1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chính quyền lập chòi sẵn sàng “chiến đấu” với cát tặc

(Dân trí) - Trước tình trạng tàu thuyền khai thác cát trái phép hoạt động rầm rộ, chính quyền địa phương đã lập chòi canh, cử cán bộ túc trực 24/24h và sẵn sàng “chiến đấu” với những đối tượng khai thác cát trái phép.

Thời gian gần đây, hàng chục chiếc tàu hút cát trái phép ngang nhiên hoạt động không kể ngày đêm trên dòng sông Chu, đoạn chạy qua địa bàn xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa.

Nạn khai thác cát trái phép khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng.
Nạn khai thác cát trái phép khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng.

Nạn hút cát trái phép đã khiến bờ sông Chu, đoạn qua xã Thiệu Nguyên bị sạt lở nghiêm trọng, lấn sâu vào đất sản xuất của người dân. Thực tế, chỉ trong vòng khoảng một tháng trở lại đây, có vị trí bị sạt lở vào sâu hơn 100m. Nhiều cây cối, hoa màu của người dân cũng bị dòng nước cuốn trôi.

Được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã cấp phép khai thác mỏ cát số 05, tại xã Thiệu Nguyên cho Tổng công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Hưng Đô (Cty Hưng Đô) với diện tích gần 22ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Cty Hưng Đô mới đền bù, giải phóng mặt bằng mỏ hơn 11ha, còn lại, nhiều hộ dân vẫn chưa nhận đền bù.

Trước tình trạng trên, chính quyền xã Thiệu Nguyên đã điều động lực lượng, lập hai chòi canh, huy động khoảng 50 cán bộ, gồm công chức, công an viên, thôn và lực lượng bảo nông được phân công thành từng tổ ngày đêm túc trực, canh không cho tàu vào hút cát trái phép tại đoạn sông chạy qua địa bàn xã.

Vết sạt lở kéo dài hàng trăm mét, ăn sâu vào bờ.
Vết sạt lở kéo dài hàng trăm mét, ăn sâu vào bờ.

Ông Nguyễn Kim Hồng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm để bảo vệ đất, cát, nhưng mức độ ngăn chặn cũng hạn chế. Lực lượng bảo vệ đã có từ lâu, nhưng lập chốt canh thì đến cao điểm mới thành lập”.

Cũng theo ông Hồng, đã xuất hiện tình trạng sạt lở diện tích đất chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng. Thường ban đêm tàu tập trung đến hút cát, có những thời điểm, người dân bức xúc tự phát ra ném đá xuống các tàu hút cát. Xã cũng có cho xe rải cả đá xuống bờ sông. “Anh em căng mình ra chiến đấu vì rất nhiều đối tượng, hành vi trái phép, ăn cắp tài nguyên khoáng sản, có hành vi côn đồ”, ông Hồng cho biết thêm.

Tàu hút cát trái phép.
Tàu hút cát trái phép.

Tại các chòi canh của chính quyền địa phương tổ chức, lực lượng bảo vệ chỉ được trang bị áo phao, dùi cui, ngoài ra không có thuyền. Mỗi khi phát hiện tàu hút cát trái phép, lực lượng bảo vệ của địa phương phải bơi trên sông ra xua đuổi, rất nguy hiểm. Cũng đã nhiều lần lực lượng này gặp phải sự chống trả và đe dọa của các đối tượng khai thác cát.

Cũng trên dòng sông Chu, cách địa bàn xã Thiệu Nguyên không xa, tại địa phận xã Thiệu Thịnh, vào năm 2010 đã xảy ra vụ “hỗn chiến” trên sông giữa người dân với “cát tặc” làm 3 người chết và nhiều người bị thương.

Chị Lê Thị Liễu, thôn Nguyên Lý, xã Thiệu Nguyên cho biết: “Đây là đất đấu thầu, cách đây khoảng một tháng thôi đã mất khoảng ba sào đất. Mỗi lần thấy tàu hút cát xuống giữ không được, họ cứ đem thuyền vào hút. Còn mất khoảng 40 cây đu, lở cây nào xuống người ta chặt đưa lên thuyền luôn”.

Đã nhiều lần, chính quyền địa phương bắt được các tàu hút cát và lập biên bản, xử phạt hành chính, nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Theo tìm hiểu của phóng viên, phần mỏ được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép và đơn vị trúng thầu đã đền bù nhưng chưa khai thác mà tình trạng khai thác diễn ra xung quanh khu vực này, khiến chính quyền và người dân bức xúc.

Theo ông Hồng, xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, đề nghị UBND huyện Thiệu Hóa có biện pháp ngăn chặn và bảo vệ đất, hoa màu cho người dân. Ngày 22/4, UBND huyện Thiệu Hóa có công văn về việc dừng khai thác diện tích chưa giải phóng mặt bằng đối với Cty Hưng Đô.

Theo đó, Cty Hưng Đô đã khai thác vào phần diện tích chưa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, bơm hút cát vào thời điểm buổi trưa, ban đêm và các ngày thứ 7, chủ nhật; UBND xã Thiệu Nguyên đã tổ chức lực lượng bắt và giữ tang vật vi phạm khai thác cát trái phép. UBND huyện yêu cầu Cty Hưng Đô dừng ngay việc khai thác đối với diện tích chưa giải phóng mặt bằng xong.

Tuy nhiên, đến ngày 6/5, UBND huyện Thiệu Hóa tiếp tục có công văn về việc dừng khai thác khoáng sản mỏ 05, xã Thiệu Nguyên đối với Cty Hưng Đô, nhưng công ty này vẫn cố tình vi phạm, không thực hiện quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản và phương án khai thác đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; UBND xã Thiệu Nguyên đã xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần và UBND huyện Thiệu Hóa đã làm việc với đại diện Cty Hưng Đô nhưng đơn vị này vẫn cố tình vi phạm.

Chính quyền địa phương lập chốt canh ngay cạnh bờ sông để bảo vệ cát.
Chính quyền địa phương lập chốt canh ngay cạnh bờ sông để bảo vệ cát.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Xuân Đoàn, Trưởng phòng TNMT huyện Thiệu Hóa cho biết: “Mỏ số 05 được cấp năm 2009 cho Cty Hưng Đô, mới giao cho công ty hơn 11ha, số còn lại hơn 10 ha, đã thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng từ năm 2013, huyện chỉ đạo thực hiện, yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ, thực hiện chi trả cho người dân trong tháng 3/2014 và gửi hồ sơ về Sở TNMT để cho thuê đất”.

Cũng theo ông Đoàn, trách nhiệm chính trong công tác bảo vệ cát là của địa phương. Vấn đề chỉ đạo và phối hợp trước kia của địa phương là chưa hợp lý, nếu phát hiện và ngăn chặn từ đầu thì không đến mức độ như hiện tại.

Duy Tuyên