Chính phủ "xoay chuyển tình thế", quyết không để thiếu điện và xăng dầu
(Dân trí) - Chính phủ sẽ nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế đặc thù cho ngành điện, năng lượng tái tạo với tinh thần "kiên quyết không để thiếu điện và xăng dầu", theo báo cáo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, sáng 5/1, nhằm tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tham dự Hội nghị cuối năm lần này có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương.
Một số vấn đề trọng tâm và mang tính gợi mở đã được người đứng đầu Chính phủ định hướng để các đại biểu đóng góp ý kiến.
Xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái
Trong đó, ông "điểm danh" nhiều "cơn gió ngược" trong bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, như lạm phát, lãi suất neo ở mức cao; suy giảm tăng trưởng; hậu quả dịch bệnh kéo dài; cạnh tranh chiến lược, xung đột ở Ukraine và Dải Gaza; thiên tai, biến đổi khí hậu; nguy cơ mất an ninh lương thực, năng lượng trên toàn cầu…
Trong nước, Thủ tướng cho biết nền kinh tế chịu "tác động kép" của các yếu tố bất lợi bên ngoài và những bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, xuất phát điểm thấp, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, có độ mở cao, khả năng chống chịu, sức cạnh tranh còn hạn chế.
Dù vậy, lãnh đạo Chính phủ khẳng định năm qua, Việt Nam thể hiện rõ là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế ra sao. Ông dẫn chứng việc đất nước vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, vừa đẩy mạnh xuất khẩu gạo đạt 8,3 triệu tấn, thu về trên 4,8 tỷ USD, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu…
Nhắc đến công tác chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng khẳng định ý nghĩa của việc bám sát nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, sáng tạo trong thực tiễn nhằm "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái" để đạt những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Khái quát kết quả chung, Thủ tướng cho biết kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong bối cảnh khó khăn, vốn FDI vẫn đạt được 23,18 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công dự báo đạt 95% kế hoạch, số tuyệt đối cao hơn 146.000 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước vượt 8,2%; đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu xã hội…
"Bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt, nợ công, nợ nước ngoài quốc gia dưới ngưỡng cảnh báo, nhưng để tận dụng được dư địa chính sách tài khóa này cho phát triển kinh tế - xã hội, cần làm gì trong năm tới?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Ông đề nghị làm rõ nguyên nhân và giải pháp với những vấn đề bất cập, như còn 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; sức ép lạm phát và nợ xấu có xu hướng tăng; những điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh, nhất là về xuất khẩu, thị trường, tiếp cận vốn, vướng mắc trên các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Từ việc tìm ra nguyên nhân, người đứng đầu Chính phủ định hướng cần theo dõi sát tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn.
Đề xuất ban hành cơ chế đặc thù cho ngành điện
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết tăng trưởng kinh tế đạt 5,05%. "Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên 430 tỷ USD", theo Phó Thủ tướng.
Cũng theo báo cáo, thu ngân sách vượt khoảng 8,12% dự toán, đạt trên 1,75 triệu tỷ, trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất 194.000 tỷ. Đặc biệt, ngân sách tăng thu, tiết kiệm chi được 560.000 tỷ đồng, đảm bảo nguồn để cải cách tiền lương 3 năm (2024-2026).
Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Mức này cao hơn khoảng 146.000 tỷ đồng so với 2022.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh phát triển hạ tầng giao thông là điểm sáng khi đưa vào sử dụng 475km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay khoảng 1.900km.
Dù vậy, nhiều khó khăn còn tiềm ẩn liên quan tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn rủi ro.
Phó Thủ tướng cho biết năm 2024, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6-6,5%), giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát (4-4,5%), bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch; kiểm soát chặt bội chi ngân sách, các chỉ tiêu an toàn nợ công trong giới hạn cho phép, cắt giảm chi thường xuyên 5%.
Chính phủ sẽ tập trung vào 3 động lực tăng trưởng; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó, theo ông Khái, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đề xuất ban hành một số chủ trương, cơ chế đặc thù cho ngành điện, năng lượng tái tạo. "Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Hoàn thành, đưa vào khai thác đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công một số dự án đường bộ cao tốc… cũng là những mục tiêu quan trọng của Chính phủ trong năm mới.