Chính phủ nói gì về vụ VNPT - Viettel?
Sáng nay 30/6, Tổ công tác 23 Văn phòng Chính phủ về Cải cách hành chính cùng với đại diện 2 Bộ Bưu chính viễn thông và Quốc phòng, đại diện 2 doanh nghiệp VNPT và Viettel đã có cuộc họp xung quanh khiếu nại của Viettel về vấn đề kết nối mạng di động với VNPT trong thời gian qua.
Mở đầu cuộc họp, đại diện tổ công tác 23 đặt vấn đề: Tổ công tác chỉ sẽ nghe đại diện 2 bộ và 2 doanh nghiệp trình bày về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các văn bản chỉ đạo, các thủ tục hành chính cần thiết... để từ đó có sự chỉ đạo giúp tháo gỡ. Còn những vấn đề kỹ thuật, nội tại của mỗi bên không cần thiết phải trình bày tại cuộc họp.
Các đại diện của Viettel và Bộ Quốc phòng trình bày ý kiến, xung quanh những khó khăn của Viettel trong phát triển thuê bao, đặc biệt sự khó khăn về nhân lực và thời gian trong thoả thuận kết nối với các địa phương. Hiện Viettel cũng đã từng bước triển khai cáp quang tới một số tỉnh thành, song việc đấu nối với tổng đài nội hạt tại các Bưu điện tỉnh thành khó khăn vì thoả thuận giữa VNPT và Viettel không có điều này.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Huy Phúc, Phó trưởng ban Viễn thông VNPT nhấn mạnh, suốt từ khi ký thoả thuận kết nối từ 1/8/2004 với Viettel tới nay, VNPT luôn cố gắng nỗ lực cung cấp, chia sẻ các kênh, luồng cho Viettel, cũng như với các doanh nghiệp viễn thông khác.
VNPT đã đề xuất giải pháp giải quyết tình thế giúp Viettel trong lúc nguy cấp trên cơ sở Vietel đang gặp nghẽn tại đâu, VNPT sẽ cố gắng định tuyến, phân tải lưu lượng từ các “vùng ven” còn lại vào để hỗ trợ giúp Viettel chống nghẽn.
Còn vấn đề con số dung lượng thực của mạng VNPT, hiện không còn luồng để cung cấp như Phó TGĐ VNPT Trần Mạnh Hùng đã thông báo. Còn những ý kiến nghi ngờ khả năng VNPT còn kênh dư hay không, VNPT luôn sẵn sàng đón và tạo điều điều kiện cho bất cứ đoàn công tác, giám sát kỹ thuật nào của các bộ, ngành và Chính phủ vào thanh kiểm tra.
Một số ý kiến của các thành viên Tổ công tác 23 đều xoay quanh khó khăn thực tế của VNPT và Viettel, mong 2 doanh nghiệp sớm bàn bạc và tháo gỡ, tìm giải pháp khắc phục.
Riêng ý kiến đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp về vấn đề Nhà nước là “cần tách riêng công ty đường trục ra để quản lý, không cổ phần hoá” thì ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông Bộ BCVT cho biết ngay rằng, sự lo lắng như vậy là không cần thiết, vì Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp viễn thông tự xây dựng mạng đường trục của mình để vừa khai thác, vừa kinh doanh. Trước mắt hiện có 3 doanh nghiệp được phép triển khai đường trục là VNPT, Viettel và Công ty Viễn thông Điện lực VP Telecomp. Và như thế là đã không có chuyện độc quyền khai thác và kinh doanh đường trục từ tháng 12/2003 nữa rồi.
Sau cùng, đại diện tổ công tác 23 kết luận:
1. Ghi nhận sự cố gắng và cộng tác của các bên với Tổ công tác, về vấn đề tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện văn bản chỉ đạo của các cấp về hợp tác xây dựng và kết nối mạng giữa 2 doanh nghiệp
2. Trách nhiệm chính của Tổ công tác trong cuộc họp này là: theo dõi và chỉ đạo giúp tháo gỡ các vướng mắc cho 2 Bộ và 2 doanh nghiệp trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, văn bản thoả thuận giữa các bên.
3. Các vướng mắc trong thủ tục hành chính là thực trạng chung, có thực, từ đã lâu và xảy ra với nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương
4. Thực tế các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thoả thuận giữa 2 doanh nghiệp là có thật, có tính chất đặc thù đối với mỗi bên. Song VNPT và Viettel cần tăng cường, tích cực trong rà soát lại các vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ
5. Trong khi chờ các văn bản, quy định, thoả thuận giữa 2 Bộ và 2 doanh nghiệp được sửa đổi cho phù hợp hơn, VNPT và Viettel cần tích cực triển khai, tháo gỡ khó khăn cho nhau trên cơ sở các quy định hiện hành
6. Ngoài ra, sau cuộc họp này, Tổ công tác 23 Văn phòng Chính phủ về Cải cách hành chính cũng sẽ đón nghe thêm ý kiến từ phía các doanh nghiệp viễn thông khác để có được thông tin đầy đủ, toàn diện và trung thực nhất.
Theo VnMedia