Chính phủ lập Bộ Chỉ huy tiền phương ở Hải Phòng để chống bão Yagi
(Dân trí) - Cùng với việc lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão Yagi, Chính phủ cử một số bộ trưởng, thứ trưởng xuống các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó với bão.
Sáng 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2024 với nhiều nội dung quan trọng.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng 5 thành viên Chính phủ mới được phê chuẩn bổ nhiệm.
Ông mong muốn và tin tưởng trên cương vị mới, các thành viên Chính phủ mới được phê chuẩn bổ nhiệm sẽ không ngừng quyết tâm, nỗ lực, hành động với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cống hiến, đóng góp xây dựng Chính phủ đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, liêm chính, đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả.
Trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão Yagi.
Một số bộ trưởng, thứ trưởng cũng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.
Cho biết đã liên tiếp có các công điện về theo dõi diễn biến, tổ chức các biện pháp phòng, chống bão, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão và khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão.
Nhìn lại tình hình tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác kiện toàn các chức danh lãnh đạo đã được tổ chức đúng quy định, hoàn thiện đầy đủ.
Nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung đánh giá trên tinh thần "không tô hồng, không bôi đen; tạo khí thế phấn khởi, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư".
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ phân tích, đưa ra các dự báo, nhận định về tình hình tháng 9 và thời gian tới để đề xuất những cơ chế, chính sách giải pháp đột phá.
Mục tiêu được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhất là đối với các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế; tháo gỡ các vấn đề tồn đọng; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại...
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải hết sức bình tĩnh, bản lĩnh, xử lý tình huống vừa trước mắt vừa lâu dài.
"Tư tưởng phải thông, nỗ lực phải cao, quyết tâm phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm", tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát; bám sát thực tiễn để điều hành…", Thủ tướng chỉ đạo.
Theo chương trình, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 thảo luận, cho ý kiến đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Chính phủ cũng đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025; việc xử lý một số vướng mắc đối với dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phú Vinh và khu công nghiệp Hoành Sơn tại Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ cho ý kiến về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo tháng 9 và một số nội dung quan trọng khác.