị tối 30. “Trời rét quá, phải 3 tuần nay bọn trẻ nhà tôi không tắm rồi đấy! Năm nào cũng đợi phiên chợ này để mua lạt gói bánh chưng và đầy đủ lá thơm tắm cho bọn trẻ”.

Cũng 500 đồng một cây cải bắp, hai củ su hào, ba mớ cải cúc... Chuối xanh, bưởi vàng thì chỉ từ 5 đến 10.000 đồng là cùng. Chỉ vài chục nghìn là có thể thoải mái... sắm Tết! Sự thực mà như đùa. Trong thời buổi bão giá thế này, chợ Vàng thực sự như là phiên chợ cổ tích!

Chợ phiên "cổ tích" xứ Thanh - 2

Bưởi, bòng giá từ 5.000 đến 10.000 đồng (Ảnh: MM)

 

Như một niềm ao ước

Chợ Vàng phiên cuối cùng được đón đợi như một thông điệp chính thức của mùa xuân nơi đây. Không như những phiên chợ diễn ra ngày thường ở xã Yên Định 3 ngày/phiên, phiên chợ tất niên này diễn ra từ lúc 4h sáng với tiếng cười tiếng nói xôn xao và người ta bầy bán hàng cả hai bên đường trước khi vào cổng chợ.

Không thể tìm thấy được bất cứ thứ đồ gì của “thành phố” ở chợ Vàng. Vì cả người mua và người bán ở đây có mấy người được ra đến thành phố bao giờ. Cách thành phố Thanh Hoá khoảng hơn 40 km, Yên Định là một trong những huyện rất nghèo của Thanh Hoá.

Dù chỉ với 500 đồng có thể mua được khối thứ ở đây nhưng người dân vẫn phải trả từ 1.000 đến 1.500 đ cho một số điện sinh hoạt (ngay từ số đầu tiên cũng giá như vậy). Chỉ khoảng 6h chiều là cả làng như đã chìm trong bóng tối. Những bóng đèn tuýp ở một vài nhà khá giả của làng chỉ hắt ra được những khoảng sáng mỏng manh như những làn khói trắng mờ trong màn đen cô tịch.
 
Trẻ con và cả người lớn ở cái làng này, hơn ba tuần qua, rét căm căm như vậy nhưng chẳng mấy người được... đi tất. Đơn giản là vì nếu muốn mua được đôi tất, họ phải đi cách xa đó khoảng 10 km về cái thị trấn có tên là Kiểu thì mới mua được.

Chị Lan kể, đợt rét vừa qua, tôi trùm mấy cái khăn, rồi nhét hết rơm vào khe cửa mà vẫn không thể ngủ được vì buốt hết cả đầu. Gớm sao rét gì mà rét thế!

Chợ Vàng rất sẵn thịt, sẵn rau nhưng không có quần áo và quạt sưởi để "cháy hàng" như Hà Nội mấy ngày vừa qua. Vì nếu có, ở đây cũng làm gì có mấy người có đủ tiền mà mua!

Dù vậy, mỗi năm một lần, chợ Vàng cũng có một phiên đặc biệt đón Tết mà người ta đến đây để mua, bán và trao nhau những niềm vui hân hoan trong không khí náo nức của mùa xuân. Đồ để bán chỉ là những thứ mà người ta tự trồng được, nuôi được nhưng ai cũng háo hức đến để mua, để mang về nhà mình không khí Tết.

Đến chợ phiên cuối cùng mới càng thấy thấm thía một điều dù rất cũ: Giàu hay nghèo, trước thềm xuân, hầu như ai cũng những niềm vui thật giống nhau. Nhưng người nghèo, có lẽ họ cũng sẽ vui hơn vì họ có... ít thứ để ao ước hơn.

Như ở phiên chợ Vàng, chỉ vài chục nghìn là người ta đã có cả một mùa xuân...

Đoàn Trần