1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nam:

Chợ “âm phủ” ngày cuối năm

(Dân trí) - Khác hẳn với không khí ngày thường, không khí phiên chợ đêm - chợ “ma” Phủ Lý những ngày cuối năm rộn ràng và tấp nập.

Khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ cũng là lúc phiên chợ đêm Phủ Lý - hay còn có tên gọi khác là chợ “âm phủ” - bắt đầu. Không khí kẻ bán, người mua tấp nập và nhộn nhịp dần lên với những gánh hàng, những chiếc xe đẩy và những người lái buôn bắt đầu trao đổi mua bán, xua đi sự tĩnh lặng của màn đêm.

Chợ “âm phủ” độc nhất miền Bắc tấp nập về đêm.
Chợ “âm phủ” độc nhất miền Bắc tấp nập về đêm.

Từ nhiều năm nay, tại thành phố Phủ Lý - Hà Nam tồn tại phiên chợ được xem là độc nhất miền Bắc, đó là chợ đêm Phủ Lý. Vốn dĩ có tên là chợ “âm phủ” là bởi chợ được họp vào lúc nửa đêm, bắt đầu từ lúc 0h và kéo dài đến 5h sáng mới tan.

Rau xanh, củ, quả là các mặt hàng chính trong phiên chợ.
Rau xanh, củ, quả là các mặt hàng chính trong phiên chợ.

Ông Lợi (65 tuổi) và vợ mình cần mẫn chuẩn bị cho gian hàng.
Ông Lợi (65 tuổi) và vợ mình cần mẫn chuẩn bị cho gian hàng.

Tiết trời đêm những ngày cuối đông lạnh buốt, khi kim đồng hồ điểm sang những khoảnh khắc giữa đêm, theo chân một lái buôn chúng tôi có mặt tại chợ đêm đất Phủ. Ngay từ lúc bắt đầu, chợ đêm đã đông nghịt người, tấp nập xe về lấy hàng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chợ “âm phủ” chủ yếu trao đổi, mua bán các mặt hàng rau xanh và củ, quả. Một phụ nữ bán rau ngồi cạnh cổng chợ cho biết hầu hết rau xanh ở phiên chợ đều là do người dân các địa phương trong tỉnh đưa về bán cho các lái buôn đưa đi nơi khác.

Giữa cái lạnh như thấu vào da thịt, một người đàn ông đang vội vàng dọn gian hàng ra cho kịp phiên chợ. Ông là Đinh Công Lợi (65 tuổi), người xã Tiền Hải, đã có thâm niên buôn bán tại chợ đêm Phủ Lý.

Đốt lửa sưởi chống chọi với thời tiết giá lạnh.
Đốt lửa sưởi chống chọi với thời tiết giá lạnh.

Cụ Lợi cho biết, vốn dĩ chợ họp lúc nửa đêm là vì hầu hết mọi người tại đây ban ngày đều bận công việc đồng áng nên đành thức đêm đi chợ để sáng còn kịp về nhà lo việc gia đình. Những ngày cuối năm, mặt hàng được ưa chuộng là hành khô, khoai tây và tỏi…

Chị Thơm, một lái buôn người Hà Nội, tại phiên chợ chia sẻ: “Chợ đêm thường thì vất vả hơn ban ngày, đêm đi mua hàng nhưng ngày cũng không được ngủ bù, còn phải nhập hàng cho các quán hàng khác. Vì miếng cơm manh áo, riết rồi cũng thành quen”.

Nhiều sản phẩm là cây nhà lá vườn.
Nhiều sản phẩm là cây nhà lá vườn.

Ở phiên chợ đêm này, những người đàn ông làm công việc bốc vác cũng khá "đắt hàng". Với mong muốn sẽ bốc được nhiều hàng trong phiên chợ đêm, rất nhiều cửu vạn đã có mặt từ rất sớm để tranh chỗ, chọn chỗ cho xe hàng đỗ.

Anh Trần Văn Tuấn, quê Thanh Liêm, Hà Nam, một người làm công việc bốc vác thuê tại chợ đêm tâm sự: “Ngày nào cũng thế, cứ khoảng 23h là tôi bắt đầu từ nhà lên đây để chuẩn bị cho công việc bốc hàng. Tuy hơi vất vả chút nhưng làm thêm ban đêm như thế này kiếm thêm chút thu nhập trang trải cho gia đình và nuôi con ăn học. Mỗi đêm bốc hàng ở đây cũng kiếm được khoảng 70 - 100 nghìn đồng, ban ngày về đi làm thêm mới đủ sống”.

Những người đàn ông lặng lẽ với những chuyến xe kéo.
Những người đàn ông lặng lẽ với những chuyến xe kéo.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, số lượng hàng hóa tại phiên chợ cũng tăng lên nhiều. Thậm chí còn xuất hiện những chiếc xe đẩy, những gánh hàng mà ở đó là những đóa hoa nở rộ từ làng hoa Phù Vân đem sang để bán.

Hình ảnh vội vã chạy hàng của các lái buôn, những giọt mồ hôi kèm nụ cười của người bán đắt hàng, vẻ mặt ngái ngủ của người có phiên chợ ế,... Tất cả tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc, thấm đượm nỗi vất vả mưu sinh của những người nông dân lúc nửa đêm.

Thanh Tùng