1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chính phủ đánh giá tốt các Bộ trưởng trả lời chất vấn

(Dân trí) - Ý kiến đánh giá của Chính phủ với từng Bộ trưởng được thể hiện trong báo cáo việc thực hiện lời hứa “hậu chất vấn” do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trình bày trước Quốc hội, như một bản tóm tắt các báo cáo riêng của mỗi Bộ trưởng.

Chính phủ đánh giá tốt các Bộ trưởng trả lời chất vấn
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo việc thực hiện lời sau phiên chất vấn tại kỳ họp trước (ảnh: Việt Hưng).

Nghị quyết về trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội giao cho các Bộ trưởng: Công Thương, Xây dựng, Y tế, Thống đốc Ngân hàng nhà nước 22 nhóm nhiệm vụ.

Đối với lĩnh vực công thương của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Phó Thủ tướng cho biết, người đứng đâu ngành đã tập trung chỉ đạo chủ động thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về tiếp cận tín dụng, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Kết quả, tồn kho của một số loại hàng đã giảm so với tháng 12/2012 như sản xuất giấy, chế biến chế tạo, xe có động cơ...

Tuy nhiên, ông Nhân thừa nhận, sức mua của thị trường còn yếu, một số mặt hàng tồn kho lại tăng. Tính đến đầu tháng 5/2013, một số mặt hàng tồn kho cao như sản xuất mỳ ống, mì sợi (tăng 135%), sản xuất các thiết bị truyền thông (tăng 90%), sản xuất  sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học (tăng 46,8%)…

Bộ Công thương cũng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu (hàng tiêu dùng xa xỉ, hàng trong nước sản xuất được). Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt gần 50 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ; nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ đầu tư, sản xuất kinh doanh đã tăng lên. Nhập siêu 5 tháng là 1,9 tỷ USD, bằng 3,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng được ghi nhận đã chỉ đạo triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Xây dựng chủ trương cho vay hỗ trợ nhà ở; nghiên cứu phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua nhà ở đối với người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng báo cáo, đến nay đã có 58 dự án nhà được đề xuất điều chỉnh để xây dựng 33 nghìn căn hộ nhà xã hội. Giải pháp phát triển nhà ở cho thuê, thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, thí điểm chuyển đổi dự án nhà ở để bán sang nhà ở cho thuê… cũng được đẩy mạnh.

Vấn đề bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, rút ruột công trình giao thông, thủy lợi… báo cáo của Chính phủ cho biết, trong quý I/2013, Bộ trưởng Xây dựng đã tổ chức 14 đoàn thanh kiểm tra. Quá trình thanh tra đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc sai phạm, kịp thời khắc phục những thiếu sót trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, thu hồi những khoản chi vượt định mức; giảm trừ giá trị thanh toán, quyết toán không phù hợp với khối lượng thi công thực tế; xử phạt hành chính, kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Phó Thủ tướng báo cáo “thành tích”, so với cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 3 - 4%/năm. Dư nợ tín dụng đã tăng trở lại qua các tháng (đến hết tháng 5/2013, dư nợ tăng 2,89%, cao hơn hẳn mức 0,56% sau 5 tháng đầu năm 2012).

Nhiệm vụ xử lý nợ xấu, theo báo cáo của ngành ngân hàng, năm 2013 tỷ lệ nợ xấu là 4,67% so với đánh giá mức nợ xấu 7,8% thời điểm cuối năm 2012.

Về việc quản lý vàng, từ cuối tháng 11/2012, các tổ chức tín dụng không được huy động vốn bằng vàng dưới mọi hình thức. Đến nay, số dư huy động, cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể so với cuối năm 2012. Đến cuối tháng 5 năm 2013, số dư huy động vàng của các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 75%, số dư cho vay vàng đã giảm khoảng 40% so với cuối năm 2012.

Tương tự Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Chính phủ cũng khẳng định sau gần 1 năm thực hiện quy định mới về quản lý thị trường vàng, hiệu quả đã phát huy rõ rệt, cơ bản đạt các mục tiêu đề ra như sắp xếp, xác lập lại trật tự, kỷ cương trên thị trường, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế; khắc phục tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng; tiến tới từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

“Điểm tối” được Chính phủ xác nhận là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện còn cao nhưng Phó Thủ tướng vẫn khẳng định, thị trường vàng đã ổn định hơn. Về trung và dài hạn, trong điều kiện khuôn khổ pháp lý mới và với sự can thiệp của Ngân hàng nhà nước, ông Nhân quả quyết, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp dần.

Lĩnh vực Y tế của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh thành quả của nữ bộ trưởng là chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các y, bác sỹ là người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam; phát hiện, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định. Bộ Y tế đang xây dựng các quy định về việc sử dụng tiếng Việt trong các cơ sở khám, chữa bệnh có yếu tố người nước ngoài và về quảng cáo đối với dịch vụ khám chữa bệnh.

Khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh, nữ Bộ trưởng được đánh giá đã giảm được tỷ số giới tính khi sinh ở một số địa phương như Hưng Yên, Quảng Ngãi, Hải Phòng...
Đánh giá chung việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng đăng đàn kỳ trước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong 6 tháng qua, cơ quan quản lý đã rất tích cực, nhiều việc đã đạt được kết quả như giãn, hoãn, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát cơ bản nhập khẩu gia cầm trái phép; rà soát tổng thể quy hoạch xây dựng; hoàn thiện quản lý chất lượng và chi phí các công trình xây dựng; giảm mặt bằng lãi suất; quản lý thị trường vàng; cơ cấu lại 9 ngân hàng thương mại yếu kém; quản lý giá thuốc; quản lý an toàn thực phẩm; khắc phục mất cân bằng giới tính khi sinh...

“Tuy nhiên, một số việc triển khai còn chậm, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới như hỗ trợ các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; hỗ trợ di dân tái định cư; phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội; xử lý nợ xấu; quá tải bệnh viện” – báo cáo của Chính phủ chốt lại.

P.Thảo