1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Di dời ngôi mộ cổ hơn 600 tuổi tại phường Yên Hoà, Hà Nội:

Chính quyền “gọi hồn” để GPMB

(Dân trí) - Để thuyết phục dòng họ Nguyễn Công đồng ý di dời ngôi mộ tổ khỏi khu đất thuộc dự án đầu tư xây dựng của phường, chính quyền phường Yên Hoà đã mời một nhà ngoại cảm đến… “gọi hồn”, hỏi ý kiến người đã khuất. Chuyện tưởng như đùa vừa xảy ra ở làng Cót, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Một di sản văn hoá của đất Thăng Long

 

Trong cuốn sách “Các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội” do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2004, các nhà khoa học đều thống nhất tiêu chí: Làng nào có từ 3 người đỗ tiến sỹ nho học trở lên, tạo nên được một truyền thống hiếu học và khoa bảng qua nhiều thế hệ, thì làng ấy được vinh danh là Làng khoa bảng Việt Nam.

 

Theo tiêu chí trên, tại Hà Nội hiện có 25 làng khoa bảng. Riêng làng Cót (trước đây là làng Thượng - Hạ Yên Quyết) có tới 19 vị đỗ tiến sỹ, tức đứng thứ nhì, chỉ sau làng Vẽ (Đông Ngạc, Từ Liêm) với 21 vị. Và trong số các dòng họ cư trú lâu đời tại làng Cót thì dòng họ Nguyễn Công là một dòng họ có truyền thống hiếu học và đỗ đạt khá tiêu biểu.

 

Dưới thời trung đại, dòng họ này có 2 vị đỗ Đại khoa. Đó là cụ Nguyễn Dụng Nghệ (1531) đỗ tiến sỹ khoa Giáp Tuất và cụ Nguyễn Công Thước (1658) đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân, niên hiệu Vịnh Trị thứ 5. Hiện bia đề tên tiến sỹ khoa Canh Thân niên hiệu Vịnh Trị thứ 5 vẫn được bảo tồn tại Nhà bia Tiến sĩ trong khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

 

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Tường, chuyên viên nghiên cứu Lịch sử Cổ - Trung đại Việt Nam và Hán học - Viện Sử học, thuộc Viện khoa học xã hội Việt Nam: “Mộ tổ của dòng họ Nguyễn Công không phải là ngôi mộ bình thường. Ngôi mộ ấy với các nhà nghiên cứu lịch sử chúng tôi là một Di sản văn hoá vật thể trong Quần thể Di tích Văn hoá - Lịch sử của của Làng khoa bảng Thượng - Hạ Yên Quyết của TP Hà Nội. Hơn nữa đây còn là ngôi mộ giữ vị thế như khu nhà thờ họ của dòng họ khoa bảng Nguyễn Công với hai vị đỗ Đại khoa mà tên tuổi đã đi vào lịch sử dân tộc.

 

“Gọi hồn” mộ tổ!

 

Rắc rối bắt đầu khi ngôi mộ tổ nói trên đã nằm trong chỉ giới GPMB khu đất 5,2 ha phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội; thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạo quỹ đất, nhà phục vụ các đối tượng có công với cách mạng; theo Quyết định 20/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Chính quyền “gọi hồn” để GPMB - 1
 

Buổi lễ "gọi hồn" có sự góp mặt của toàn thể lãnh

đạo phường và một số người dân địa phương.

 

Trong khu đất 5,2 ha nói trên có rất nhiều ngôi mộ được di dời. Bản thân dòng họ Nguyễn Công cũng đã tự nguyện cho di dời 18 ngôi mộ của các đời sau. Riêng ngôi mộ tổ thì họ không đồng ý với những lý do như đã phân tích ở trên.

 

Tuy nhiên, khi gặp phải sự phản đối của dòng họ Nguyễn Công, thay vì các biện pháp thông thường (thuyết phục, cưỡng chế,…), ngày 6/2/2007 (tức ngày 19 tháng chạp năm Bính Tuất âm lịch), UBND phường Yên Hoà đã cùng Ban quản lý dự án vốn ngân sách tự động mời bà P.H, với vai trò là một nhà ngoại cảm, đến “gọi hồn” người nằm dưới ngôi mộ tổ. UBND phường Yên Hoà tiến hành buổi “gọi hồn” mà không thông qua dòng họ Nguyễn Công.

 

Buổi “gọi hồn” có sự chứng kiến của toàn bộ các lãnh đạo ban ngành, từ Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch UBND, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể, lực lượng công an, BQL Dự án cho đến đoàn thể và nhân dân phường Yên Hoà. Buổi “gặp mặt” đặc biệt này còn được quay phim rất chuyên nghiệp, in sao ra thành nhiều đĩa VCD và công bố rộng rãi.

 

Trong cuốn ghi hình kéo dài hơn 40 phút, người ta thấy bà P.H “trò chuyện” với ngôi mộ, sau đó truyền đạt lại cho những người xung quanh. Nội dung bà H. truyền đạt lại chủ yếu liên quan đến việc di dời mộ để phục vụ công tác GPMB.

 

Theo ông Nguyễn Đăng Định - Bí thư đảng uỷ phường Yên Hoà - chỉ riêng ở UBND phường đã có tới 3 đĩa VCD. Một đĩa trong số đó được ông Định đích thân mang đến tận nhà ông Nguyễn Công Thìn - tộc trưởng dòng họ Nguyễn Công - với lời đề tặng: “UBND phường YH tặng”. Phó chủ tịch HĐND phường là bà Dung còn chiếu đĩa rộng rãi cho bà con hàng xóm xem. Hỏi vì sao bà Dung có đĩa đó, ông Định cho biết là bà Dung mượn của UBND phường!

 

 

Chính quyền “gọi hồn” để GPMB - 2
 

Chiếc đĩa ghi hình buổi "gọi hồn" phường Yên Hoà 

tặng cho dòng họ Nguyễn Công.

 

Trước những việc làm trên, những người trong dòng họ Nguyễn Công rất bức xúc. Với họ, việc động chạm đến mồ mả của dòng họ là không thể coi thường.

 

Chiều 2/4, ông Nguyễn Đăng Định lý giải rằng việc mời bà P.H đến “gọi hồn” là do Ban quản lý dự án đứng ra tổ chức và mời đại diện chính quyền, đảng uỷ phường đến dự.

 

Được biết ngày 5/4 tới, UBND quận Cầu Giấy sẽ có buổi làm việc với sự có mặt nhiều đại diện các sở ban ngành liên quan như Sở Tài nguyên môi trường, Sở xây dựng... và đại diện dòng tộc để thảo luận xem xét cách giải quyết đối với ngôi mộ tổ. Dư luận rất mong chờ một cách giải quyết thấu tình, đạt lý, phù hợp với lòng dân.

 

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm