1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chính phủ thống nhất xem xét tăng giá điện theo sát thực tế

(Dân trí) - Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2015 của Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo hàng hóa, giá cả trong dịp Tết. Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương trình phương án điều chỉnh giá điện đúng với điều kiện thực tế.

Trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất thực hiện các mục tiêu đã được Quốc hội thông qua, phấn đấu năm 2015 đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% và kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 5%; đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện, tổ chức Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đầm ấm, vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
Chính phủ thống nhất xem xét tăng giá điện theo sát thực tế
Phiên họp Chính phủ tháng 1/2015 diễn ra ngày 31/1 vừa qua dưới sự chủ trì của Thủ tướng (ảnh: Chinhphu.vn). 

Không để tăng giá đột biến dịp Tết

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, tăng giá đột biến; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, sản xuất, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời điều hành hợp lý giá xăng dầu bán lẻ trong nước; đề xuất phương án điều chỉnh giá điện phù hợp với điều kiện thực tế.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện các biện pháp tổ chức phương tiện giao thông để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, điều hành quản lý giá cước vận tải phù hợp, bảo đảm lợi ích của đơn vị kinh doanh vận tải và người sử dụng dịch vụ.

Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện, điều kiện kinh doanh vận tải, giá cước vận tải trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chất lượng các công trình giao thông.

Dịp Tết Nguyên đán đã cận kề, Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và sau Tết Nguyên đán; chủ động phương án ứng phó với diễn biến thời tiết, phòng, chống dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng và ngăn chặn tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tăng cường chất lượng các hoạt động nghệ thuật phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết; quản lý hoạt động lễ hội Xuân bảo đảm văn minh, lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục; ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các biểu hiện tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch.

Cũng liên quan đến việc chuẩn bị Tết, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với người có công với cách mạng, người nghèo và đối tượng chính sách khác trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi; thực hiện hỗ trợ gạo kịp thời, đúng đối tượng.

Bộ Y tế chỉ đạo tổ chức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường công tác y tế dự phòng; chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở người; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh, nhất là trước và trong dịp Tết Nguyên đán.

Phấn đấu giảm nợ xấu xuống dưới mức 3%

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 của Chính phủ; tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo chuyển biến thực sự trong năm 2015, nhất là về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án trong 3 năm 2013-2015 và đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm gắn với kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu, phấn đấu giảm nợ xấu xuống dưới mức 3% vào cuối năm 2015; kiên quyết tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo lộ trình; bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế, nhất là trước và sau Tết Nguyên đán.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung thúc đẩy đầu tư; tích cực thực hiện các giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư huy động nguồn lực xã hội.

Bộ Tài chính bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, nhất là kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 2015, kể cả trong trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục giảm; quản lý chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm các khoản chi ngân sách nhà nước; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế.

P.Thảo