1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chính sách đặc thù chưa thỏa mãn nhu cầu đột phá của TPHCM?

(Dân trí) - Theo GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật TPHCM, Nghị quyết 54 chưa thực sự thỏa mãn để thành phố phát triển đột phá vì quy định quá cụ thể, vẫn là “vòng kim cô”. Ông cho rằng thành phố nên khai thác, tích hợp nghị quyết vào từng chương trình đột phá cụ thể như thu hút nhân tài, giảm ngập…

Ngày 6/7, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X bước vào ngày làm việc thứ ba với phiên thảo luận tại hội trường.

Tại đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh – cho rằng chương trình chỉnh trang đô thị gặp khó khăn về nguồn vốn. Theo kế hoạch, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2018. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư.

Hội nghị dành nhiều thời gian để thảo luận về việc thực hiện 7 chương trình đột phá của TPHCM
Hội nghị dành nhiều thời gian để thảo luận về việc thực hiện 7 chương trình đột phá của TPHCM

Bà Hà kiến nghị cần phải đánh giá lại tất cả các dự án đã nêu trong chương trình như tiến độ giải phóng mặt bằng, các thủ tục triển khai các dự án tới đâu, khả năng triển khai nguồn vốn của thành phố như thế nào…

Theo đó, thành phố cần xác định ưu tiên dự án nào có thể hoàn thành giải phóng mặt bằng vào năm 2018-2019, dự án nào có thể hoàn thành thủ tục, dự án khởi công cuối nhiệm kỳ này, như thế mới có thể hoàn thành một số dự án.

Cũng theo bà Hà, khi dự án chậm thì có sự đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa địa phương với sở, ngành. Do đó, bà đề nghị phải có quy trình kiểm tra để xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi triển khai dự án.

“Phải mạnh dạn phân công một sở, ngành chủ trì dự án. Khi mời họp thì lãnh đạo các sở, ngành liên quan phải đi. Như thế thì dự án mới triển khai đồng bộ và đánh giá được trách nhiệm”, bà Hà nói.

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật TP, cho rằng hội nghị giữa nhiệm kỳ mà đánh giá cho một nhiệm kỳ của đại hội thì rất khó vì một nhiệm kỳ dài 5 năm có nhiều điều xảy ra.

Theo ông, 7 chương trình đột phá chắc vĩnh viễn chỉ sơ kết chứ không bao giờ tổng kết vì tổng kết thì phải hoàn thành. Trong khi thành phố khó hoàn thành các chương trình này và vẫn tiếp tục làm.

“Cải cách thủ tục hành chính chưa hoàn thành. Sắp xếp lại bộ máy cũng chưa xong, đào tạo nguồn nhân lực chưa xong, ngập nước cũng đang giải quyết, năm nào tới mưa lại bàn. Có thể các chương trình có nhiều bước tiến nhưng chỉ sơ kết thôi. Vì vậy, nên chăng đổi tên thành 7 chương trình trọng tâm”, ông Giao nói.

Theo ông Giao, đột phá là phải giải quyết trong một khoảng thời gian nhất định, phải vượt qua rào cản để làm được việc. Còn chương trình trọng tâm thì có thể làm nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.

Vấn đề khai thác nghị quyết 54 của Quốc hội được xem là giải pháp quan trọng để thành phố phát triển đột phá
Vấn đề khai thác nghị quyết 54 của Quốc hội được xem là giải pháp quan trọng để thành phố phát triển đột phá

Bên cạnh đó, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao cho rằng Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố mang lại niềm phấn khởi chung cho thành phố nhưng bản thân ông chưa thấy thỏa mãn. Bởi lẽ, nghị quyết quy định có rộng hơn trước nhưng quá cụ thể. “Cảm giác “vòng kim cô” mở rộng nhưng vẫn là “vòng kim cô”. Cá nhân tôi thấy không thỏa mãn lắm”, ông Giao nói.

Ông Giao đưa ra dẫn chứng, thành phố có nhiều biện pháp thu hút nhân tài để phát triển nguồn nhân lực nhưng vẫn bị Trung ương quy định mức lương tối đa. Mà thủ tục để được hưởng lương đó cũng rất “trần ai”.

Theo ông, đúng ra không nên hạn chế lương. Tùy theo nhu cầu của các cơ quan, đơn vị mà người ta thu hút nhân tài. Kinh phí chi như thế nào thì sẽ báo chứ không nên quy định mức tối đa.

Một dẫn chứng khác là trường Đại học Hoa Sen bổ nhiệm GS Trương Nguyện Thành làm hiệu trưởng nhưng Bộ Giáo dục – Đào tạo bác vì không đúng quy định của Bộ.

“Nếu cần thiết bổ nhiệm thì thành phố có quyền bổ nhiệm không? Nếu ông này xứng đáng được bổ nhiệm thì với cơ chế đặc thù thành phố được bổ nhiệm hay vẫn theo quy định của bộ?”, ông Giao đặt vấn đề.

Trong lĩnh vực chống ngập, GS Giao cho biết vừa qua có một đơn vị trình bày phương án chống ngập, trong đó phải sửa miệng cống. Tuy nhiên, miệng cống do Bộ Xây dựng quy định thống nhất và các địa phương áp dụng.

“Nếu cần thay đổi miệng cống thì đưa ra Bộ Xây dựng. Nhưng có khi ra đó thì lại nghiên cứu vài năm. Vậy với cơ chế đặc thù thành phố có quyền quyết định hay không? - GS Giao nói.

GS-TS Nguyễn Ngọc Giao cho rằng thành phố phải lồng cơ chế đặc thù vào từng chương trình đột phá, từng việc cụ thể mới khai thác được quyền lợi từ nghị quyết 54.

Theo ông, hiện có rất nhiều vấn đề vướng mắc thành phố đã thấy rõ nhưng không đưa ra giải pháp quyết liệt hoặc làm nửa vời, không tới nơi tới chốn.

“Chúng ta không giải quyết quyết liệt, làm nửa vời rồi để đó, hay là chờ Trung ương đồng ý mới thực hiện tiếp. Cái này nên khai thác Nghị quyết 54. Chúng ta có cơ chế đặc thù nên có quyền trong một số việc cụ thể chứ không phải chỉ những việc mà trong Nghị quyết nêu”, ông Giao nói.

Theo ông, để thành phố phát triển đột phá thì từng người, từng ngành cố gắng nhưng nhân tố quan trọng nhất, nhân tố dẫn đầu là chính quyền phải sáng suốt, mạnh dạn, quyết liệt thì mới làm được.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm