1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Chính quyền số bị thách thức bởi 1.800 thủ tục hành chính

(Dân trí) - Hiện TPHCM có đến 1.800 thủ tục hành chính, trong đó mới có 4 thủ tục được thử nghiệm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định 61 của Chính phủ. Việc chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ đối với toàn bộ thủ tục hành chính của TP là một thách thức lớn trong xây dựng chính quyền số.

Chiều 2/7, UBND TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết kết quả triển khai thí điểm ghi nhận, đánh giá sự hài lòng của người dân tại một số quận, huyện và kế hoạch triển khai phương pháp ghi nhận, đánh giá hài lòng của người dân toàn thành phố.

Chính quyền số bị thách thức bởi 1.800 thủ tục hành chính - 1

TPHCM sơ kết kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân gắn với giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định 61 của Chính phủ

Ông Võ Sĩ, Phó Chánh Văn phòng UBND TP, cho biết nội dung đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp gắn liền với giải quyết các thủ tục hành chính. Quá trình thử nghiệm lựa chọn cùng một số thủ tục hành chính tại một số đơn vị, có thủ tục riêng lẻ, có thủ tục liên thông.

Theo ông Sĩ, hệ thống được xây dựng và thí điểm đối với 4 thủ tục hành chính tại 3 UBND quận, huyện (quận 9, Tân Phú và huyện Củ Chi) và 9 xã, phường, thị trấn.

Chính quyền số bị thách thức bởi 1.800 thủ tục hành chính - 2

Phó Chánh Văn phòng UBND TP Võ Sĩ cho biết hệ thống mới với nhiều tính năng nên người dân và cán bộ còn lúng túng

Đối với quận, huyện có 2 thủ tục gồm: cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ; đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế.

Đối với cấp xã có: thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú.

Theo Phó Chánh Văn phòng UBND TP, từ ngày 20/6, TP chính thức vận hành 4 thủ tục hành chính đối với các đơn vị thử nghiệm trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Câu hỏi khảo sát sự hài lòng đối với từng khâu, từng bộ phận giải quyết thủ tục hành chính.

Việc liên thông giúp quá trình giải quyết hồ sơ nhanh hơn và người dân có thể theo dõi quá trình giải quyết thông qua tin nhắn điện thoại hoặc email.

Theo ông Sĩ, hệ thống phần mềm mới, nhiều tính năng nhưng còn một số điểm chưa hoàn thiện, thiết bị chưa tương thích nên cả người dân, cán bộ đều lúng túng, ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận hồ sơ theo quy định mới.

Chính quyền số bị thách thức bởi 1.800 thủ tục hành chính - 3
Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường báo cáo kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân mà quận triển khai từ lâu

Ngoài những địa phương đang triển khai thử nghiệm, một số quận đã tiên phong làm sớm việc đánh giá sự hài lòng của người dân gắn với giải quyết thủ tục hành chính như quận Bình Thạnh, quận 1…

Ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ, cho biết, nếu 24 quận, huyện mạnh ai nấy làm thì không hiệu quả, phải chuẩn hóa thủ tục, triển khai trong toàn thành phố.

“Chỉ cần 1 phần mềm triển khai cho toàn thành phố thì tiết kiệm chi phí. TP đi đầu, có nhiều địa phương đi trước có kết quả nhưng đây là dịp chuẩn hóa thủ tục, như thế dịch vụ công mới thân thiện. Nếu hệ thống thân thiện, thuận tiện thì rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính”, ông Phan nhấn mạnh.

Chính quyền số bị thách thức bởi 1.800 thủ tục hành chính - 4

Ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ cho rằng cần tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, kết quả đánh giá sự hài lòng là cơ sở để TP xem xét chi thu nhập tăng thêm. “Một số quận đã đánh giá sự hài lòng của người dân từ lâu nhưng không thống nhất mỗi nơi có sáng kiến và làm khác nhau”, ông Nhân nói.

Bí thư Nhân cho rằng phải xây dựng hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân đồng bộ. Song song đó, trong quá trình tiếp nhận phải số hóa hồ sơ.

Người đứng đầu Đảng bộ TP đề nghị khẩn trương chuẩn hóa quy trình xử lý từng loại thủ tục hành chính. Trước mắt là công bố quy trình nghiệp vụ của hơn 300 thủ tục hành chính ở cấp quận/huyện, phường/xã, sau đó là 1.500 thủ tục hành chính ở cấp TP và các sở, ngành.

Chính quyền số bị thách thức bởi 1.800 thủ tục hành chính - 5

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị đến giữa năm 2020 hoàn thành công bố quy trình nghiệp vụ 1.800 thủ tục hành chính

Theo ông Nhân, các đơn vị liên quan cần ngồi lại với nhau để xây dựng phần mềm dùng chung, trong đó thống nhất câu hỏi khảo sát hài lòng và việc số hóa dữ liệu.

“Công nghệ phải hiện đại, dễ dùng. Một giải pháp tích hợp được kinh nghiệm các công ty tư vấn, quận, huyện đã làm”, ông Nhân nhấn mạnh.

Phụ trách cải cách hành chính, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP có tới 1.800 thủ tục hành chính, việc chuẩn hóa quy trình xử lý thủ tục hành chính để liên thông điện tử, giúp giải quyết nhanh thủ tục hành chính, nâng cao sự hài của người dân, doanh nghiệp.

Chính quyền số bị thách thức bởi 1.800 thủ tục hành chính - 6

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng đánh giá sự hài lòng của người dân cần toàn diện hơn, nâng cao số người tham gia đánh giá

Về đánh giá sự hài lòng, ông Tuyến cho rằng cần toàn diện, đầy đủ hơn nữa. Hiện nay, các địa phương báo cáo tỷ lệ hài lòng cao nhưng tỷ lệ người dân tham gia đánh giá lại thấp. Đơn cử như quận 1 đã triển khai từ lâu nhưng đến nay chỉ có 26% người dân tham gia đánh giá sự hài lòng.

Theo ông Tuyến, chính quyền số giúp TP xây dựng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4; tiến tới phòng họp “ít giấy” và “không giấy” trong tương lai…

Quốc Anh – Phạm Nguyễn