Chính sách lương lạc hậu, lao động tất yếu đình công
Sáng nay 4/5, thảo luận về báo cáo giám sát tình hình đình công, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ ra những bất cập về tiền lương đang làm đình công gia tăng.
Đó là việc áp dụng hai hệ thống lương tối thiểu, quy định "hớ hênh" lương không thấp hơn mức tối thiểu, 3-4 năm mới tăng lương một lần.
Ông Lê Văn Diêu, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, phân tích: theo quy định của nhà nước, mức lương trong hệ thống thang bảng áp dụng tại doanh nghiệp không được thấp hơn mức tối thiểu. Điều này đã tạo ra kẽ hở, khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành dệt may và da giày, đã dùng lương tối thiểu làm mức cơ bản để trả cho hầu hết nhân công. Một số xây dựng thang bảng lương mang tính đối phó, chỉ nhỉnh hơn mức tối thiểu một chút.
Mặt khác, hiện tồn tại hai hệ thống lương tối thiểu, ở doanh nghiệp trong nước là 350.000 đồng một người một tháng, trong khi đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thấp nhất đã là 710.000, cao nhất 870.000 đồng. “Cùng ngành nghề, công việc, mức độ lao động và ở cùng khu công nghiệp, chỉ cách nhau có hàng rào, nhưng mức chi trả lại khác nhau làm cho người lao động bức xúc”.
Nhìn rộng ra về chính sách tiền lương nói chung, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Tráng A Pao cho rằng nó quá lạc hậu. Đơn cử, quy định 3-4 năm mới tăng một bậc lương là quá chậm, làm cản trở người lao động phát huy sáng tạo, tăng năng suất. “Một sinh viên ra trường lương bây giờ có 630.000 đồng thì làm sao đảm bảo được đời sống trong khi giá cả liên tục leo thang”, ông Pao bức xúc.
Chia sẽ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng việc tồn tại hai hệ thống lương tối thiểu là bất hợp lý. Để giải quyết đình công, theo ông một trong những biện pháp quan trọng là phải cải tổ chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp, đảm bảo sự minh bạch, công bằng giữa lao động ở các thành phần kinh tế.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cho rằng, cần có chính sách buộc doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương, hằng năm phải tổ chức thi tay nghề, nâng bậc lương cho lao động.
Hiện chỉ 10% doanh nghiệp (chủ yếu của nhà nước) xây dựng thang bảng lương. Còn 5.000 doanh nghiệp FDI và 20.000 doanh nghiệp tư nhân lấy lý do không được hướng dẫn để cố tình trì hoãn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Trần Thị Tâm Đan chỉ đề cập một vấn đề nhức nhối, đó là nhà ở cho lao động ở khu công nghiệp. Hiện công nhân thường phải ở nhà trọ chật hẹp, không tivi, không báo đài và hầu như không được sinh hoạt văn hóa tinh thần. Chốn an cư đã không ra gì, lại phải tăng ca liên tục, thu nhập thấp, tất yếu lao động tự phát đình công.
Bà Đan thẳng thắn phản đối báo cáo giám sát có đoạn nêu rằng Công ty Formosa (Nhơn Trạch, Đồng Nai) xây nhà cao tầng khang trang, khá đầy đủ tiện nghi cho 1.000 công nhân ở miễn phí, nhưng không có đủ người ở vì lao động sợ bị gò bó, không tự do.
“Cách giải thích này là vô lý, chẳng có lý do gì công nhân lại từ chối ở nhà tiện nghi, không mất tiền. Tôi đã đi nhiều khu công nghiệp, hỏi doanh nghiệp có xây nhà cho công nhân không, họ bảo có. Nhưng thực ra đó chỉ là nhà cho cán bộ quản lý.
Đã đến lúc Chính phủ phải có đề án rõ ràng, tổng thể để giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động ở khu công nghiệp. Tất nhiên không thể bao cấp hoàn toàn mà phải có sự xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế tham gia. Nếu cứ để thị trường tự điều tiết vấn đề này thì công nhân càng khổ, đình công càng nhiều”, bà Đan đề xuất.
Hiện, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng đề án nhà ở xã hội. Theo đó, công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ được mua, thuê nhà với giá rẻ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu không đồng tình. Đề án này chỉ cho tương lai xa, còn công nhân khu công nghiệp thì cần ngay chỗ ở bây giờ.
Chủ nhiệm Thu đề nghị Chính phủ phải tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp có lao động nhập cư xây dựng nhà ở cho người lao động. Hiện nay nhiều chủ sử dụng muốn tạo điều kiện về chỗ ở cho công nhân, nhưng theo quy định đất khu công nghiệp không được xây dựng nhà ở. Xây bên ngoài thì lại vấp phải vấn đề giải tỏa, đề bù, vốn xây nhà.
Báo cáo tình hình đình công sẽ được chỉnh sửa và trình Quốc hội vào kỳ họp giữa tháng 5 này.
Theo Như Trang
Vnexpress