Thanh Hóa:
Chờ dự án, dân phải đánh cược mạng sống với cầu phao
(Dân trí) - Năm nào cũng có người tử vong khi đi qua cầu phao Vồm. Bao nhiêu năm qua, người dân trông chờ một cây cầu mới nhưng khi có điều kiện cải tạo, chính quyền lại loay hoay tìm hình thức đầu tư.
Trung bình mỗi năm 2 người thiệt mạng khi qua cầu
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên cầu phao Vồm, bắc qua sông Chu, nối xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) và xã Thiệu Hợp (huyện Thiệu Hóa) khiến 2 người thiệt mạng vào sáng 16/9 đã cảnh báo về tình trạng mất an toàn trên các cầu phao, cầu tạm thuộc địa bàn huyện Thiệu Hóa, nhất là vào mùa mưa bão.
Trong số các cầu phao, cầu tạm trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, cầu phao Vồm là điểm nóng nhất về tình trạng mất an toàn và đây cũng là nơi có lượng người, phương tiện qua lại đông nhất. Được Sở GTVT cấp phép hoạt động nhưng nhiều năm trở lại đây, cầu phao Vồm đã xuống cấp nghiêm trọng.
Cầu có chiều dài khi nước lớn là 228m, rộng 2,5m; làm bằng vật liệu luồng, thiết kế cho người đi bộ và xe máy (phải dắt bộ) qua. Phao cầu là những thùng phuy cũ kỹ, móp méo; mặt cầu vá chằng vá đụp bằng tre luồng và những thanh gỗ chẳng cái nào gắn cái nào. Mỗi khi có nhiều người đi qua, cây cầu phao ọp ẹp, rệu rạo, lắc lư. Do nhiều người rơi xuống sông quá nên đơn vị thu phí qua cầu mới lắp thêm lan can cầu kiểu tạm bợ bằng những thanh luồng, sắt nham nhở…
Việc sửa chữa hư hỏng còn sơ sài, các tấm ván nối từ cầu lên bờ được đặt rất tạm bợ, không bảo đảm an toàn. Dù là cây cầu phao cũ kỹ, mục nát, không đảm bảo an toàn nhưng mỗi ngày có hàng nghìn người, xe máy qua lại.
Mỗi người đi qua phải nộp 5.000 đồng, nếu 2 người đi 1 xe máy phải nôp 7.000 đồng. Không có vé, chỉ cần nộp tiền là cho qua.
Theo ông Lê Tiến Vinh – Chủ tịch UBND xã Thiệu Khánh, mỗi năm xã khoán cho đơn vị này vài chục triệu đồng. Bên kia đầu cầu UBND xã Thiệu Hợp cũng làm tương tự.
Do cầu mục nát, hư hỏng nên năm nào, cũng có người thiệt mạng khi đi qua cây cầu này. Chưa ai thống kê số người và xe máy bị rơi xuống sông nhưng số người tử vong thì chỉ tính từ năm 2013 đến nay đã có tới 6 người.
Sinh mạng người dân đang bị bỏ ngỏ?
Năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hoá đã cho lập dự án đầu tư cầu cứng Thiệu Khánh thay thế cầu phao Vồm. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí nên dự án chỉ trên giấy.
Đang lúc khó khăn thì vào tháng 6/2014, Bộ GTVT khởi công xây dựng cầu cứng thay thế cầu phao Thắm và cầu phao Bút Sơn. Đây là hai cầu phao bằng sắt, xe cơ giới có thể đi qua, dù đã cũ kỹ, nhưng so với cầu phao Vồm thì hai cầu này còn tốt hơn gấp nhiều lần.
Hai đơn vị là TP. Thanh Hoá và huyện Hậu Lộc đã cùng xin 2 cầu phao sắt này để đưa về địa phương. Tại QĐ số 1150/QĐ-UBND ngày 1.4.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá quyết định… chia đều 2 cây cầu phao cho Hậu Lộc và TP. Thanh Hoá. Theo đó, huyện Hậu Lộc được 1 cano và 1 phà từ cầu phao Thắm trị giá còn lại trên 242 triệu đồng để nâng cấp đò Gảnh. TP. Thanh Hoá được 2 ca nô, 3 phà còn lại và toàn bộ phao của cầu phao Thắm và cầu phao Bút Sơn với giá trị còn lại trên 1,3 tỉ đồng để thay thế cầu phao Vồm.
Ngày 15/4/2016, ông Đào Trọng Quy – Chủ tịch UBND TP. Thanh Hoá đã ký quyết định giao tài cho UBND xã Thiệu Khánh quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả. Nhận được tài sản trên, dù chỉ là cây cầu phao cũ nhưng cán bộ, nhân dân địa phương rất mừng. Đích thân Bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch UBND xã đi nhận, thuê đơn vị chức năng kéo về trong sự hân hoan, chờ đợi thoát cảnh đi qua cầu phao cũ lo rớt xuống sông.
Ngày 20/4/2016, UBND xã Thiệu Khánh làm tờ trình gửi UBND TP. Thanh Hoá xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp cầu phao Vồm trên cơ sở tài sản được giao từ phà Thắm và Bút Sơn. Ngày 29/4, ông Đào Trọng Quy có văn bản đồng ý giao UBND xã Thiệu Khánh lập báo cáo đầu tư cải tạo cầu phao Vồm theo Luật Đầu tư công. UBND xã Thiệu Khánh nhanh chóng bắt tay vừa chuẩn bị các phương án cải tạo cầu phao Vồm vừa lên phương án đầu tư.
Tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng, thế nhưng ngày 5/5, tại công văn số 71/TB-UBND, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Anh Tuấn lại tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Thiệu Hoá, UBND TP. Thanh Hoá… đề xuất phương án và hình thức đầu tư.
Theo ông Lê Tiến Vinh – Chủ tịch UBND xã Thiệu Khánh, chỉ cần khoảng 11 tỉ là có thể cải tạo cầu phao Vồm thành cầu phao cho xe cơ cơ giới đi qua. Kinh phí từ nguồn hỗ trợ của thành phố, tỉnh, ngân sách địa phương và sự góp vốn của doanh nghiệp tham gia quản lý cầu sau khi hoàn thành.
Ngày 27/5, ông Lê Anh Tuấn kết luận: Dự án cầu phao Vồm sẽ được nâng cấp, cải tạo theo hình thức đối tác công tư (BOT). Trước đó, ngày 15/10/2015, Sở GTVT đã trình xin chủ trương phê duyệt dự án BOT này. Tổng dự án BOT sẽ là trên 26 tỉ đồng. Một DN từng quản lý cầu phà đã đứng ra xin đầu tư dự án này. Theo quy định, dự án phải trên 20 tỉ mới được đầu tư theo hình thức BOT.
Vậy là, dự án cải tạo của UBND xã Thiệu Khánh phá sản. Điện lại rút, máy hàn đem về. Xã phải vất vả trông giữ, neo đậu bởi nếu không, cả đống sắt hàng chục tấn theo nước lũ trôi xuống có thể làm sập cầu Hàm Rồng.
Đến nay, dự án BOT vẫn chưa ngã ngũ. Đống sắt hàng chục tấn vẫn nằm đó. Hàng trăm công văn, quyết định đã ban hành. Cây cầu phao cũ kỹ ọp ẹp vẫn oằn mình gánh bao người qua lại hàng ngày và hà bá vẫn chực chờ hại dân.
Nguyễn Thùy