Nghệ An:
Chính quyền xã chậm trễ, bệnh binh nặng mòn mỏi chờ đất ở
(Dân trí) - Mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của tỉnh, của huyện nhưng gần 1 năm trôi qua, bệnh binh Bạch Văn Nghệ vẫn chưa được cấp đất ở. Cùng với người em gái, ông Nghệ đang sống trong một căn nhà nhỏ được dựng ngay bên bờ sông.
Bệnh binh nặng không có đất ở
Theo trình bày của bà Bạch Thị Hồng (xóm 10, xã Nghi Thuận, Nghi Lộc), gia đình bà là gia đình có nhiều đóng góp cho cách mạng. Bố bà là Đảng viên cộng sản thời kỳ 30-31. Hai người anh trai của bà xung phong vào bộ đội, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó có người anh trai Bạch Văn Nghệ (SN 1951) đi bộ đội năm 1967, chiến đấu ở chiến trường Lào. Sau khi xuất ngũ, ông Nghệ được đón về Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh (Nghi Phong, Nghi Lộc) với tỷ lệ mất sức lao động 81% (bệnh binh 1/3) và nhiễm chất độc hóa học.
“Tôi sinh sống ở Kon Tum, bố mẹ và hai anh lần lượt mất đi, anh Nghệ vào trại điều dưỡng, toàn bộ nhà cửa, vườn tược từ xa xưa để lại được chia cho người khác. Năm 2010, do nhà chỉ còn hai anh em nên tôi quyết định trở về, đón anh Nghệ chăm sóc cho có anh có em. Từ đó đến nay tôi liên tục làm đơn xin được cấp đất để hai anh em có chỗ sinh sống ổn định nhưng vẫn chưa được giải quyết”, bà Hồng cho biết.
Ngày 7/2/2014, thay mặt Tỉnh ủy, ông Trần Công Dương – Chánh văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An đã ký công văn số 2778 – CV/TU trong đó ghi rõ: UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH xem xét nguyện vọng của thương binh Bạch Văn Nghệ, giải quyết về cho gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách theo quy định; Huyện ủy Nghi Lộc chỉ đạo UBND huyện và UBND xã Nghi Tuận quan tâm, cấp đất làm nhà ở cho gia đình chính sách theo quy định hiện hành.
Tại Thông báo số 110/TB-UBND huyện Nghi Lộc về việc giải quyết đơn thư đề nghị của ông Bạch Văn Nghệ ngày 12/5/2014 ghi rõ: Từ nay đến hết năm 2014 hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục và các điều kiện khác như đất đai, nhà ở để tạo điều kiện cho bệnh binh Bạch Văn Nghệ được trở về sinh hoạt tại địa phương theo nguyện vọng của bà Bạch Thị Hồng. Ngày 22/7/2014, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 154/QĐ-NCC chuyển ông Bạch Văn Nghệ từ Trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An về huyện Nghi Lộc quản lý và thực hiện từ ngày 1/8/2014.
Sau khi hoàn tất thủ tục đón ông Bạch Văn Nghệ từ Trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần về, việc giải quyết đất và nhà ở đối với ông Nghệ vẫn chưa được thực hiện. Hàng xóm xúm nhau dựng cho hai anh em ông Nghệ một gian nhà bên bờ sông, trên phần đất vốn là nơi chất rơm của một gia đình khác. Hiện tại, hai anh em ông Nghệ sinh sống trên căn nhà lợp fibro xi măng diện tích 25m2.
Bệnh binh 81% Bạch Văn Nghệ trong căn nhà tạm của mình.
“Gia đình tôi là gia đình cách mạng, bây giờ chỉ còn hai anh em. Tôi biết Đảng và Nhà nước luôn có ưu đãi đối với người có công với cách mạng về nhà ở nhưng không hiểu sao tỉnh và huyện đã quyết rồi nhưng tính đến thời điểm hiện tại chính quyền xã Nghi Thuận vẫn chưa giải quyết đất ở cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ có nguyện vọng được cấp một mảnh đất nhỏ, được dựng một căn nhà để hai anh em yên tâm chăm sóc lẫn nhau và có chỗ thờ phụng cha mẹ đã khuất”, bà Hồng kiến nghị.
Vẫn phải tiếp tục chờ đợi?
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Lộc – Chủ tịch UBND xã Nghi Thuận cho biết, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến vấn đề cấp đất để ổn định chỗ ở đối với ông Nghệ và bà Hồng. “Theo quy định thì ông Nghệ phải đi giám định nhưng gia đình không đưa đi nhưng khi về địa phương thì xã cũng hết sức quan tâm, tạo điều kiện. Ông Nghệ thuộc đối tượng được cấp đất định giá, còn đất trước ủy ban là đất đấu giá nhưng chưa được quy hoạch. Vừa qua, xã có quy hoạch cấp mảnh đất sau ủy ban cho gia đình nhưng bà Hồng không đồng ý”, ông Lộc cho hay.
Theo bà Hồng, lý do bà không đồng ý mảnh đất mà xã bố trí bởi lẽ đó là khu vực ao tù nằm khuất sau trụ sở UBND xã. Hơn nữa, trước đây, mảnh đất đó vốn là khu vực trạm y tế cũ. Bởi vậy, xét về mặt tâm linh lẫn vị trí đất ở thì không phù hợp với nguyện vọng của bà.
Khi bà Hồng không đồng ý với phương án của xã đưa ra thì hai anh em bà vẫn tiếp tục sống trên mảnh đất sát bờ sông. Hiện, khu vực này đang nằm trong kế hoạch giải tỏa để phục vụ dự án xây dựng đường N5 nối Khu công nghiệp Nam Cấm lên phía Tây. Khi triển khai dự án đường N5, một con đường vận chuyển được quy hoạch chạy qua khu vực chỗ anh em ông Nghệ đang sinh sống. Chính quyền xã Nghi Thuận đã tính đến phương án xây một ki-ốt ngay trung tâm xã để hai anh em ông Nghệ sống tạm trong khi chờ được cấp đất.
Tuy nhiên sau đó con đường vận chuyển này chuyển sang khu vực khác, anh em bà Hồng vẫn tiếp tục ở trên vị trí cũ. Theo ông Nguyễn Đình Hợp – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nghi Thuận, hiện chính quyền xã đang vận động chủ đầu tư dự án di dân tái định cư để bố trí cho anh em ông Nghệ một mảnh đất trong khu vực tái định cư. Trong khi đó, ông Lộc lại cho rằng việc bố trí chỗ ở cho anh em ông Nghệ tại khu tái định cư là theo nguyện vọng của bà Hồng.
Hiện tại việc di dân tái định cư đối với các hộ dân thuộc diện phải di dời để thực hiện dự án đường N5 vẫn chưa thể triển khai do họ chưa đồng ý với mức bồi thường của chủ đầu tư. “Chúng tôi đang vận động người dân nhưng họ vẫn chưa đồng ý. Bởi vậy việc bố trí đất ở cho ông Bạch Văn Nghệ vẫn chưa thực hiện được. Có khả năng sẽ là rất lâu đấy”, ông Lê Xuân Lộc cho hay. Đương nhiên, chưa cấp được đất ở thì đồng nghĩa với việc chưa thể xây nhà cho ông Nghệ!
Hoàng Lam