1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ thuyền viên Việt Nam bị cướp biển bắt giữ:

Chờ đàm phán với cướp biển Somalia để đưa thuyền viên trở về

(Dân trí) - 12 thuyền viên Việt Nam trong số 26 người trên tàu đánh cá Đài Loan bị cướp biển Somalia bắt giữ vẫn chưa có liên lạc. Khoản tiền chuộc được dự đoán vào khoảng vài trăm nghìn USD.

Tiếp sự việc 12 thuyền viên Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt giữ trên tàu đánh cá Shiuh Fu-1 (Đài Loan) tại vùng biển ngoài khơi Madagascar thuộc Ấn Độ Dương, chiều 6/1, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động, Cty Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hà Nội (Servico Hà Nội) - đơn vị xác nhận có 7/12 thuyền viên đang bị cướp biển bắt giữ. Ông Tường cho biết, sự việc đã được thông báo tới gia đình các thuyền viên, đồng thời công ty cũng động viên gia đình bình tĩnh chờ đợi. Hồ sơ thông tin cá nhân cần thiết của các thuyền viên này cũng đã được thu thập, bổ sung đầy đủ, đề phòng khi có diễn biến mới xảy ra.
Chờ đàm phán với cướp biển Somalia để đưa thuyền viên trở về - 1
Cướp biển Somalia trang bị nhiều vũ khí hiện đại.
 
“Ngày nào chúng tôi cũng liên lạc với đối tác phía Đài Loan của Servico là Cty Jason Global Emterprise Co. Ltd để nắm bắt thông tin mới nhất. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, phía chủ tàu cho biết vẫn chưa có tín hiệu phát đi từ nhóm cướp biển  Somalia. Sự việc được xác định đơn thuần là bắt cóc con tin đòi tiền chuộc. Vì thế, mấu chốt của vấn đề là bao giờ sẽ có yêu cầu từ bên bắt cóc và khoản tiền chuộc sẽ là bao nhiêu.
 
Nhiều dự đoán cho rằng phải trong vòng 1-2 tuần tới phía cướp biền mới đưa ra yêu cầu về giá tiền chuộc cụ thể - như những vụ việc đã xảy ra. Đến khi đó chủ tàu sẽ được liên lạc với thuyền trưởng để biết thông tin sơ bộ về hoàn cảnh thực tế của thành viên trên tàu, từ đó làm cơ sở đưa ra thỏa thuận với cướp biển” - ông Tường nhận định.

Theo dự đoán của lãnh đạo nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, khoản tiền chuộc mà cướp biển Somalia đưa ra có thể lên tới vài trăm nghìn USD.

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: đối với vụ việc này, theo thông lệ quốc tế, đàm phán để giải thoát tàu và thuyền viên bao giờ cũng là trách nhiệm của Cty quản lý tàu. Như vậy, để giải thoát tàu Shiuh Fu-1, công ty quản lý tàu của Đài Loan phải thương lượng trực tiếp với cướp biển Somalia để thoả thuận về việc trả khoản tiền chuộc.

Vài ngày trước đó, Cục này đã đề nghị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) chỉ đạo Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại thành phố Đài Bắc (Đài Loan) làm việc với các cơ quan hữu quan phía bạn để sớm giải quyết sự việc, đảm bảo an toàn cho các thuyền viên trên tàu.

Theo thống kê từ cơ quan An ninh quốc tế, cướp biển Somalia đang giữ 26 tàu thuyền cùng 613 thủy thủ làm con tin. Đã từng có những con tàu khá lớn của Nga và 2 tàu chở hàng của Liên hợp quốc bị cướp biển bắt cóc.

Giám đốc Servico Hà Nội khẳng định, vụ việc thuyền viên đánh cá Việt Nam bị cướp biển bắt giữ là lần đầu tiên xảy ra.

P. Thanh