Chính phủ điều hành nhạy bén, an sinh xã hội được đảm bảo
(Dân trí) - Với sự điều hành nhạy bén, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng và chính quyền các cấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện.
Nội dung này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát khi phát biểu tổng kết Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ (Hội nghị Trung ương 7) khóa XIII, ngày 17/5.
Việt Nam là "điểm sáng" trong bức tranh màu xám
Nhìn lại nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư cho biết, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Những khó khăn, thách thức mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kỳ của một số nhiệm kỳ gần đây.
Điển hình, đại dịch Covid-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp; hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và gia tăng rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế.
Trong nước, Tổng Bí thư cho rằng kinh tế - xã hội cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, rất gay gắt, nặng nề.
Dù vậy, với ý chí quyết tâm cao và tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, đạt nhiều kết quả quan trọng và toàn diện.
Về kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, có nhiều rủi ro, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng khá.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.
Minh chứng là tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% - cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5%, và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng trưởng GDP trong quý I năm 2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm Việt Nam vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5%.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Đảng ghi nhận nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là việc xử lý tình trạng các ngân hàng thương mại yếu kém; những doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, được tập trung tháo gỡ, bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Dù đối diện bối cảnh nhiều khó khăn, Tổng Bí thư nhấn mạnh các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện.
Lãnh đạo Đảng ghi nhận các chính sách xã hội được triển khai kịp thời, nhất là chính sách với người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội, và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, theo Tổng Bí thư, trong phòng, chống đại dịch Covid-19, truyền thống anh hùng, yêu nước, "thương người như thể thương thân" của dân tộc và tính ưu việt của chế độ lại được phát huy lên một tầm cao mới.
Theo thống kê, các cơ quan đã giải ngân 104.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 58 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động.
Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Lãnh đạo Đảng cũng khái quát nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh những kết quả, thành tựu đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay là minh chứng cho tính đúng đắn, phù hợp của những chủ trương, đường lối đã được triển khai thời gian qua.
Những kết quả đó cũng là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo vững vàng, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; nhờ sự quản lý, điều hành nhạy bén, quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng và chính quyền các cấp; sự nỗ lực đổi mới đồng bộ, có hiệu quả nội dung, phương thức hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp; sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên…
Đưa ra dự báo tình hình tới đây còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng Bí thư nhắc tới thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc; đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.
Vì thế, Tổng Bí thư lưu ý trong phát triển văn hóa, xã hội cần bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh đó, theo người đứng đầu Đảng, cần thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn; chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.