1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế phát triển đường thủy nội địa

(Dân trí) - Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống sông và mật độ sông lớn nhất thế giới, tuy nhiên đầu tư cho giao thông thủy còn rất hạn chế nên không phát huy hết được tiềm năng của loại hình này.

Giao thông vận tải đường thủy nội địa có nhiều tiềm nhưng chưa phát huy được hiệu quả
Giao thông vận tải đường thủy nội địa có nhiều tiềm nhưng chưa phát huy được hiệu quả

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo về việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường thủy nội địa trên phạm vi cả nước nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ GTVT căn cứ Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án tái cơ cấu Ngành GTVT chủ động chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT bằng đường thủy nội địa; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo Bộ GTVT, định hướng phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 của ngành này là tận dụng tốt nhất điều kiện tự nhiên, đồng thời đầu tư tập trung có kế hoạch để phát triển tối đa lợi thế của ngành vận tải thủy nội địa (vận tải hàng hóa khối lượng lớn, hàng siêu trường siêu trọng, giá thành rẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững.

Bộ GTVT sẽ dành tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đến năm 2020 là khoảng gần 37.000 tỷ đồng. Với mức đầu tư này, Bộ GTVT kỳ vọng giao thông đường thủy sẽ được phát triển một cách đồng bộ về luồng tuyến, cảng bến, thiết bị bốc xếp, phương tiện vận tải và năng lực quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý và an toàn.

Cùng với đó, đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa gắn kết với mạng lưới giao thông khác tạo thành hệ thống liên hoàn, thông suốt. Kết hợp giữa phát triển giao thông đường thủy nội địa với các ngành khác như thủy lợi, thủy điện. Mở một số tuyến vận tải mới như tuyến ven biển, tuyến quốc tế, tuyến chuyên container.

Bộ GTVT cũng thúc đẩy việc phát triển đội tàu vận tải theo hướng trẻ hóa với tuổi bình quân là 5 - 7 năm và cơ cấu hợp lý; tổng trọng tải đội tàu là 12 triệu tấn; tăng chiều dài đường thủy nội địa được quản lý và khai thác vận tải; hiện đại hóa hệ thống báo hiệu; kênh hóa các đoạn sông qua các đô thị lớn.

Được biết, Bộ GTVT cũng đã có kế hoạch hiện đại hóa một số cảng đầu mối, cảng chính ở các vùng kinh tế trọng điểm, cảng chuyên dùng; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa bốc xếp đối với các cảng địa phương; xây dựng một số cảng khách, bến khách. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ vận chuyển được 190-210 triệu tấn hàng và 530- 540 triệu hành khách.

Châu Như Quỳnh