Chim rừng khóc tiếng người ơi!...
Đã mấy năm gần đây, ở các thành phố lớn các “đại gia” nhiều tiền, lắm của đã lang thang khắc mọi nẻo đường, làng bản để săn tìm và mua chim quí về nuôi.
Những con chim trời bị nhốt trong lồng để bán.
Có tiền, hàng trăm tay săn chim ngày đêm lùng sục tìm kiếm, săn bẫy những loài chim quí ở những cánh rừng giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ nói chung, Gia Lai nói riêng, để đưa về thành phố trao đổi, mua bán. Nguy cơ tuyệt chủng của các loài chim rừng đang đến giờ cao điểm…
Chim rừng và những nhà tù...
Ăn mặc bảnh bao, trong vai một “đại gia” đi tìm mua chim quí về chơi, tôi vào một ngôi nhà bán chim ở đường Phan Đình Phùng. Ngôi nhà chỉ cỡ 30m2, nhưng treo bán hàng trăm lồng chim các loại. Có lồng chỉ nhốt một con, nhưng có lồng nhốt tới 20 – 30 con chim chào mào, chích choè...
Nhìn những con chim tù túng trong những chiếc lồng nhỏ nhiều kiểu dáng, nhiều màu sắc, đang run rẩy, lo sợ, bay nhảy, loạn đạp… tôi bỗng nhớ lại những ngày đóng quân ở Suối Bạc, Bắc Quang và trên đỉnh núi 673 ở Vị Xuyên, Hà Giang, hay ở Đức Cơ – Gia Lai, cứ mỗi sáng khi ánh mặt trời đưa lại những tia nắng đầu tiên, sương rớt nhẹ trong tiết trời lành lạnh... thú vị nhất là được nghe những “bản tình ca” của vô số loài chim.
Giọng hót “đơn ca” của chào mào, chích choè... hay “song ca”, “hợp ca” tiết tấu hài hoà của hoạ mi, khướu, sáo, két, hoàng anh, vàng anh, cu gáy... đều là những giai điệu độc đáo của loài chim mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Giữa rừng núi bao la, cây cối nhiều tầng lớp, chim tung hoành bay lượn và theo bản năng tự nhiên, chúng thường xuyên ngân nga gọi bạn, gọi tình, gọi đàn và tìm con nhỏ mỗi khi chim mẹ đang tập bay và kiếm mồi.
Những lúc đó tôi đắm say trong âm thanh khúc hát ban mai của núi rừng và không thể nào quên được cái cảm giác tuyệt vời khi thưởng thức giai điệu thiên nhiên tinh khôi, thần tiên, hồn nhiên giữa cảnh rừng hoang sơ kỳ vĩ. Khúc hát ban mai của những loài chim rừng đã làm cho tâm hồn con người thanh thản, trong sáng hơn dưới ánh bình minh và cuộc sống dù vất vả, gian khổ vẫn luôn ấm áp ngọt ngào tràn niềm vui.
Còn một khi vì lòng tham lam của con người bắt chim về “nhốt tù” thì điều dễ thấy của chim rừng là chúng sẽ không hoặc ít hót hoặc có hót thì giọng hót đó lạc điệu như khóc than, kêu cứu.
Sau một lúc, đứng nhìn và nghe tiếng “khóc than” của những con chim tù, tôi dò hỏi ông chủ giá bán chim. Chỉ tay vào lồng chim chào mào mới nhập về, ông chủ cho biết: “Đây là chim rừng tôi mới mua còn nhát và chưa biết ăn cám tổng hợp, phải tập mấy ngày nữa thì giá bán từ 30 đến 50 ngàn đồng mỗi con, chào mào mồng đỏ, lông mượt nuôi từ nhỏ, “đơn ca” tuyệt diệu thì 400 đến 500 ngàn một con.
Còn trên kia là lồng chích choè, được thuần dưỡng hơn chục ngày, quen người rồi, hót hay lắm giá bán 50 ngàn một con... Giá ở đây là rẻ nhất đó, anh mua về mà “chơi” hoặc làm quà cho bạn bè, người thân...”.
Đưa con nhồng đang bị nhốt trong một cái lồng được làm bằng nhũng sợi mây nhỏ rất đẹp, ông bán chim giới thiệu đây là một trong hai con chim được ông mua từ người đi săn với giá 400 ngàn khi nó còn đỏ hơn và chưa mở mắt. Một con “bị gió” đã chết, còn con này đã 3 tuổi, được thuần hoá nên nói được một số từ giống như tiếng người, nghe là lạ hay lắm, đây là loại chim quí, nên giá bán cũng trên 5 triệu đồng...
Như để chứng minh, ông ta bập bập đầu ngón tay, rồi bập bẹ như trẻ mới tập nói: “có khách, có khách ! ”, “bé ơi về ăn !”... Đáp lại tiếng “mồi” của ông chủ, con nhồng đứng yên, đưa mắt như dò hỏi, sợ sệt rồi bay, nhảy loạn xạ, những chiếc lông trên đầu, trên cánh rơi ra, bay tung toé.
Sợ con chim “bị thương” nặng, ông bán chim không “mồi” nữa mà lẩm bẩm: “Hôm nay mưa to, trời ẩm nên chắc nó giở chứng. Mọi ngày nghe nó “chào khách, thổi sáo, mời uống nước...”, mọi người cứ trố mắt, càng ngạc nhiên bao nhiêu lại càng thích bấy nhiêu vì nó nói rất giống tiếng người!”.
Rời “nhà tù” chim rừng trên đường Phan Đình Phùng, tôi rẽ qua đường Trần Hưng Đạo, nơi hành lang của Công viên Lý Tự trọng và phần đối diện với Quảng trường 17.3, có rất nhiều chủ bán chim rừng và thêm ba, bốn chiếc xe máy, là những chợ “di động” bán chim. Ở đây chim trời, đẹp, quí hiếm được bày bán tự do. Mỗi lần có tiếng còi xe to hay thấy có người đi qua, cúi xuống nhìn vào lồng, những con chim hoảng loạn đập cánh bay tới tấp, nhiều con chim rụng rơi hết lông cánh, lông đầu, máu đọng lại tím bầm...
Rõ ràng, thân phận bị nhốt trong chiếc lồng bé xíu khiến nó không khỏi chạm đầu, đụng cánh và va đập quá nhiều vào thành lồng mỗi khi sợ hãi.
Nhìn vào một con khướu đen tai trắng, trong chiếc lồng tre to, cao đến gần cả thước, tôi hỏi: “Con khướu này hót được chưa? Hót rồi, hay lắm, anh xem nơi khoé miệng nó có đường vàng đó, chứng tỏ là nó đã biết hót... mua tôi bán rẻ cho”, người bán chim trả lời. Nói xong anh gọi tôi ra cách con chim khoảng 4m rồi cong miệng huýt sáo “chít chìu, chít chìu, hìu... hìu...hìu...huých...”.
Chuyện những người săn chim
Khi tôi đang nghe ông chủ giới thiệu về các loài chim mà mình đang “định mua”, thì một cặp vợ chồng người dân tộc Jơ rai dừng xe lại bên lề và mang bán hai lồng chim mới săn được. Gần 30 con chào mào và 5 con cu gáy. Như sợ ai tranh mua mất, ông chủ chim đã kéo họ vào trong và trả tiền mua liền. Mừng vui vì bắt và bán được chim trời, họ kéo nhau ra quán nước lề đường gần đó, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đi đến cùng uống nước và dò hỏi cách săn bắt chim.
Anh Ksor Nhiel, người bán chim cho biết: “Nghề săn bắt chim trời trước đây dễ lắm. Rừng nhiều, chim nhiều mà người đi săn bắt chim lại ít, nên đến mùa này một ngày đi cũng kiếm được hai, ba trăm bạc. Nay thì rất khó khăn, do rừng bị tàn phá nhiều, chim cũng ít đi do con người săn bắt, phải đi 4, 5 ngày đường vào tận rừng sâu những nơi yên tĩnh, có suối cạn, bãi đất bằng... thích nghi với môi trường sinh sống của các loài chim, mới căng bẫy rình bắt, hoặc tìm tổ để bắt chim con.
Nhưng chủ yếu bắt được các loài chim rẻ tiền như chích choè, cu gáy, chào mào... Do đường xa, lại qua nhiều sông suối, ăn ở trong rừng nên bệnh tật, nhất là sốt rét thì khó tránh khỏi, đứa bạn của anh Nhiel bị sốt rét đã gần tháng này chưa khỏi, tiền bán chim không đủ để mua thuốc điều trị. Thế mà hằng ngày vẫn có cả một “đoàn quân” cả trăm người tay xách, nách mang bẫy, cặp vào rừng săn bắt chim…
Đến đường Quang Trung, nơi thường có hai “nhà chim tù” và một số xe chim cơ động, khen những con chim của chị T đẹp và xin chụp mấy kiểu ảnh để về giới thiệu với bạn bè và “quảng cáo” hàng cho chị. “Chị bán chim “lưu động” ở đây, có khi nào lực lượng kiểm lâm “đến thăm” nhà chim trời của chị không?”, tôi hỏi. “Mình mua bán nhỏ và chủ yếu là chim “rẻ tiền” nên chắc mấy ông không ngó tới. Ở thành phố này có tới cả trăm “nhà chim tù” lớn với nhiều loài đẹp, quí hiếm... đã mấy năm rồi nhưng có thấy ai nhắc nhở gì đâu”.
Một thực tế đáng lo ngại là số lượng chim rừng ngày càng giảm, một phần do con người tàn phá rừng, môi trường sinh sống của chim, phần khác con người lại săn bắt kể cả chim con. Cho nên, để bảo vệ chim rừng khỏi hoạ “diệt chủng” thì ý thức của mỗi người trong việc thực hiện ba không “không săn bắt; không mua bán và không chơi chim”, cũng có nghĩa đã góp phần ngăn chặn việc bắt động vật này.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại những nơi mà số người săn chim hay giăng bẫy. Còn ở những nơi buôn bán chim rừng, thì lực lượng kiểm lâm phải kiên quyết thực hiện trách nhiệm được giao phó. Nếu như phần “cung” (người bán chim) đáp ứng được phần “cầu” (người chơi chim) thì cái hoạ bắt chim rừng sẽ vẫn mãi mãi tồn tại.
Và một vài năm sau, con cháu chúng ta sẽ không còn biết sắc đẹp của chim rừng và được nghe tiếng chim hót những giai điệu trữ tình mà đầy lưu luyến, “bản tình ca” hạnh phúc giữa con người và thiên nhiên, động vật...
Theo Quang Dũng
Lao động