1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Cho 200 nghìn học sinh nghỉ học giúp cha mẹ “chạy” bão

(Dân trí) - Trước những diễn biến phức tạp của mưa bão, sáng nay 26/9, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã quyết định cho gần 200 ngàn học sinh trung học nghỉ học để phụ giúp gia đình khẩn cấp thu hoạch mùa màng.

Trao đổi với Dân trí vào sáng nay, nhà giáo Nguyễn Khắc Hào, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho hay, thực hiện chỉ đạo khẩn của UBND tỉnh ngay trong đêm qua 25/9, Sở GD&ĐT tỉnh này đã có điện khẩn thông báo tới Trưởng Phòng Giáo dục các huyện, thị, hiệu trưởng các trường PTTH trên địa bàn cho toàn bộ khối học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên được nghỉ học, với mục đích phụ giúp gia đình thu hoạch lúa mùa chạy bão.
 
Cho 200 nghìn học sinh nghỉ học giúp cha mẹ “chạy” bão - 1
Học sinh được phép ở nhà giúp gia đình chạy bão
 
“Theo quyết định trên, Hà Tĩnh có gần 200 ngàn học sinh các khối trên được nghỉ học trong hai ngày 26 và 27/9; riêng học sinh khối tiểu học, mầm non vẫn học bình thường” - ông Hào cho hay.
 
Theo ông Hào, quyết định trên sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của học sinh, và được phụ huynh học sinh hết sức ủng hộ.
 

Theo đường đi bão số 4, Huế được dự đoán sẽ nằm trong tâm bão. Trước tình hình khẩn cấp, khó lường của bão, sáng nay (26/9), tỉnh TT-Huế đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp nhằm chống bão hiệu quả, không để gây ra thiệt hại về người và của. Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế nhấn mạnh “Toàn bộ các cấp ban ngành phải đến ngay các huyện đã được phân công để rà soát, tuyên truyền bà con giằng cố nhà cửa để chống bão an toàn. Phương án sơ tán dân vùng trũng ven sông, đảm bảo lương thực cho huyện miền núi A Lưới dễ bị sạt lở chia cắt phải được đặt lên hàng đầu.

Các công trình xây dựng ven sông, biển như cầu, khách sạn, resort phải có phương án hợp lý đối phó với bão. Phương tiện đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian có bão phải sẵn sàng”.

Cho 200 nghìn học sinh nghỉ học giúp cha mẹ “chạy” bão - 2
Ông Nguyễn Văn Cao (đứng) lưu ý về các công trình đang xây dựng ven sông, biển phải có phương án hợp lý đối phó với bão

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư tỉnh ủy TT-Huế cũng lưu ý về tình hình trong bão tuyệt đối các địa phương phải cẩn thận hết sức không để xảy ra chết người. Các hồ chứa thủy điện, hồ chứa thủy lợi dù vẫn chưa đầy nước nhưng cần xem xét phương án có thể xả ít nước trước khi bão và mưa đổ vào hay không? Vì hiện có một cơn bão số 5 với cường độ mạnh hơn rất nhiều. Nếu bão chồng bão kèm mưa to dữ dội thì các hồ chứa sẽ đầy. Lúc đó buộc phải xã hồ thì sẽ có nguy cơ lũ to kèm bão. Đây là hiệu ứng kép tác động rất lớn về mức độ thiệt hại cho nhân dân.

KS. Ngô Văn Tuân, GĐ Sở GTVT tỉnh cho biết, điểm trọng yếu dễ bị sạt lở và chia cắt nhất vẫn là huyện miền núi A Lưới. Có hai điểm dễ bị chia cắt là đường từ Huế lên Thị trấn A Lưới và đường vào xã Hồng Thủy của huyện này. Hiện sở đã bố trí một số máy móc sẵn sàng ứng cứu ở những vị trí dễ sạt lở nói trên để thông đường khi có sự cố.

Cho 200 nghìn học sinh nghỉ học giúp cha mẹ “chạy” bão - 3

Đường đi của tâm bão đang hướng vào tỉnh TT-Huế

Mưa to trong những ngày qua đã làm sạt lở bờ sông với chiều dài trên 70km tập trung chủ yếu dọc theo sông Bồ, sông Hương, sông Truồi và Ô Lâu ảnh hưởng đến 2.419 hộ dân. Trong đó trên 508 hộ đã phải di dời. Hiện nay có trên 8km bờ biển tại các huyện cũng đang bị sạt lở.

Tỉnh đang tính tới phương án di dời khẩn cấp nếu có lũ quét và trượt đất. Toàn tỉnh có 25.130 hộ với hơn 102.031 khẩu (tập trung đông nhất ở huyện miền biển Phú Lộc với hơn 30.000 khẩu). Toàn bộ số dân này sẽ được di dời đến các nhà cao tầng trong dân, các trụ sở UBND xã, phường cùng các trường học, cơ quan công sở nhà nước, nhà thờ, đền chùa kiên cố.

Cho 200 nghìn học sinh nghỉ học giúp cha mẹ “chạy” bão - 4

Cuộc họp khẩn cấp tại Huế sáng nay

Hiện nay, toàn bộ 1.981 tàu thuyền toàn tỉnh đã vào bờ trú ẩn an toàn, không còn hoạt động trên biển. Riêng con tàu chết máy trong cơn biển động dữ dội của ông Trần Văn Long cùng 2 ngư dân đã được Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực II Đà Nẵng lai dắt vào bờ.

Sở công thương tỉnh đã dự trữ được 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền, 100.000 lít xăng, 100.000 lít dầu Diezel và 30.000 lít dầu hỏa để tỉnh điều động khi cần thiết trong cơn bão và lũ nếu xảy ra.

Sau cuộc họp khẩn sáng nay, toàn bộ các lãnh đạo của tỉnh và các giám đốc, phó giám đốc các sở, đơn vị trực thuộc đã tỏa đi về hết các địa bàn phụ trách để nắm tình hình bão lũ và vận động tuyên truyền người dân chuẩn bị tinh thần đối phó.

Cho 200 nghìn học sinh nghỉ học giúp cha mẹ “chạy” bão - 5

Công nhân xây dựng tại cầu đường bộ Bạch Hổ bắt qua sông Hương (TP Huế) đang đi kiểm tra lần cuối công trình và neo cố phương tiện, máy móc cẩn thận trước cơn bão đang chuẩn bị tràn vào (ảnh chụp sáng 26/9)

Cũng trong chiều hôm nay, toàn bộ học sinh tại tỉnh TT-Huế đã được thông báo nghỉ học ở nhà để tránh bão.

Tại Quảng Bình, từ chiều qua 25/9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đã có cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các ngành, địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4.

Theo đó, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình cũng đã triển khai lực lượng tàu thuyền ca nô, tổ chức lực lượng tuần tra hướng dẫn kêu gọi tàu thuyền tại các khu neo đậu, đồng thời hướng dẫn ngư dân, các chủ đầm nuôi trồng thủy sản không được ở lại trên thuyền và tại các ao đầm nuôi trồng thủy sản đề phòng nguy hiểm khi bão đổ bộ.

Cho 200 nghìn học sinh nghỉ học giúp cha mẹ “chạy” bão - 6
4.266 tàu thuyền đánh bắt cá ở Quảng Bình đã vào nơi trú bão an toàn

Dự kiến có khoảng 500 hộ dân ở vùng trũng 2 huyện Lệ Thuỷ, và Quảng Ninh, vùng hạ lưu sông Gianh, các điểm có nguy cơ sạt lở ven biển phải di dời.

Thượng tá Lê Viết Xòng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Nhật Lệ (Quảng Bình) cho biết từ chiều tối ngày 25 và trong sáng  26/9, lãnh đạo tỉnh đã cử nhiều đoàn công tác trực tiếp về các địa phương kiểm tra và chỉ đạo  công tác phòng chống bão số 4 tại các vùng xung yếu ở các khu neo đậu tàu thuyền, các công trình hồ chứa, đập dâng, các công trình đang thi công dở dang.

Được biết, hiện toàn tỉnh Quảng Bình còn hơn 1 ngàn ha lúa hè thu và một số diện tích nuôi trồng thuỷ sản chưa thu hoạch. Hiện nay, mọi công tác ứng phó với bão số 4 đã được chuẩn bị chu đáo.

Chiều ngày 25/9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa và Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã ra công điện kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên các vùng biển vào nơi tránh trú bão an toàn.

Cho 200 nghìn học sinh nghỉ học giúp cha mẹ “chạy” bão - 7
Hơn 7.000 phương tiện tàu thuyền đã vào nơi tránh trú bão an toàn

Theo báo cáo từ bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh Thanh Hóa có 8.568 phương tiện với 28.500 lao động. Đến thời điểm hiện tại đã kêu gọi được 7.609 phương tiện với 21.579 lao động đã về tránh trú bão tại các bến, luồng lạch trong tỉnh.

Hiện còn 959 phương tiện với 6.921 lao động đang trên đường vào tránh trú bão tại các bến, đảo tại các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh. Các tàu thuyền đã nhận được thôn tin về cơn bão số 4 và đang tìm cách vào nơi tránh trú bão.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng Thanh Hóa cũng đã triển khai các phương án và thông báo về việc phòng chống và đối phó với cơn bão số 4 được dự báo là sẽ đổ bổ vào miền Trung.

Đại Dương - Đặng Tài - Duy Tuyên

Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm